BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những điều trông thấy từ phiên toà xét xử vụ tham ô ở Chi cục Thi hành án dân sự Hoà Thành

Cập nhật ngày: 03/02/2010 - 05:54

>> Vụ tham ô tại cơ quan thi hành án dân sự Hoà Thành: Nguyên thủ quỹ, kế toán ra toà lãnh án

Sáng 28.1.2010, tôi có dịp đến dự khán phiên toà hình sự xét xử sơ thẩm vụ án “thụt két” của hai bị cáo nguyên là kế toán, thủ quỹ cơ quan Thi hành án Dân sự nay là Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Hoà Thành. Theo dõi phiên toà suốt gần một ngày, tôi cứ mãi trăn trở, nghĩ suy về: “những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”.

Từ phía nhân thân của các bị cáo

Một là nguyên kế toán Trần Thị Thanh Tâm. Người sinh ra bị cáo đã từng tham gia kháng chiến, không tiếc quãng đời son trẻ của mình để cùng đồng bào, đồng đội đấu tranh giành độc lập dân tộc. Lẽ ra đây phải là niềm tự hào để bị cáo sống và cống hiến tốt cho xã hội, làm phong phú thêm cuộc sống bản thân, chưa kể bị cáo đã được người thân cho ăn học đến nơi đến chốn, được cơ quan đào tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn… Thế mà bị cáo lại tự vứt bỏ đi khi đối diện với cám dỗ tư lợi rồi dấn sâu vào con đường tham ô tài sản của Nhà nước.

Hai là nguyên thủ quỹ Phạm Thị Phương Thanh. Tuổi còn rất trẻ, xuất thân từ gia đình lao động nghèo nhưng vẫn được cha mẹ chăm chút cho học hành đến Trung cấp chuyên nghiệp, tìm được việc làm ổn định trong cơ quan có thu nhập tương đối khá hơn nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Vậy mà bị cáo đã phụ lòng cha mẹ, phụ lòng những người lo lắng, chăm chút cho mình trong cuộc sống, đã vi phạm pháp luật cùng tội danh “tham ô” với bị cáo Trần Thị Thanh Tâm.

Cả hai bị cáo cấu kết với nhau “tham ô” tiền của của Nhà nước và nhân dân cả một thời gian dài để giờ đây phải lãnh án tù giam. Chuyện sai phạm được toà án xử phạt theo quy định của pháp luật không có gì phải bàn. Chỉ có điều người dự khán phiên toà nhận thấy có những tình tiết khúc mắc đọng lại qua phiên toà…

Phiên toà xét xử Tâm và Thanh.

Người đại diện uỷ quyền của Thủ trưởng Chi cục THADS chẳng biết gì khi Toà hỏi

Tại sao tôi khẳng định như thế? Bởi cả khán phòng không ai nén được sự khó chịu khi Chủ toạ phiên toà hỏi vị đại diện uỷ quyền của Thủ trưởng Chi cục THADS huyện, tóm tắt:

“- Anh vừa nghe bị cáo trình bày khoản tiền bị cáo đã chiếm đoạt ở đơn vị có đúng không?

- Tài liệu cơ quan chúng tôi đã giao cho cơ quan điều tra làm việc nên chúng tôi không biết (?!).

- Cáo trạng cơ quan VKS đã tống đạt đến bị cáo và cơ quan Thi hành án “anh” nói sao không biết?

- Chúng tôi không nhận được.

..?.!.?.!

- “Anh” đại diện uỷ quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS đến Toà hôm nay có yêu cầu gì với Hội đồng xét xử?

- Đề nghị Hội đồng xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền các bị cáo chiếm đoạt trả lại để cơ quan chúng tôi trả tiền cho người dân, vì tiền vi phạm của kế toán, thủ quỹ không phải là tiền tang vật và nhiều hơn số các bị cáo đã khai…”.

Thật tình mà nói, nếu không có nghề nghiệp chuyên môn thì người dự khán khó mà biết được nội dung hỏi- đáp trên của Toà và vị đại diện uỷ quyền của Thủ trưởng Chi cục THADS huyện Hoà Thành. Nhưng qua đó tôi hiểu được rằng là cơ quan này có rất nhiều khoản quỹ lại không được ghi chép rõ ràng, thu chi thiếu minh bạch, cán bộ quản lý và trực tiếp thực hiện quản lý không quản lý được tiền và tài sản của công dân có liên quan đến cơ quan. Đặc biệt điều vô lý, tối kỵ là khi vào nghề kế toán ai cũng được dạy dỗ là tuyệt đối không được thu, chi, giữ tiền, vậy mà chuyện đó đã xảy ra ở cơ quan này nhiều năm tháng, ở các thời kỳ thủ trưởng khác nhau mà không được kiểm tra nhắc nhở cũng như khiển trách.

Đối với yêu cầu “đề nghị Hội đồng xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền vi phạm của hai bị cáo…”, nhưng lại không biết được số đó là bao nhiêu, thật tình, tôi cảm thấy là người đại diện uỷ quyền của Chi cục THADS huyện không biết được gì về trách nhiệm và tư cách cũng như yêu cầu của mình trước Hội đồng xét xử cho nên vị Chủ toạ hỏi một đàng, ông ta nói một ngả, lại đặt ra yêu cầu vô lý và không có căn cứ là: đòi các bị cáo phải trả số tiền nhiều hơn (con số ghi trong cáo trạng) nhưng không chứng minh được là bao nhiêu (?!).

Vì sao chưa làm rõ trách nhiệm hai vị thủ trưởng tại phiên toà?

Theo trình tự xét hỏi của vị Chủ toạ, tôi nghe biết và cảm nhận rằng là hai vị thủ trưởng một là ông M., nguyên Trưởng THADS huyện Hoà Thành, nay chuyển đi nơi khác, một là ông P., Phó trưởng Thi hành án trước đây, được ông M. phân công quản lý thu, chi tài chính trong đơn vị, đã thờ ơ với công việc quản lý của mình được Nhà nước giao, làm không hết trách nhiệm để xảy ra tiêu cực ở cơ quan THADS huyện:

“- Trong quản lý kế toán, thủ quỹ anh có kiểm tra không? Chủ toạ hỏi ông M.

- Có.

- Bằng cách nào?

- Thông qua báo cáo số liệu của kế toán hằng tháng, quý…

- Sao không phát hiện mất quỹ?

- ?!?

Chủ toạ hỏi ông P.: Anh được phân công theo dõi quỹ, anh thực hiện quản lý bằng cách nào mà mất quỹ anh không biết? Có thường xuyên kiểm quỹ không?

- Có (thật yếu ớt).

- Có đâu mà có (Đó là tiếng thì thầm từ những người dự khán ngồi xung quanh tôi nghe được, và tôi đoán có lẽ họ là nhân viên của Chi cục THADS huyện).

Ông P. trả lời tiếp:

- Tôi căn cứ vào số liệu báo cáo của kế toán để kiểm quỹ nên không thấy thiếu”.

Tôi chỉ muốn “kêu trời” một tiếng qua phần hỏi đáp giữa Chủ toạ phiên toà với hai ông từng là Trưởng và Phó THADS Hoà Thành. Quản lý kiểu gì vậy? Không biết các ông này được đào tạo như thế nào? Vậy mà bây giờ họ vẫn đương kim là cán bộ lãnh đạo cơ quan thi hành án. Cũng theo kết quả thẩm vấn trước Toà, ông P. đã “mượn quỹ” nhiều lần đến gần hai trăm triệu đồng. Vậy hỏi sao không mất quỹ cho được. Rõ là “đàng trên không có kỷ cang, nên đàng dưới mới lập đàn mây mưa”! Và cũng rất rõ đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tham ô trên.

… Theo vị Chủ toạ công bố trước phiên xét xử thì qua kết quả điều tra là quỹ cơ quan THADS Hoà Thành thì liên tục ba năm liền kể từ năm 2006, năm nào cũng “mất” quỹ, năm sau “mất” cao hơn năm trước.

Mẹ của bị cáo nguyên là thủ quỹ thì nói gì trước toà?

- Chị có nhận số tiền con chị lấy của Nhà nước đưa cho chị như con chị đã vừa khai không? Toà hỏi.

- Có.

- Tại sao chị làm như vậy?

- Tôi làm ăn thất bại, con nói mượn giùm ở cơ quan cho tôi xoay xở trong lúc khó khăn. Con tôi nói: không sao đâu, cơ quan nhiều người mượn và mượn nhiều lắm”.

Tôi không dám kể và bình phẩm gì thêm, bởi những điều nghe thấy đã quá đủ đau xót cho tiền của của nhân dân, của Nhà nước cụ thể là cơ quan THADS huyện trước đây đã sử dụng một cách trái pháp luật. Khổ nỗi bây giờ không còn để trả lại và không biết “nợ” của dân là bao nhiêu, vì các bị cáo thu vào mà không thể hiện được trong danh sách là những ai, thu bỏ ngoài sổ sách, thu tạm… chỉ khi có người nào đến đòi nhận lại thì mới biết. Vậy thì biết đến bao giờ mới xác định được con số vi phạm của các bị cáo và liệu còn ai là bị cáo nữa chăng?

Nên chăng, cơ quan thi hành án cấp trên giúp cho Chi cục THADS huyện Hoà Thành có trách nhiệm thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết để đến khai nhận tiền lại, có như vậy mới thống kê được số tiền cụ thể, có như thế vụ án mới được kết thúc một cách tương đối, đúng nghĩa của nó.

Và cũng xin kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng sớm làm rõ vai trò, trách nhiệm hai vị thủ trưởng của hai bị cáo bị lãnh án hôm nay để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ sót người phạm tội nếu có. Qua đó kịp thời giúp hai vị này không phải tiếp tục vi phạm pháp luật vì quản lý mà “không biết gì”! Không có kiến thức về quản lý trong cơ quan đơn vị có liên quan đến tài chính của Nhà nước và của nhân dân mà được giao nhiệm vụ là không nên.

NGHIÊM MINH