Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những điểm dừng chân thú vị bên đường
Thứ năm: 06:32 ngày 27/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con đường ở đây là đường mới tinh, nối liền ngã ba Đất Sét trên đường ĐT. 782 qua Bến Củi đi sang tỉnh Bình Dương. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch từ Tây Ninh đến các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên.

Quán cà phê Na Suối Đá trên cung đường Khedol - Suối Đá ra hồ Dầu Tiếng.

Vừa đi trên đoạn đường từ Bến Củi đến cây cầu mới, chợt thấy một quán cà phê mới mở bên đường. Quán mang tên: Cà phê liên tỉnh. Mới biết người dân làm ăn nhanh nhạy thật. Mà lý do giản dị thế này:- Đường liên tỉnh nên cà phê cũng phải là liên tỉnh. Vậy thôi!

Lại nhớ đến con đường mới mở nối từ đường Khedol - Suối Đá ra tận bờ hồ Dầu Tiếng. Trên cung đường đẹp đẽ này, dù nhà cửa còn thưa thoáng và vắng vẻ, cũng có một quán cà phê. Quán mang tên là Na Suối Đá. Biết quán là nhờ có tấm bảng tên tạo hình núi Bà bằng sắt uốn trên hai trụ gạch trần đỏ au.

Hình núi có hơi thừa, bởi núi thật sẫm xanh ngay phía đằng sau. Nhưng không có bảng hiệu thì ai nghĩ đấy là nơi ta có thể lượn xe vào. Bởi bên trong là mấy ngôi nhà xây kiểu nhà ở xưa, mái ngói tím hoặc nâu thâm trầm ấm cúng. Lại sân vườn rộng, đó đây những cây bông kiểng lạ ngả nghiêng chào…

Xin trở lại với con đường Đất Sét - Bến Củi. Đường 4 làn xe, có dải phân cách giữa với hàng trụ đèn cao áp thanh nhã có cần đèn xoè ra như đôi cánh chim bay. Qua ngã tư Bến Củi không xa đã thấy ngôi chùa mới Linh Quang sừng sững một bên đường.

Chưa hết, qua ngã tư với đường 789 lại gặp một ngọn gò cao um tùm cây cối. Thì ra đây chính là gò Bàu Đá ngày xưa, từng có miếu Ông Tà. Lại nhớ cách đây chỉ vài năm, muốn tìm thấy gò còn hơi khó. Phải theo đường 789 ngược về hướng Đôn Thuận, rồi lần tìm con đường đất nhỏ ra phía sông Sài Gòn, quanh co mấy khúc mới đến được gò.

Nay nhờ con đường mới mở, ngẫu nhiên qua sát sườn gò, để lộ những mảng bờ lởm chởm đá ong chồng xếp lên nhau tự bao giờ chẳng rõ. Và quan trọng hơn, là dưới những cây cao bóng cả của một khoảng rừng xưa là những tấm mái tôn giả ngói của miếu Ông Tà. Đường mới, nên người dân ấp 1 cũng đã bỏ chút công sức tu sửa miếu.

Đến đầu năm 2023 đã thấy có một lối lên xây bậc cấp để khách qua đường thuận tiện đi lên. Sân miếu- mỏm gò đồi ấy được lát gạch men sáng màu, làm nổi bật tấm tường bình phong trước miếu vẽ hình “ông Hổ”. Hoạ sĩ dân gian nào đấy đã vẽ bức bình phong “ông Hổ” đẹp lạ thường.

Vô tình hay cố ý mà “Ông” đứng trước một nền rừng cây lá đỏ, hai chân trước chống cao trên chính những viên đá ong của gò Bàu Đá, nhìn ra phía con đường thênh thang giờ này xe cộ đang tấp nập chạy qua. Như một tiểu cảnh kiến trúc sân vườn ngay bên đường mới mở, gò Bàu Đá cũng là một điểm dừng chân lý thú cho du khách khi có dịp đi qua.

Nếu như gò là cụm rừng thiên nhiên, có cảnh quan lấn át phần kiến trúc, thì khi trở lại chùa Linh Quang ta lại thấy phần kiến trúc chùa nổi bật, vừa bề thế vừa lộng lẫy ở bên đường. Đấy là nhờ những tầng mái chùa vươn cao, cong vắt các đầu đao.

Có thể nhận ra chùa gồm 2 lớp nhà, lớp trước xếp kiểu “chồng diêm” 2 mái. Lớp sau nâng lên tới 4 tầng mái ngói. Tất cả đều được lợp bằng ngói âm dương đỏ rực một màu. Hình ảnh này khiến người xem liên hệ tới các bộ mái chùa cổ ngày xưa với kiểu kiến trúc “trùng thềm điệp ốc”.

Cũng màu đỏ ngói là những hàng cột tròn ở hành lang hai bên và phía trước. Hình ảnh ấy cũng cho người xem cảm nhận thật gần. Là những toà sen hồng bát ngát dâng lên. Phía trong và phía sau vẫn là miên man những cánh rừng cao su nối tiếp. Để có thể hiểu thêm về đôi liễn đối chữ Việt đắp ngay trên 2 cột trước hiên chùa. Đấy là: Đất báu cập tùng lâm, trăng rọi ánh vàng không tức sắc/ Non cao dựng chùa Phật, núi phơi màu biếc cổ như kim.

Chùa Linh Quang - Bến Củi.

Tạm hiểu: đất quý báu ở cạnh rừng tùng, ánh trăng vàng chiếu như không mà như có. Trên non cao xây chùa Phật, núi phơi màu xanh biếc xưa nay.

Phần đất chùa Linh Quang quả là “đất báu”. Nói theo kiểu thường nghe hiện nay là mảnh đất vàng. Đất ở gần sát ngã tư trung tâm của xã. Lại có con đường một bên mới mở thênh thang. Không quý sao được khi ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp lập nên đồn điền cao su, đã chọn đây làm khu nhà ở cho chủ đồn điền người Pháp.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945: “Toàn bộ đồn điền cao su thuộc về tay nhân dân” (Truyền thống cách mạng xã Bến Củi, 2017). Thì không rõ lý do nào mà chùa Linh Quang được xây nên trên phần đất ấy. Còn “cập tùng lâm”- ở cạnh rừng tùng thì tùng không thấy, nhưng dằng dặc những vườn rừng cao su Bến Củi cũng làm nên một cảnh sắc đặc biệt. Nhất là những tháng cuối năm mùa cao su đổ lá vàng. Vậy nên cảnh sắc trong đôi liễn đối này cũng rất hợp với chùa Linh Quang trong hiện tại.

Vào một ngày giáp Tết Quý Mão (2023), đứng trên thềm chùa cao 9 bậc, nhìn xuống sân chùa nơi bà con đang sửa soạn, trang trí chùa đón tết, đủ cả hoa kiểng, đèn lồng cờ dây phấp phới, lại nhớ đến ngôi chùa xưa. Chùa nhỏ, trong sân vẫn còn tấm sàn bê tông cao khoảng 2 mét là tàn tích của ngôi nhà chủ đồn điền để lại.

Chùa chỉ có 1 gian, chạy từ trước ra sau với chỉ 1 bàn thờ Phật mà thôi. Sau 7 năm, từ 2015 đến 2022, công việc xây lại chùa mới hoàn thành. Ngày nay, chùa đã lớn cao hơn, với bề rộng 17 và dài tới 37 mét. Ngoại trừ bộ mái được cấu trúc cầu kỳ như đã kể, thì không gian bên trong cơ bản vẫn giữ kiểu nội thất của chùa ngày trước.

Là vẫn chỉ một gian chạy dài suốt phần chính điện. Không có nhiều ban thờ như các chùa Bắc tông trong tỉnh, chùa chỉ có 1 bàn thờ duy nhất. Trên ban là vài ba pho tượng nhỏ Đức Phật đản sanh, A di đà với Quán Thế Âm bồ tát. Còn lại bao trùm rộng khắp trên cả tường hậu rộng, cao là bức tranh đức Phật Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề. Nhưng sau gốc bồ đề là gì? Là cảnh nước biếc non xanh có cả vài con nai gặm cỏ.

Nhìn kỹ hơn xem! Thì cảnh sắc ấy chẳng khác là bao với cảnh sông Sài Gòn cách đây chỉ gần 1 cây số. Cũng dòng sông dịu dàng uốn lượn vòng quanh, ôm lấy những dải rừng cao su, nay còn thêm mấy vườn cây ăn trái xanh tươi. Đấy cũng là nơi con đường mới đưa ta tới. Qua cây cầu mới, thì bên kia đã là huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục