Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đọc thơ văn cũng như ăn uống vậy, một món dùng hoài dễ ngán. Tôi đọc thơ tình, thơ triết lý ở Tây Ninh từ nhiều năm qua, nay đọc tập thơ “Bài học đầu tiên” của Trúc Lan viết cho thiếu nhi như được trở về với thế giới tuổi thơ, cảm giác thú vị không gì bằng.
Tập thơ “Bài học đầu tiên” của Trúc Lan xuất bản vào năm 2021 do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tác phẩm này được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ, chỉ vỏn vẹn 60 trang với 25 bài thơ và một bài cảm nhận của nhà văn Cảnh Trà.
Trong chừng ấy, tác giả đã thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc với các cháu thiếu nhi từ việc vui chơi đến học hành, từ nắn nót con chữ vỡ lòng đến bài học đạo đức làm hành trang cho tương lai.
Thật lòng mà nói, làm được bài thơ “người lớn” hay vốn đã không dễ, làm thơ cho thiếu nhi càng khó gấp bội. Bởi thơ viết cho thiếu nhi ngôn từ phải thật trong sáng, dễ hiểu, hình ảnh thơ phải gần gũi gắn liền với tâm hồn con trẻ.
Người viết nếu có đan xen triết lý cũng phải hết sức nhẹ nhàng, dễ cảm nhận và dễ nhớ. Đọc “Bài học đầu tiên”, tôi thấy Trúc Lan đã làm được điều đó. Trước đây, viết cho thiếu nhi ở tỉnh nhà, hầu như ngoài nhà thơ Trần Hoàng Vy ra không còn ai. Nay, sự xuất hiện của Trúc Lan với thể loại này quả là một tín hiệu rất đáng mừng.
Đi vào thế giới của “Bài học đầu tiên” ta bắt gặp nhiều hình ảnh rất thơ, rất đẹp như “Trâu tung tăng gặm cỏ/ Bầy sáo đậu lưng trâu/ Kìa anh mục đồng nhỏ/ Ngồi thổi sáo trên cầu” (Đến trường) hay “Hoàng hôn dần nghiêng khuất núi/ Nhẩn nha…nghé ọ…gọi bầy/ Bình yên mục đồng thổi sáo/ Cánh diều lướt gió tung mây” (Hương mùa). Hai hình ảnh quen thuộc của đồng quê là con trâu và mục đồng được Trúc Lan gợi tả hết sức lung linh. Nó vừa thực vừa mơ dễ làm cho tâm hồn trẻ thơ ghi khắc. Đó là cội nguồn của tình yêu quê hương.
Bên cạnh đó, tình cô - trò được nhà thơ miêu tả cũng hết sức dễ thương: “Học trò vùng biên giới/ Tặng cô đoá hồng nhung/ Trò nặn bằng đất sáp/ Sao mà thương quá chừng”.
Quà tặng cô của trò là đoá hoa hồng, nhưng không phải hoa mua chợ hay tự trồng, mà được nặn từ đất sáp. Cái đẹp và tình yêu thương khởi phát từ con tim rồi chuyển tải qua bàn tay khéo léo, thật là độc đáo làm sao.
Hơn ai hết, cô rất hiểu điều đó, nên cô sẵn sàng trao trọn lòng mình cho trò nhỏ “Cô hiền từ như mẹ/ Dạy bé nét chữ xinh/ Trên trang giấy trắng tinh/ Tay nở hoa từng chữ…/Ước mong trò chăm học/ Chóng lớn phụ mẹ cha/ Kiên nhẫn, ngoan, thật thà/ Góp phần cho xã hội” (Hoa hồng vùng biên giới). Những câu thơ đầy ắp ân tình.
Ngoài những cảnh và tình yêu trong trẻo của cô - trò, Trúc Lan rất thành công ở việc gửi gắm những bài học đường đời cho thiếu nhi. Đọc thi phẩm Bài học đầu cho học trò tôi, chúng ta thấy rất rõ điều đó, và nói không quá đây là bài thơ đinh của tập, xin trích ra như sau: “Này các em/ Những mầm xanh của cô/ Đừng tỳ ngực lên cạnh bàn như thế/ Hơi thở phải dài và sâu/ Vì bước chân các em còn đi bốn bể/ Vì buồng phổi các em còn đón gió năm châu - Này các em/ Những chú sóc nhỏ của cô/ Ngồi học thẳng lưng lên nhé/ Vươn vai ra và mở mắt to hơn/ Để khi ra đời các em sẽ luôn ngay thẳng/ Không cúi luồn quỳ luỵ một ai/ Mắt rạng ngời ánh sáng tương lai - Này các em/ Những con chim sâu của cô/ Bé bỏng mà luôn luôn có ích/ Việc nhỏ, việc to việc nào cũng thích/ Không biếng lười gian dối điêu ngoa/ Không phí phạm thời gian đi qua - Này các em/ Những cánh hoa nhỏ của cô/ Dẫu mỗi ngày loay hoay bút mực/ Hãy giữ cho tâm hồn sạch sẽ/ Để ngày sau mười ngón tay không vấy bẩn/ Như mười cánh hoa luôn chân thật toả màu”.
Toàn bài thơ chia làm bốn đoạn, mỗi đoạn là một lời dạy của cô, mỗi lời dạy của cô là một bài học quý cho trò. Đó là đi xa, vươn xa, sống ngay thẳng, bản lĩnh, trong sạch. Tình yêu thương của người thầy đối với trò khó nói hết thành lời. Không gì quý giá hơn những bài học đạo đức làm người.
Cảm nhận về bài thơ này, nhà văn Cảnh Trà đã viết: “Trong bài thơ này chừng như tác giả cũng có ý nhắn nhủ: ngoài việc học ở trường, các em còn phải học ngoài đời, học từ cuộc sống quanh mình- kể cả những vật nhỏ bé, bình thường như chim, như sóc, như cỏ hoa. Những lời dặn dò hàm chứa tất cả niềm yêu thương và hi vọng” (Trích Lời thủ thỉ của yêu thương và hi vọng - Bài học đầu tiên, trang 65).
Ở Tây Ninh, người sáng tác văn học cho thiếu nhi không nhiều. Sự khởi đầu của Trúc Lan với “Bài học đầu tiên” đã thành công ngoài mong đợi. Tập sách nhỏ này xứng đáng có mặt trong các thư viện của bậc tiểu học để các em tham khảo. Có như thế mới không uổng phí tâm huyết của người viết vậy.
Đào Thái Sơn