Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những cô gái Khmer thích ca múa
Thứ bảy: 06:58 ngày 13/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói, niềm yêu thích ca, múa như thấm sâu vào máu của người dân Khmer. Đam mê ca múa, nhiều cô gái Khmer ở xóm Bồ Kết (ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) tập hợp thành một nhóm để tập luyện các lời ca điệu múa, qua đó giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống.

Đội văn nghệ chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh và Hội Phụ nữ Campuchia vì hoà bình và phát triển tỉnh Tbong Khmum.

Phát huy truyền thống của dân tộc

Những nét đẹp văn hoá của đồng bào Khmer đã đóng góp tích cực vào kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam, tạo nên một bức tranh tổng thể phong phú, đặc sắc và đa dạng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, văn hoá truyền thống của người Khmer- đặc biệt các thể loại múa, hát đang được các bạn trẻ tiếp thu, bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc.

Cao Thị Phuônl (26 tuổi), cô gái nông thôn người Khmer, quanh năm vất vả sống bằng nghề làm thuê, làm mướn nhưng ca hát như ngấm vào máu, là niềm yêu thích của bản thân. Phuônl chia sẻ: “Em rất thích hát, khi hát mình cảm thấy vui hơn, đỡ buồn chán, nhất là những lúc đang làm việc”.

Có năng khiếu ca hát nên từ nhỏ Phuônl luôn có mặt trong các lễ hội của đồng bào mình. Trong xóm, Phuônl là trường hợp ít ỏi được học cao, cô đã tốt nghiệp trung cấp dược nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên về làm nông. Được đi đây đó nhiều, tiếp thu kiến thức nên Phuônl tự tin, mạnh dạn hơn chị em trong xóm. Vì vậy, cô là người hát chính trong đội văn nghệ của xóm được thành lập từ năm 2019.

Thị Cà Khonl (31 tuổi) là thành viên múa của đội. Trước đó, Cà Khonl không nghĩ mình sẽ tham gia đội múa rồi được đi biểu diễn đó đây. Thích ca, múa từ nhỏ và thường tham gia trong các dịp lễ hội, nay được tham gia trong đội văn nghệ, đi biểu diễn cùng chị em, Cà Khonl rất vui. Cô chia sẻ: “Tôi muốn được tham gia đội vì sẽ được đi đây, đi đó để học hỏi, biết thêm nhiều thứ”.

Với Cà Khonl, múa cũng chỉ theo bản năng là chính chứ chưa được học hành bài bản. Cô nói: “Hồi còn nhỏ, mình được xem những điệu múa và rồi quen dần, đến giờ tự nhiên múa được thôi”.

Năm nay 30 tuổi, nghề của Sóc Quanh Thi là làm thuê, làm mướn. Cô đi làm ở khắp các địa phương trong tỉnh, từ Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên đến thành phố Tây Ninh... Ngày nào đi xa phải dậy sớm từ 4 giờ sáng, chiều thì hơn 17 giờ mới ra về. Công việc vất vả là vậy, nhưng mỗi khi có dịp, Sóc Quanh Thi và chị em của mình lại dành thời gian để tập hát, múa. Quanh Thi chia sẻ: “Đã nhận lời biểu diễn thì dù đi làm về mệt chúng tôi vẫn ráng tập luyện cho nhuần nhuyễn, thể hiện thật tốt trong buổi lễ”.

Cao Thị Sà Mean (25 tuổi) cũng là người thích ca múa, vì vậy, cô tham gia ngay từ đầu khi đội được thành lập. Là một trong những thành viên nhỏ tuổi của đội, Sà Mean rất nhiệt tình, xông xáo tham gia các hoạt động. Sà Mean chia sẻ: “Tham gia đội văn nghệ rất vui. Em luôn muốn được tham gia lâu dài hoạt động này với các chị em của mình”.

“Ở đâu em cũng hát được, làm việc nhà cũng hát, rửa chén cũng hát, nhổ cỏ lúa hay đang bấm nhánh mãng cầu em cũng hát. Vì hát rất vui! Đi biểu diễn, mỗi ngày chỉ bằng công một buổi làm nhưng chúng em không tiếc vì mình được làm điều bản thân yêu thích”- Cao Thị Phuônl chia sẻ.

Sóc Quanh Thi bày tỏ: “Được ra ngoài giao lưu, tôi cảm thấy tự hào vì có nhiều người biết đến văn hoá của dân tộc mình hơn”.

Những trải nghiệm khó quên

Những cô gái Khmer vùng nông thôn, quanh năm cuộc sống gắn với ruộng đồng nhưng nhờ biết ca, múa mà có những trải nghiệm khó quên. Họ cùng nhau tham gia Gala giao lưu giữa các dân tộc do tỉnh tổ chức năm 2019, biểu diễn tại các hoạt động giao lưu văn hoá của huyện, hay mới đây là biểu diễn trong các hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác giữa Hội LHPN tỉnh và các tỉnh của Vương quốc Campuchia.

Cao Thị Phuônl chia sẻ: “Năm 2019 là lần đầu tiên bước lên sân khấu biểu diễn. Cho đến hiện tại, dẫu em vẫn còn cảm giác lo lắng nhưng sau mỗi lần diễn, em có thêm sự tự tin. Cảm giác rất vui!”. Cô gái này cũng nói rằng, trước mỗi lần biểu diễn tâm trạng luôn nôn nao lo lắng nhưng chưa bao giờ trong cô có cảm giác muốn bỏ cuộc, vì đã làm thì phải làm ngày một tốt hơn.

Những lần đi xa là trải nghiệm nhớ đời với Thị Cà Khonl. “Đi đến các cửa khẩu, đường xa nên tôi bị say xe, mỗi lần như vậy rất mệt”. Nói là vậy, nhưng hôm sau Cà Khonl lại cùng chị em của mình lên đường để được hát múa. Vì với cô, đi đây đó là thêm niềm vui cũng như học hỏi được nhiều thứ. Rồi sau đó trở về với công việc thường ngày, mỗi người lại có kỷ niệm để kể với nhau trong những cuộc chuyện trò, họp mặt.

Sóc Quanh Thi (bên trái) và bạn trong một lần tham gia biểu diễn.

Với Sóc Quanh Thi, được ca múa là niềm tự hào vì qua đó những nét văn hoá của dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn. Cô chia sẻ: “Mỗi khi thấy những màn biểu điễn của mình được người xem thích thú tôi thấy vui nhiều lắm”. Để được ca múa, Sóc Quanh Thi và các chị em của mình phải tự tay sắm sửa trang phục và lo toan nhiều thứ nhưng mỗi lần như vậy là một niềm vui của các cô.

Đến giờ, cô gái Khmer này vẫn còn nhớ những kỷ niệm của ngày đầu ra sân khấu, “lo đến nỗi không ăn được cái bánh mẹ mình làm” hay “run quá mà muốn bỏ về cho nhanh”. Tuy nhiên, nhờ những lời động viên của các chị trong đội văn nghệ, Sóc Quanh Thi đã có thêm nhiều tự tin. Cô gái này cũng từng tham gia cuộc thi hoa khôi dành cho các dân tộc trên địa bàn tỉnh và đạt giải cao.

Quanh năm gắn với ruộng đồng, khi ca múa, những cô gái này ban đầu cũng thiếu tự tin vì sợ tay mình quen cầm cuốc mà đơ cứng không múa dẻo như người khác; sợ bản thân không đủ tự tin để ca, múa trước đám đông. Sau 3 năm tham gia đội văn nghệ, họ đã có nhiều thay đổi. “Chị em chúng tôi đã có thể tự tin bước ra sân khấu chứ không còn lo lắng như trước nữa”- Sóc Quanh Thi tự tin nói.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục