Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những chia sẻ gần gũi của tân Phó Bí thư Thường trực TP.HCM
Thứ sáu: 09:30 ngày 15/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong hơn 30 phút phát biểu, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, người mới nhậm chức được 16 ngày đã dành phần lớn thời gian nói về cảm xúc của mình với TP.HCM.

Sáng 14-3, Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2018, triển khai công tác và phát động thi đua năm 2019.

Luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm những cái mới  

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đã đến dự và có những chia sẻ tâm huyết của ông về sự phát triển của TP và về những hoạt động của khối. Ông nói muốn “bày tỏ cảm xúc của mình” chứ không dùng một bài phát biểu dài năm trang rất đầy đặn đã được chuẩn bị trước.

Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Ông cũng nói từ trước đến nay ngay cả khi làm bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cũng rất ngại xài chữ “chỉ đạo”, mà ông mong muốn nói điều gì đó mà mọi người chia sẻ được, thấm hơn và cùng nhau làm tốt hơn. “Tôi nhận công tác đến nay được 16 ngày, hy vọng đủ sức khỏe để gánh vác trọng trách...” - ông Quang nói.

Trong hơn 30 phút phát biểu, ông Quang dành phần lớn thời gian nói về cảm xúc của mình với TP.HCM. Ông nói có chục năm đi học ở đây, sinh ra ở vùng quê cũng rất gần đây và phát biểu dưới góc độ người ở xa nhìn về. Vì theo ông, như trong đánh cờ tướng, người ở ngoài thì nhìn nước sáng lắm chứ người trong cuộc áp lực nhiều chuyện.

Thứ nhất về câu chuyện địa phương đứng đầu cả nước. Ông Quang cho rằng chúng ta bớt nghĩ TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về GRDP, về thu ngân sách và những thứ khác. “Việc nói mình là người đứng đầu cũng có tác động bất lợi, có khi sinh ra tâm lý chủ quan và trong mắt nhiều người họ nói mình không khiêm tốn và quan trọng nó góp phần làm thui chột đi sự phấn đấu của mình” - ông Quang lý giải.

Ông cho rằng nếu so sánh TP.HCM với những TP như Hong Kong, Thượng Hải, Singapore... thì thấy TP.HCM còn thua xa và cần phải cố gắng nhiều. “Lúc ở Tây Ninh, tôi cố gắng truyền cho anh em một thông điệp: Mình còn nghèo lắm, phải thoát khổ. Anh em khát khao phát triển Tây Ninh nên có nhiều việc đồng hành được với nhau” - ông Quang nói.

Ông cũng kể một câu chuyện liên quan đến ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, là người dẫn dắt con tàu Viettel, bây giờ trở thành một mẫu mực, một điển hình.

“Tôi có hỏi anh Hùng: Nếu Viettel thành công về cái gì trong những ngày đầu thì anh Hùng nói truyền cho mọi người ở Viettel một thông điệp: Cái lợi thế lớn nhất của Viettel là mình nghèo nên phải chắt chiu, cạnh tranh với Vinaphone, MobiFone thời đó và hiện nay rất thành công” - ông Quang kể lại.

Điều thứ hai mà ông Quang chia sẻ là về truyền thống sáng tạo của TP.HCM. Ông nói cái ông ngưỡng mộ nhất ở TP.HCM là ở nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ luôn có được sự sáng tạo, dám nghĩ những cái mới, dám làm những cái mới và thực sự sau này nhiều chính sách trung ương đã học được nhiều bài học từ TP.HCM.

Sự sáng tạo cũng chính là điều mà ông Quang mong muốn tất cả cán bộ, đảng viên ở TP.HCM phải phát triển mạnh mẽ để đưa TP phát triển đi lên.

Chia sẻ những câu chuyện về "gần dân"

Riêng đối với Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng. Ông Trần Lưu Quang mong muốn trong năm 2019, phải rướn, phải ráng, phải nỗ lực cố gắng hết sức để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết. Ông đề nghị cần xem lại các chỉ tiêu trong nghị quyết, cái gì đã làm được và chưa làm được, từ đó rút kinh nghiệm, mổ xẻ có phải chỉ tiêu chúng ta đưa ra cao xa quá không, phi thực tế quá không?

Về công tác nhân sự, nhất là Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, ông Quang mong có thêm nhiều cán bộ trẻ. Theo ông, một đội ngũ có nhiều người cùng độ tuổi là không hay, phải có nhiều độ tuổi khác nhau vì mỗi độ tuổi lại có cách tư duy khác nhau. “Các đồng chí cần lưu ý điều này. Tôi rất sẵn sàng ủng hộ cán bộ trẻ, nhất là trẻ mà sáng tạo, mạnh dạn và quyết liệt trong tư duy” - ông Quang khẳng định.

Còn trong công tác dân vận, ông Quang kể những câu chuyện rất gần dân mà chính bản thân ông mỗi lần nhắc lại đều xúc động.

Đó là chuyện về một người mẹ nuôi dưỡng, cưu mang cán bộ trong chiến tranh. Trong cảnh bom đạn, khốn khó như thế nhưng dân không nề hà gì, sẵn sàng che giấu, bảo bọc cho cán bộ. Tình cảm của cán bộ với dân khi đó rất khắng khít. “Như bây giờ mình sướng hơn rồi, xe có máy lạnh, phòng lạnh... không giống như ngày xưa nữa, mình xa dân hơn. Bà con nói gì mình không nghe, bà con khiếu kiện, tiếp dân theo quy định thì thậm chí những người đứng đầu trốn luôn” - ông Quang nói.

Ông Quang kể tiếp câu chuyện về một người đã khuất là ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. “Ông Bá Thanh có một điểm mà bản thân tôi không làm được. Tức là ông tiếp dân bất kể lúc nào ông có thời gian” - ông Quang nói và cho biết ông Bá Thanh thường tiếp dân vào lúc 17 giờ 30 tới 23 giờ đêm, lúc ông đi làm về.

 “Đó là giờ người dân đã đói bụng. Ông Bá Thanh mới nói vợ gọi bà bán bún cạnh đó gánh vào trong sân. Người dân cứ vào đó ngồi chờ gặp ông là có tô bún ăn. Tiền do vợ ông Bá Thanh trả hằng tuần. Mỗi lần về ông cũng ăn tô bún cái đã vì ăn mới có sức tiếp dân” - ông Quang nói.

 Cuối cùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đã công khai số điện thoại của mình cho các đại biểu ở hội trường lưu, khi có việc cần đóng góp, hay chia sẻ có thể nhắn tin cho ông.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục