Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những cây đại thụ vùng biên
Thứ sáu: 06:56 ngày 17/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong 10 năm qua, các vị già làng, trưởng bản, trưởng ấp, trưởng thôn, những người có uy tín trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã vun đắp cho nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, xứng đáng là những cây đa, cây đề, là linh hồn của buôn làng, phum sóc dọc dải đất biên cương.

Những người có uy tín ở xã Long Thuận (huyện Bến Cầu) rất gắn bó với BÐBP.

Trong chặng đường 30 năm chung tay xây dựng nền biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc dày công vun đắp, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình. Vai trò, chức năng nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người tuy có khác, nhưng quân và dân ở các tỉnh vùng biên luôn bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới quốc gia, giữ tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc đời đời bền vững.

Trong 10 năm qua, các vị già làng, trưởng bản, trưởng ấp, trưởng thôn, những người có uy tín trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã vun đắp cho nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, xứng đáng là những cây đa, cây đề, là linh hồn của buôn làng, phum sóc dọc dải đất biên cương.

Việt Nam - Campuchia có chung đường biên giới đất liền dài 1.137km, bắt đầu từ tỉnh Kon Tum đi qua các tỉnh Gia Lai, Ðăk Lăk, Ðăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Ðồng Tháp, An Giang và kết thúc tại tỉnh Kiên Giang. Trải dọc trên đoạn biên giới ấy là 113 xã, thuộc 34 huyện của 10 tỉnh giáp biên, với dân số trên 217.000 hộ, 869.000 khẩu, trong đó có 31 thành phần dân tộc cùng chung sống.

Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã quan tâm đặc biệt đến đồng bào, cán bộ chiến sĩ trên khu vực vùng sâu, biên giới, hải đảo như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 của Chính phủ, các chính sách ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt cùng hàng trăm dự án lớn nhỏ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên khu vực biên giới trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, giao thông, thuỷ lợi, và hàng ngàn chương trình an sinh xã hội…

Các bộ, ngành cũng luôn quan tâm hướng về biên cương bằng nhiều phong trào mang ý nghĩa thiết thực. Chính nhờ sự chung sức, đồng lòng ấy, bộ mặt nông thôn biên giới ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh phối hợp chặt chẽ với BÐBP tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương từng bước củng cố, xây dựng và thực hiện các chương trình mục tiêu trọng điểm, tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH ở địa phương.

Hiểu rõ và đồng thuận với quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, Nhà nước ta, các già làng, trưởng thôn, trưởng ấp và người có uy tín đã tuyên truyền, vận động con cháu, dòng tộc và cộng đồng dân cư nghiêm chỉnh chấp hành các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp”,  “Chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Bằng tâm sáng, chí bền và uy tín bản thân, các vị già làng, trưởng ấp chung tay cùng địa phương và BÐBP từng bước đẩy lùi, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng ngày càng vững chắc, xây dựng bản làng, phum sóc trở thành những điểm sáng văn hoá vùng biên.

Ðiển hình như tại Kon Tum, các vị già làng, trưởng ấp, người có uy tín tại các buôn làng đã tích cực tham gia các phong trào như “8 không - 5 có” đem lại kết quả thiết thực, nhờ vậy, đến nay đã có 48 tập thể, 198 hộ gia đình, 187 cá nhân, 97 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng với gần 1.000 người tham gia, xây dựng nên tuyến biên giới luôn hoà bình, ổn định.

Trên biên giới G­ia Lai, phát huy vai trò gương mẫu của các vị già làng, trưởng buôn trong công tác tuyên truyền vận động, xây dựng nên luỹ thép biên phòng vững chắc, đến nay, trên biên giới Gia Lai đã có trên 6.260 tổ viên tham gia các phong trào, qua đó đã cung cấp 350 nguồn tin giúp cho các lực lượng chức năng đấu tranh xoá bỏ 3 tụ điểm với 49 đối tượng hoạt động phục hồi “Tin Lành Ðề Ga”, thu giữ 14 loại tài liệu tuyên truyền phản động, xử lý được 142 vụ, 229 đối tượng liên quan đến trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản, buôn bán, sử dụng ma tuý trái phép.

Tỉnh Ðăk Lăk có hơn 73km đường biên giới, có 2 huyện biên giới là Buôn Ðôn và Ea Súp. Thời gian qua, các đồn Biên phòng trong tỉnh đã tham mưu cho chính quyền 4 xã biên giới thành lập được 51 tổ/312 người đăng ký tự quản an ninh trật tự; có 23 tập thể, 421 hộ gia đình, 1.443 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Còn trên 7 xã biên giới của tỉnh Ðăk Nông, đã có 27 hộ với trên 1.400 quần chúng nhân dân cùng 6 tập thể với gần 330 thành viên tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, xây dựng được 94 tổ với trên 1.100 thành viên tham gia tự quản an ninh trật tự xóm ấp.

Trong đó, bằng gương sáng của mình, các già làng, người có uy tín tại Ðăk Nông đã vận động hơn 300 hộ dân tự giác giải toả nương rẫy để làm đường tuần tra và xây cột mốc; giúp BÐBP phát hiện và đấu tranh ngăn chặn nhiều vụ việc, góp phần giữ vững trật tự trị an trên khu vực biên giới.

­Tỉnh Bình Phước có 80,4km đường biên giới, tính đến thời điểm này đã có trên 1.940 hộ gia đình với gần 7.000 người tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc; có 98 thôn, 22 tổ chức là các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp và 14.451 hộ gia đình trên 15 xã biên giới đã ký kết thực hiện phong trào tự quản an ninh trật tự xóm, ấp trên khu vực biên giới.

Thông qua lực lượng quần chúng, các già làng, đã cung cấp nhiều tin có giá trị cho BÐBP kịp thời đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, giúp BÐBP tỉnh phát hiện nhiều vụ việc vi phạm ở khu vực biên giới.

Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong suốt 10 năm, cấp uỷ, chính quyền địa phương và Uỷ ban MTTQVN các cấp cùng lực lượng BÐBP luôn quan tâm xây dựng nền biên phòng toàn dân trên địa bàn 5 huyện, 20 xã biên giới.

Ðến nay, Tây Ninh đã có 58 ấp với trên 1.660 hộ, gần 3.000 quần chúng nhân dân đăng ký tham gia tự quản đường biên cột mốc, có trên 980 tổ với trên 28.000 hộ đăng ký tự quản, giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp.

Ðể duy trì và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, các huyện, xã biên giới phát huy tối đa vai trò đầu tàu, gương mẫu của các vị già làng, trưởng ấp, người có uy tín tại địa phương- nhất là trong công tác tuyên truyền trên khu vực biên giới, góp phần xây dựng nên những điểm sáng văn hoá trên biên giới Tây Ninh.

Trên biên giới Long An, các vị trưởng ấp tiêu biểu và những người có uy tín tại địa phương luôn là những tấm gương sáng về các mặt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân vùng biên tích cực tham gia các phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thường xuyên vận động bà con vùng biên tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhờ đó kịp thời đấu tranh ngăn chặn các vụ việc vi phạm hiệp ước về biên giới; đồng thời tham gia cùng lực lượng chức năng ngăn chặn nhiều vụ buôn lậu thuốc lá, nhiều vụ trộm cắp xe mô tô đưa sang Campuchia tiêu thụ.

Tại Ðồng Tháp, đến nay, trên địa bàn 8 xã thuộc 3 huyện biên giới đã có trên 21 tổ (466 người dân) đăng ký tham gia tự quản đường biên cột mốc. Quân dân vùng biên Ðồng Tháp đã chung sức, đồng lòng phối hợp chặt chẽ cùng BÐBP đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên từng xóm ấp vùng biên, phát huy vai trò của các vị trưởng ấp, người có uy tín kịp thời đề ra nhiều phương pháp tuyên truyền phù hợp với địa hình sông nước. Nhờ vậy, tình hình trạng vi phạm quy chế khu vực biên giới- nhất là trong mùa nước nổi đến nay đã giảm đi rất nhiều.

Trên biên giới An Giang, các trưởng ấp, chức sắc thuộc các tôn giáo trên địa bàn biên giới luôn là những tấm gương sáng cho người dân vùng biên noi theo. Suốt thời gian qua, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, họ cùng BÐBP luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, giáo dân trên địa bàn không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, các đối tượng thù địch gây chia rẽ đoàn kết nội bộ; đề ra các mô hình bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, vận động bà con không tham gia các tệ nạn xã hội, không xâm phạm đến vành đai biên giới, mốc quốc giới; đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Nằm cuối dải biên giới đất liền của Việt Nam, đến nay, trên địa bàn 7 xã biên giới thuộc huyện Giang Thành và thị xã Hà Tiên của Kiên Giang đã có 240 hộ với trên 2.400 quần chúng nhân dân tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp.

Ðiểm nổi bật nhất tại vùng biên Kiên Giang là các vị trưởng ấp, người có uy tín đã phát huy tốt kinh nghiệm, vốn sống của mình, chung tay cùng BÐBP xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các cấp chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân nước bạn Campuchia.

BÐBP tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng.

Tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc, chính là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Ðây là tư tưởng, đường lối chiến lược của Ðảng, Nhà nước, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tập trung vun đắp cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia - tài sản vô giá, thiêng liêng, bất khả xâm phạm mà ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi và xương máu để xây dựng nên - đó chính là bức tường thành vững chãi chở che cho không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quan tâm chăm lo bồi dưỡng, biểu dương và tôn vinh các bậc cao niên, trưởng lão, các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín ở các thôn, ấp, gia tộc - dòng họ, các chức sắc tôn giáo… Họ là những cây đại thụ, là trung tâm đoàn kết, là linh hồn của các buôn làng, phum sóc trên khắp nẻo biên cương.

Lê Quân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục