BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những đặc sản của Tây Ninh: Bao giờ mới có thương hiệu?

Cập nhật ngày: 15/08/2009 - 08:34

Từ nhiều năm nay, du khách các nơi đến Tây Ninh tham quan, khi chọn mua hàng hoá đem về biếu người thân thường không quên mua các đặc sản: trái mãng cầu, bánh tráng phơi sương… và chắc chắn không thể không ghé qua Trảng Bàng để thưởng thức món bánh canh đặc sắc. Đây là những sản phẩm từ lâu nổi tiếng ở Tây Ninh. Gần đây, Tây Ninh còn có thêm sản phẩm nổi tiếng khác nữa là muối ớt- một loại gia vị thật bình dân nhưng cũng thật hấp dẫn. Tuy đã nổi tiếng nhưng những “đặc sản” này của Tây Ninh vẫn chưa có thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường bởi vì đến nay vẫn chưa được công nhận thương hiệu.

Thực tế, từ nhiều năm trước đây những sản phẩm “đặc sản” trên của Tây Ninh đã vượt khỏi ranh giới tỉnh, có mặt ở rất nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Đồng thời có không ít bà con Việt kiều khi về thăm Tây Ninh, ngoài việc thưởng thức tại chỗ, khi đi cũng không quên mua mang theo ra nước ngoài vài hủ muối ớt, vài xấp bánh tráng phơi sương. Riêng trái mãng cầu ở Tây Ninh không chỉ chiếm khoảng 40% thị phần trong nước mà còn “bay” ra một số nước ngoài theo con đường xuất khẩu. Nói chung, các “đặc sản” này ở Tây Ninh ngày càng được nhiều người biết đến vì chất lượng hấp dẫn khách hàng.

Sau 5 năm xây dựng, “Đặc sản” mãng cầu Bà Đen của Tây Ninh vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục đăng ký thương hiệu.

Thế nhưng, để có thế cạnh tranh vững chắc, nhanh chóng mở rộng thị trường trong và ngoài nước, các đặc sản của Tây Ninh còn thiếu một yếu tố rất quan trọng- đó là thương hiệu chính thức được đăng ký bảo hộ. Để tạo điều kiện cho các đặc sản Tây Ninh đứng vững trên thị trường, đồng thời khuyến khích các “nhà sản xuất” trong tỉnh, cuối năm 2003, ngành chức năng đã đề xuất với UBND tỉnh xin cho phép xây dựng và thực hiện dự án “Khảo sát và xác lập căn cứ bảo hộ thương hiệu bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng, muối ớt và trái mãng cầu núi Bà Đen”. Đầu năm 2004, UBND tỉnh đồng ý cho phép triển khai dự án qua 2 giai đoạn: xây dựng dự án và thực hiện dự án. Triển khai giai đoạn đầu, Sở Khoa học và Công nghệ đã thông báo mời và tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tư vấn về xây dựng thương hiệu. Công ty TNHH AMBYS ở thành phố HCM trúng thầu tư vấn. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Công ty AMBYS tiến hành xây dựng dự án xong, đã thông qua Sở Tài chính thẩm định và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi dự án được phê duyệt xong, bước sang giai đoạn thực hiện dự án, Sở và đơn vị tư vấn cùng các ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế tình hình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm một cách khoa học, bài bản đối với từng loại sản phẩm để xác lập căn cứ đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xin cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện giai đoạn khảo sát thực tế thì gặp phải một vấn đề khó khăn khiến cho tiến trình thực hiện dự án bị chậm lại. Đó là cả 4 sản phẩm dự kiến đăng ký bảo hộ thương hiệu đều không có chủ thể đại diện gắn liền với thương hiệu. Cụ thể như đối với trái mãng cầu núi Bà Đen, lúc xây dựng dự án vẫn chưa có đơn vị nào đại diện cho tất cả những “nhà vườn” tại khu vực này nhận và thực hiện sự bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm mãng cầu. Tương tự, đối với các sản phẩm bánh tráng, bánh canh, muối ớt cũng vậy. Tại huyện Trảng Bàng có rất nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất bánh tráng, buôn bán bánh canh, sản xuất muối ớt, nhưng chưa có một tổ chức đại diện nhận và thực hiện bảo hộ thương hiệu đối với từng loại sản phẩm. Chính vì thế mà dự án chậm triển khai giai đoạn kế tiếp. Để giải quyết vướng mắc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có sản phẩm xây dựng thương hiệu nhanh chóng thành lập tổ chức gắn liền với sản phẩm để có thể đại diện thực hiện bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm. Sau đó khu vực chung quanh núi Bà Đen đã thành lập Hợp tác xã Mãng cầu Bà Đen và ở Trảng Bàng thành lập Hợp tác xã Bánh tráng Tân Tiến để làm đơn vị chủ thể xây dựng thương hiệu. Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hợp đồng với Văn phòng Luật TP.HCM xây dựng thương hiệu.

Có nhiều cơ sở sản xuất, nhưng muối ớt Tây Ninh đến nay vẫn chưa có đơn vị chủ thể đăng ký thương hiệu.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đang tiến hành khảo sát thực tế để xác định tính đặc thù của sản phẩm trái mãng cầu Bà Đen và bánh tráng Trảng Bàng. Sau đó sẽ hoàn chỉnh gửi Cục Sở hữu trí tuệ xin cấp giấy chứng nhận. Riêng sản phẩm bánh canh Trảng Bàng và muối ớt Tây Ninh thì vẫn chưa có bước tiến triển trong việc triển khai dự án xây dựng thương hiệu do các hộ sản xuất còn cá thể, chưa có đơn vị chủ thể. Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp chính quyền địa phương vận động các hộ sản xuất cá thể tham gia thành lập Hợp tác xã hoặc một tổ chức tập thể nào đó để có đơn vị chủ thể đăng ký thương hiệu cho 2 sản phẩm này.

Như vậy, sau 5 năm triển khai xây dựng thương hiệu cho 4 sản phẩm “đặc sản” của Tây Ninh, đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào được chính thức công nhận thương hiệu. Hiện tại 2 loại sản phẩm là trái mãng cầu Bà Đen và bánh tráng Trảng Bàng đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục và có thể sẽ được công nhận thương hiệu trong thời gian không xa. Thế nhưng còn 2 loại sản phẩm bánh canh Trảng Bàng và muối ớt Tây Ninh thì vẫn còn chờ đợi có một đơn vị chủ thể.

SƠN TRẦN

 


 
Liên kết hữu ích