BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những chuyện ghi ở xã

Cập nhật ngày: 25/08/2009 - 06:16

Cách đây hơn 2 tuần, chúng tôi đến trụ sở UBND xã L.K, huyện B để liên hệ công tác. Vào phòng Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, tôi thấy có 4 người đang ngồi tại bàn khách, trong đó ba người khoảng trên 40 và một thanh niên khoảng dưới 30 tuổi. Gật đầu chào xong, tôi xin được gặp Phó Chủ tịch. Ba người đàn ông trung niên im lặng nhìn tôi, còn anh thanh niên (không hiểu vì sao trông mặt anh này “đằng đằng sát khí”, có vẻ rất trịch thượng) hất hàm hỏi: “Gặp để làm gì?”. Tôi trình bày: “Gặp lãnh đạo UBND xã để liên hệ công tác”. “Công tác gì?”. Tôi bảo để xác minh đơn khiếu nại của một số hộ dân ở địa phương. Anh này lại bảo: “Đơn gì, đưa đây!”. Tôi hơi khó chịu trước cách ăn nói cộc lốc của anh thanh niên này nên trả lời: “Anh cho tôi gặp lãnh đạo để tôi trình bày”. Anh này “sửng cồ”: “Thì anh đưa đây tui mới biết khiếu nại cái gì mà báo lãnh đạo chứ!”. Biết khó qua được “cửa ải” này, tôi đành phải lấy đơn khiếu nại đưa cho anh thanh niên. Liếc sơ qua lá đơn, anh thanh niên vội đưa cho một người nãy giờ vẫn ngồi im lặng quan sát tôi. Tôi hỏi: “Chắc anh là Phó Chủ tịch UBND xã?”, anh này gật đầu.

Do không được cán bộ xã, huyện giải thích rõ chủ trương của Nhà nước về việc hỗ trợ người chạy xe lôi máy, nhiều người dân phải đến Sở GT-VT để tìm hiểu (ảnh minh hoạ).

Quả thật, tôi hơi bị “sốc” trước cách “tiếp khách” khá kỳ lạ của hai ông cán bộ xã L.K. Ông Phó Chủ tịch UBND xã cứ điềm nhiên ngồi nghe cấp dưới (sau đó tôi mới được biết anh thanh niên kia là nhân viên văn phòng UBND xã) hạch hỏi người đi liên hệ công tác, trong khi lẽ ra ông phải giới thiệu mình để người đi công tác biết và liên hệ để tránh mất thời gian vô ích. Còn ông nhân viên văn phòng thì “lớn lối”, ra vẻ “người có quyền” và tự tiện xen vào việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, nhưng cấp trên vẫn “vui vẻ” đồng tình. Một lát sau, khi làm việc với ông Phó Chủ tịch UBND xã L.K xong, tôi phàn nàn về cung cách tiếp xúc với khách của anh nhân viên văn phòng ban nãy và hỏi tên anh ta thì ông Phó Chủ tịch gượng gạo bảo: “Thằng em làm ở văn phòng, thôi bỏ đi!”. Tôi hỏi: “Ở xã này không thực hiện quy định cán bộ, công chức phải đeo bảng tên khi làm việc, khi tiếp dân sao anh?” thì được trả lời: “Có chứ!”. Thế mà, cả anh nhân viên văn phòng lẫn ông Phó Chủ tịch đều không đeo bảng tên.

Trước đó một tuần, tôi ghé vào trụ sở UBND xã T.T cũng ở huyện B. Chưa đến 10 giờ 30 nhưng không hiểu sao nơi này vắng tanh. Tôi vào bên trong tìm người để liên hệ công tác nhưng các phòng đều khoá cửa, không còn cán bộ nào làm việc. Nghe phía sau trụ sở có tiếng người cười nói rôm rả, tôi lại gần. Ở dãy nhà phía sau trụ sở làm việc của UBND xã có khoảng bốn người cởi trần nằm trên võng cười đùa. Tôi hỏi thăm nhà ông D và được những người này chỉ một cách đại khái trong khi vẫn còn nằm trên võng. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi tỏ ra ngạc nhiên: “Sao xã này nghỉ trưa sớm thế?”.

Trái ngược với cách làm việc “kỳ cục” của một số cán bộ ở hai xã mà tôi vừa nêu là thái độ nhiệt tình, có trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo UBND nhiều xã mà tôi đã đến. Khoảng ba tháng trước, tôi có việc đến xã H.T, huyện Tr. B. Do đường xa và trời mưa nên khi tôi đến nơi thì đã gần hết giờ làm việc. Tuy nhiên, khi nghe tôi trình bày nội dung đơn khiếu nại của người dân và đề nghị UBND xã hỗ trợ xác minh vụ việc thì ông Phó Chủ tịch UBND xã (nay là Chủ tịch) vui vẻ chỉ đạo một số cán bộ ở các ban thuộc UBND xã nán lại để cung cấp số liệu, photo tài liệu và đưa phóng viên xuống cơ sở tìm hiểu vụ việc. Đến khi xong việc, ông Phó Chủ tịch UBND xã cùng cán bộ thuộc quyền mới ra về.

ĐÌNH CHUNG