BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những đường phố xưa nơi tỉnh lỵ (Tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 23/10/2019 - 15:43

BTN - Cũng cần phải kể trước là: tỉnh lỵ Tây Ninh xưa nằm gọn trong xã Thái Hiệp Thạnh, thuộc quận Phú Khương (năm 1972), chỉ có diện tích 720 mẫu (ha). Chúng ta cũng đã biết xã được lập ra trên cơ sở một phần đất đai của ba xã Hiệp Ninh, Thái Bình và Ninh Thạnh.

Vậy mà khi lập xong, các xã ấy vẫn còn diện tích rộng lớn. Cụ thể, xã Hiệp Ninh vẫn còn 2.170 ha, xã Thái Bình còn 3.850 ha, xã Ninh Thạnh còn tới 41.550 ha, rộng gấp gần 6 lần tỉnh lỵ (theo Tây Ninh xưa). Đến nay, thành phố Tây Ninh có diện tích tự nhiên gần 13.737 ha, tức gấp gần 20 lần xã Thái Hiệp Thạnh khi xưa. Vì thế, về mọi mặt, thành phố Tây Ninh - trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh Tây Ninh cũng đã hoàn toàn đổi khác.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh có một chương mô tả “Tây Ninh năm 1972- qua các nẻo phố phường”. Năm 1972, tức là sau 110 năm ngày Pháp chiếm Tây Ninh (1862). Suốt hơn 100 năm thời Pháp thuộc và sau đó là 8 năm dưới chế độ Sài Gòn lệ thuộc Mỹ, di sản kiến trúc đô thị này có gì? Ta có thể hình dung tỉnh lỵ Tây Ninh qua đoạn văn sau: “Về tình hình nội an, hành chính, Tây Ninh chia làm 3 khu vực riêng biệt: Khu vực phía bên cầu Quan đường Gia Long là khu chợ búa, rạp hát, quán ăn, bến xe đò, nhà ngủ…/ Khu vực phía bên bờ rạch Phan Thanh Giản, Quang Trung, Trần Hưng Đạo là khu hành chánh và quân sự, gồm các ty sở được xây dựng từ trước. Ty Ngân Phố, Thông Tin, Tiểu Khu, ty Cảnh Sát, ty Điền Địa, ty Công Chánh, ty Tiểu Học, Toà án, bệnh viện đều nằm bên phía toà hành chánh tất cả…”. Còn khu vực thứ ba, theo Huỳnh Minh là “khu vực đạo Cao Đài nằm riêng biệt, xa Châu Thành 4 cây số ngàn” nên đã nằm ngoài tỉnh lỵ Tây Ninh.

Như vậy thực ra, tỉnh lỵ Tây Ninh năm 1972 chỉ có 2 khu vực chính mà thôi. Một ở bờ Tây và một ở bờ Đông rạch Tây Ninh. Chú ý rằng, ông đã nhắc tới đường Gia Long, trong khi danh sách đường phố theo nghị định ngày 10.3.1953 của chính quyền Sài Gòn còn chưa có, mà có lẽ nó còn nằm trong đường Phan Thanh Giản (CMT8 ngày nay).

Vậy là sau năm 1955, đã có thêm một hoặc vài lần đặt (đổi) tên đường. Lần này, còn có thêm các đường: Võ Tánh (Lê Lợi nay), Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng (đoạn 30.4 từ ngã tư Trường Nam đến vòng xoay biểu tượng)… Nói tóm lại là đô thị Tây Ninh vẫn chỉ là trong phạm vi phường 2, và quá thêm một phần vào phường 3 hiện nay. Các khu dân cư cũng thế. Chủ yếu bên khu phố chợ, dọc các con đường Gia Long, Trương Huệ, Hồ Huấn Nghiệp (CMT8, Võ Văn Truyện, và Nguyễn Đình Chiểu ngày nay).

Một khu dân cư tập trung khá đông đúc nữa là khu phố cũ nằm bên phía Đông rạch Tây Ninh, gồm các con phố nhỏ như Trần Hưng Đạo, Tự Đức, Hàm Nghi, Yết Ma Lượng, Lãnh binh Định, Huyện Vĩnh, Quang Trung, Dương Minh Đặng… giáp ranh hoặc xen kẽ với các ty, sở của chính quyền cấp tỉnh.

Có một điểm chung của các con phố cũ này là hoàn toàn không có vỉa hè, không có đường mương hoặc cống ngầm thoát nước. Cây xanh đô thị có thể đã có nhưng còn ở phạm vi nhỏ lẻ, nên đến nay chỉ còn lại có 5 cây sao trên đường Hàm Nghi. Đây cũng là trục đường quan trọng nhất thời bấy giờ, có lẽ có từ thời lập phủ Tây Ninh, vì đó là con đường chạy vào cổng chính phía Nam của thành phủ Tây Ninh. Đến thời Pháp thuộc lại là đường vào cổng chính thành Săng- đá.

Cách đây vài năm, trước khi xây khu thương mại của TTC Plaza vẫn còn một lô cốt cũ bê tông cốt thép ở góc đường Hàm Nghi và Pasteur. Vậy là dấu tích xưa cũ, biểu tượng cho ách cai trị của thực dân Pháp trên đất Tây Ninh đã hoàn toàn biến mất. Chỉ còn duy nhất một di tích Khám đường, nơi giam giữ tù nhân đã không còn nguyên vẹn và cũng đã được tân trang.

Một hình ảnh xa xưa nữa của phố Tây Ninh, cũng đã được Huỳnh Minh chép lại, ở mục “các hí viện” (trang 297, sách Tây Ninh xưa, NXB Thanh niên tái bản năm 2001). Đấy là đoạn giao lộ Huỳnh Văn Lại và đường Trương Huệ (nay là Ngô Gia Tự và Võ Văn Truyện). Rằng: “Thời tiền chiến từ năm 1928 đến 1932 vùng này rất phồn thịnh, nơi tụ họp đủ các thành phần trai tứ chiếng, gái giang hồ. Thời bấy giờ đường sá chưa có điện nhưng mỗi góc đường đều có một trụ đèn đốt bằng khí đá”. Rạp hát duy nhất của tỉnh lỵ lúc ấy là rạp hát cải lương, ở cuối đường Huỳnh Văn Lại, “cũng dùng đèn khí đá, hoặc đèn măng xông”.

Sau năm 1975, một vài dấu tích thời Pháp thuộc vẫn còn, như khu bệnh viện và Toà án (nay là công viên 30.4), hoặc khu Quân y viện với cái đài nước cao tới 20m bằng bê tông sạn (nay là TTC Plaza và Sacombank).

Trong sách Tây Ninh xưa, có lúc tác giả cũng đã “cao hứng” gọi tỉnh lỵ Tây Ninh là thành phố (trang 290, sđd). Có lẽ vì quá yêu miền đất này mà ông viết: “Những ngôi biệt thự lộng lẫy, những phố lầu cao vút, những dãy chung cư mọc lên như nấm, ngang dọc nhiều khu vực. So sánh các tỉnh trù phú, và so với cả thủ đô Sài Gòn kia nữa, Tây Ninh đã khởi sắc nào kém mấy đâu…”.

Cái gọi là cao vút, hay lộng lẫy kia thực ra cũng chỉ là mấy dãy nhà tường xây ngói lợp và cao không quá ba tầng. Đây mới là hiện thực: “Châu Thành Tây Ninh vẫn còn phô bày một vài sắc thái nghèo nàn… Nơi đây, dọc nẻo đường Trần Hưng Đạo phía bên toà hành chánh chỉ có năm bảy nhà phố lầu cất lên từ năm 1956 (do nhà thầu Huỳnh Văn Thiệt thi công- TV), còn hầu hết là phố cũ của thời xưa chỉ được tân trang bộ mặt ngoài.

Đường phố không thể mở rộng được vì phố xá hai bên đã choán…”. Cảnh tượng phố xá vui nhất là về đêm, như ông miêu tả ở trang 299 cũng chỉ là loanh quanh khu phố cũ nay thuộc phường 2. Những phố nhỏ, ngõ nhỏ ngày xưa ấy nay vẫn còn đây, còn lưu dấu hình xưa bóng cũ. Như phố Hàm Nghi, thẳng như một đường kẻ từ cổng BCH Quân sự tỉnh xuống bờ rạch Tây Ninh, nơi ngày nay đã có một công viên, tạm gọi tên là Bờ Kè.

Hay các con đường Lê Văn Tám, Trương Định, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn gần như xưa, chưa có vỉa hè, và mặt đường tuy đã được chỉnh trang, trải nhựa êm thuận nhưng vẫn còn rất nhỏ. Trừ vài con đường như Trần Hưng Đạo, Quang Trung đã có công trình kỹ thuật hạ tầng đầy đủ, còn lại vẫn là lề cỏ. Vui nhất khi đêm về, trên hai con đường ấy, xập xình đủ loại quán xá và các xe hàng rong bán tới nửa đêm.

Trong khi đó, phố Tây Ninh đã thật sự vươn mình để trở nên một “chàng Thánh Gióng” thời hiện đại. Huỳnh Minh có sống lại, có mơ mộng mấy cũng chẳng thể hình dung ra thành phố Tây Ninh hôm nay. Khi đã có đại lộ 30.4, tiếp nối với đường lớn Bời Lời vươn thẳng vào chân núi. Cũng khó hình dung ra các trục đường chính nối thành phố với Toà thánh Cao Đài.

Cũng không thể tin lại có cả đường Biên Biên Phủ thênh thang suốt hơn 4 cây số chiều dài, chạy từ cửa Hoà Viện Toà thánh về phía núi. Gần với khu phố cũ nhất là khu đô thị số 1 thuộc phường 3, rộng hơn cả tỉnh lỵ ngày xưa, với hàng vài chục con đường dọc ngang đẹp hơn là mơ ước.

Mà công cuộc phát triển đô thị này mới thật sự được làm từ khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Ai người hoài cổ chỉ có thể tìm thấy vài bóng hình kỷ niệm ở bên khu phố chợ (cũ) và khu phố cũ thuộc phường 2.

TRẦN VŨ

Tin liên quan
  • Những đường phố xưa nơi tỉnh lỵ 

    Những đường phố xưa nơi tỉnh lỵ

    Nhiều sử liệu chính xác đã được công bố, trong đó có sự kiện năm 1900 mới thành lập tỉnh Tây Ninh. Do vậy, buộc phải trích dẫn thêm một đoạn của sách Địa chí các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc về sự kiện này. Đấy là: “Nghị định ngày 20.12.1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi gọi các hạt tham biện trên quản hạt Nam kỳ là “tỉnh” (Province) kể từ ngày 1.1.1900.