BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những gò, bàu trên ấp Cao Su

Cập nhật ngày: 03/01/2012 - 10:49

Đi dọc huyện Bến Cầu theo đường 786, điều thú vị nhất là ta như được trở lại một vùng quê yên tĩnh. Nhìn ra chỉ thấy lúa xanh và những ruộng thuốc lá ong óng xanh hay đã rợp lá vàng. Thỉnh thoảng, sẽ lại gặp một cụm cây cao xanh, có hình tròn như một đảo nổi giữa biển lúa mênh mông vàng, xanh ấy. Có nhà khảo cổ đã vào xem và nghi ngờ rằng: một số bàu nước hình tròn ấy chính là những bàu nước cổ xưa, giúp cư dân bản địa có thể sinh sống và canh tác từ cái thời gọi là văn minh lúa nước. Chưa rõ đáp án khoa học ra sao, còn hiện tại dân quê Bến Cầu vẫn gọi đấy là những bàu, gò. Gò thì nổi cao, còn bàu thì lõm xuống.

Thế nhưng, vẫn có những gò và bàu đã biến mất chưa lâu, trong khoảng trên dưới 30 năm nay, như những gò, bàu ở ấp Cao Su thuộc xã Long Giang.

Miếu Bà ở ấp Cao Su

Từ ngã ba trên lộ 786, gọi là ngã ba Cao Su đi vào 2km, quẹo phải một lần nữa thêm vài trăm mét là đến một khu vực được gọi là gò Miếu. Gọi thế, hẳn là vì trên gò có một ngôi miếu Bà nho nhỏ. Kỳ diệu thay là chung quanh vẫn còn một số cây to, có cây thân gốc có đường kính gần 2 mét. Thành ra, dù gò đã thấp tịt đi, chỉ hơn mặt ruộng chút ít, thì vẫn vẽ lên một bức tranh ấn tượng vì nổi bật giữa đồng xanh. Xa xa về phía trong, vẫn còn một xóm dân cư quần tụ trong một gò lớn hơn, cũng có dạng gần tròn. Nhưng từ miếu đi ra, sẽ phải lội bộ theo bờ ruộng quanh co, khúc khuỷu. Chắc chắn rằng ngôi miếu Bà đây thường được dân địa phương thường xuyên chăm sóc bởi nền sân gạch tàu đỏ au sạch bóng. Trên đấy là cả miếu lẫn ngôi võ ca bằng những cột kèo đơn sơ cùng hai dốc mái tôn, ngôi miếu có mặt bằng gần vuông (2,50 x 2,80)m xây tường gạch, lợp tôn. Nền lót gạch men. Tất cả lại nằm trên một vuông sân gạch tàu ngang 4,3 mét và dài 7,5 mét. Bên trong chỉ có một bàn thờ dài hết bề ngang, trên đủ cả mõ, chuông, chân nến, lư hương và cả một bình bông chưa kịp héo. Đặc biệt hơn là ngoài những tấm ảnh thờ vẽ trên kính thì còn thêm hai pho tượng nhỏ kỳ lân và sư tử. Kỳ lân gốm sứ men xanh, nhiều chỗ tróc men. Sư tử gỗ chỉ còn hai chân sau và thân hình đang rướn lên, dù đã mất cả hai chân trước. Có vẻ như đây là những kỷ vật của một thời xưa, còn hằn dấu vết thời gian và bom đạn chiến tranh. Men ra sau miếu, còn thấy vài cây cột gỗ xưa nứt nẻ, đen đúa với vài viên đá xanh kê tán. Cùng với hai pho tượng, thì cột cũ và tán đá ấy chính là những di vật cuối cùng của ngôi cổ miếu từng có trên trăm năm tuổi. Ông Vương Hồng Phượng, 70 tuổi, có nhà ở gần miếu nhất xác nhận: - Miếu Bà có từ thời ông nội của ông, nếu còn thì nay đã một trăm hai chục tuổi. Nhưng chiến tranh ác liệt đi qua, miếu đã bị hư sập từ trước ngày giải phóng. Miếu hiện thời chỉ mới được bà con dân ấp tái lập đến nay trên dưới 10 năm.

Ngồi trước hiên nhà anh Vương Hoàng Lan, con trai ông Phượng nhìn ra, trước mặt là con đường liên xã đắp đất đỏ, dễ đi dù đang cuối mùa mưa. Nhà anh Lan cách miếu chỉ hơn 100 mét. Vậy mà chính ở khu đất này- anh Lan cho biết, từng có một gò tháp nữa. Chẳng là năm 2003, huyện, xã chủ trương làm đường liên thôn. Đất mấy khu gò quanh miếu đã bị bang, ủi lấy đất đắp đường. Trên gò tháp đất nhà, có nhiều gạch cổ cỡ lớn (16 x 30 x 7)cm nằm rải rác. Tiếc của, vợ chồng ông Phượng nhặt về xếp làm sàn nước, nay vẫn còn mấy chục viên. Kỳ lạ thay là những viên gạch cổ! Dẫu suốt ngày bị ướt dầm dề, nhưng vẫn còn nguyên, rắn chắc, chỉ khác là mặt gạch sạm màu rêu. Anh Lan chỉ tay về phía bên kia đường, nay cũng đã ngăn ngắt xanh ruộng lúa: - Bên ấy trước kia từng có cả một bờ thành cổ cao hơn 2 mét. Thành quây lấy một cái gò rộng khoảng 1 ha. Quanh gò còn mấy cái bàu có tên gọi hẳn hoi: bàu Trẹt, bàu Lớn, bàu Giữa, bàu Điên Điển và bàu Mây Rắc. Người dân cũng từng đào được trên gò những hiện vật đá, có viên hình vuông lõm mòn ở giữa, mặt chạm khắc hoa văn; lại có cả một viên đá tròn như cái chày cắm vào chỗ lõm giữa của viên đá vuông… Cứ theo mô tả ấy, thì chắc chắn đấy là một bộ Linga- Yony ngẫu tượng thờ của tôn giáo Bà La Môn cách nay trên cả ngàn năm, thời Vương quốc Phù Nam thịnh vượng. Giờ tất cả đã trở thành ruộng lúa. Liệu còn di vật cổ nào nữa còn nằm trong đất đá con đường liên xã, liên ấp này không!

Ông Phượng còn cho biết thêm: ấp Cao Su đây chính là nơi xưa từng được gọi là Chuối Nước, cùng với Bù Lu ở sâu hơn về phía biên giới, làm thành tên gọi Bù Lu- Chuối Nước thời Pháp thuộc. Bù Lu- Chuối Nước từng là căn cứ của Chi đội 11 khi mới hình thành và ngoan cường đánh Pháp từ năm 1946. Nghe cái tên này, chỉ có thể hình dung miền đất này thật xa ngái, hoang vu.

TRẦN VŨ

 

 


 
Liên kết hữu ích