Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những dấu ấn trong đợt 1 của Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV
Chủ nhật: 18:49 ngày 09/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đợt 1 Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV đã kết thúc với nhiều dấu ấn như kiện toàn công tác nhân sự, chất vấn và trả lời chất vấn, thảo luận 14 dự luật...

Chiều qua (8-6), đợt 1 của Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV đã khép lại 18 ngày làm việc với nhiều dấu ấn nổi bật; các nội dung của kỳ họp cũng đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Các đại biểu đã có những thảo luận, chất vấn thẳng thắn với các trưởng ngành để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: PHẠM THẮNG

Kiện toàn nhân sự
Một trong những dấu ấn nổi bật nhất của đợt 1 kỳ họp này là Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, đồng thời kiện toàn nhiều vị trí nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ. Đây cũng là nội dung được đông đảo người dân, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, sau những thảo luận, ngay trong ngày đầu tiên sau khai mạc Quốc hội (20-5), Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai ngày sau, Quốc hội bầu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm

Đến chiều 6-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thị Thanh làm Phó Chủ tịch Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, chúc mừng tân Phó Thủ tướng Lê Thành Long và tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: QH

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh đối với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Nắm chắc các vấn đề được chất vấn
Một nội dung khác cũng được cử tri và Nhân dân quan tâm trong mỗi kỳ họp Quốc hội là chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, trong 2,5 ngày, Quốc hội đã tập trung vào bốn nhóm vấn đề thuộc bốn nhóm lĩnh vực là tài nguyên và môi trường, công thương, kiểm toán, văn hóa - thể thao và du lịch.

Trong các phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu nêu ra như tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý; tình trạng sụt lún, xói lở ở vùng ĐBSCL; nguồn nguyên vật liệu thay thế để làm các dự án trọng điểm quốc gia…

Các đại biểu cũng phản ánh thực trạng livestream trên các nền tảng xã hội thu về trăm tỉ mỗi ngày và đặt vấn đề liệu lãnh đạo ngành công thương có nắm hay chưa? Hay thời gian gần đây khi mà nhiều vụ án sai phạm liên quan đấu thầu, tài chính… nhưng khi được kiểm toán thì lại không phát hiện.

Với ngành du lịch, các chất vấn của đại biểu tập trung vào những giải pháp để giúp kích cầu, phục hồi ngành du lịch, hạ nhiệt giá vé máy bay…

Tại phiên chất vấn đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 162 đại biểu đã được chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận. Bốn trưởng ngành thuộc lĩnh vực được chất vấn cùng các bộ trưởng liên quan và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trả lời sát sao những vấn đề mà các đại biểu nêu ra, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cử tri và Nhân dân.

Các đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng những lời hứa, những cam kết của các tư lệnh ngành đã hứa trước cử tri và Nhân dân phải được đi vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến tích cực nhất trong thực thi chức trách, nhiệm vụ…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dù lần đầu điều hành nhưng đã thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, giúp kết nối cũng như tạo không gian để người chất vấn và người trả lời chất vấn thể hiện được những thông điệp muốn truyền tải.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết phiên chất vấn Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh đã nhận được 49 ý kiến chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các hệ thống công cụ hỗ trợ, ra quyết định trên các lưu vực sông lớn. Phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Tây Nguyên. Song song đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực xử lý, khôi phục các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, làm đường giao thông và các lĩnh vực khác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: PHẠM THẮNG

Với phần chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 40 đại biểu chất vấn và tranh luận. Bộ trưởng đã trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ông Mẫn cho rằng hoạt động của ngành công thương thời gian qua có nhiều đổi mới, thương mại điện tử phát triển mạnh, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhiều vụ việc nổi cộm về bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội đã được phát hiện, xử lý nghiêm.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ liên quan tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán, cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử.

Cùng đó, phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Sớm ban hành chiến lược phát triển thể thao Việt Nam tầm nhìn 2045
Với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, theo Chủ tịch Quốc hội, dù là lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu đặt ra.

Phiên chất vấn có 35 đại biểu đăng ký phát biểu và đã được phát biểu chất vấn hết, trong đó có một ý kiến tranh luận.

Đánh giá về hoạt động của Kiểm toán nhà nước thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhìn nhận ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã cung cấp những thông tin xác thực, chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị, có kiến nghị góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật.

Kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tăng liên tục qua từng năm, thu nộp về ngân sách nhà nước với số tiền khá lớn. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Kiểm toán nhà nước triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán từng bước được khắc phục.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Còn trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn biết đã có 45 lượt ý kiến phát biểu. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu đặt ra.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL… tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù; có giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên sau khi kết thúc thi đấu; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Ông cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL khẩn trương ban hành chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

14 dự thảo luật đã được đưa ra thảo luận
Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường và thảo luận tổ để cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác. Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 14 dự thảo luật.

Cụ thể, Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quốc hội còn thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025...

Các đại biểu bấm nút thông qua hai nghị quyết vào chiều 8-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, tại đợt 1 của kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Trong phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này, các đại biểu đã nêu bật những kết quả đã đạt được sau hơn 2,5 năm thực hiện nghị quyết; tập trung phân tích những điểm còn bất cập, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó, kiến nghị giải pháp để gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời giúp thực hiện hiệu quả hơn những chính sách được ban hành trong tình huống xảy ra bất ngờ, cấp bách…

Kết thúc đợt 1, Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết là Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục