Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những kỷ vật quý của người làm báo thời kháng chiến
Thứ năm: 16:28 ngày 04/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân dịp họp mặt 72 năm truyền thống Báo Tây Ninh (5.10.1946-5.10-2018), nhà báo Võ Hữu Thành- nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh đã trao tặng lại cho thế hệ làm Báo Tây Ninh hiện nay một số kỷ vật của những người làm báo thời kháng chiến.

Nhà báo Võ Hữu Thành giới thiệu về chiếc bàn làm việc của cố nhà báo Phương Hùng.

Ông Thành kể: "Thời kháng chiến, bộ phận báo chí nằm trong Tiểu Ban Tuyên truyền, trực thuộc Ban Tuyên huấn của tỉnh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ngày nay). Trong Tiểu Ban Tuyên truyền chia ra thành các tổ như Tổ Báo chí, Tổ In ấn, Tổ Nhiếp ảnh, Tổ tuyên truyền xung kích. Trong Tổ Báo chí có ba người gồm anh Sáu Tâm (nhà báo Nguyễn Đức Tâm, cố Tổng Biên tập Báo Tây Ninh), tôi (Võ Hữu Thành) và anh Phương Hùng.

Do chưa biết khái niệm gì về báo chí, chưa biết làm báo như thế nào, anh Sáu Tâm giao tôi trách nhiệm phải học làm báo. Mỗi ngày phải nghe các Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải Phóng, Đài Tiếng nói Sài Gòn phát tin, từ đó chọn lọc, chép ra thành những bản tin, rồi đem in ra thành truyền đơn để tuyên truyền, đồng thời xem cách các Đài viết tin như thế nào để học hỏi. Sau đó, hằng đêm, chú Ba Tỷ (Tổ trưởng Tổ In ấn) có ghi âm những bình luận về vấn đề thời sự trên các Đài và giao nhiệm vụ cho tôi chép ra thành tài liệu tuyên truyền. Việc chép đó cũng là một cách học viết báo".

Nhà báo Võ Hữu Thành xúc động chia sẻ: Đối với người làm báo trong chiến tranh, có ba vật dụng không thể thiếu, đó là cây viết, giấy và bàn làm việc. Trong căn cứ kháng chiến cũng có bàn làm việc cố định, chân bàn được làm bằng bốn cây cọc gỗ chôn xuống đất, mặt bàn dùng tre nứa đan bện lại để ngồi viết.

Chiếc đèn dầu của cố nhà báo Phương Hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cố nhà báo Phương Hùng thường xuyên đi công tác nên cần có một chiếc bàn làm việc nhỏ gọn, bỏ trong ba lô để mang theo cho thuận tiện. Để có chiếc bàn theo ý, ông tìm mấy mảnh vật dụng từ những bộ phận của xác hai chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rớt trong vùng giải phóng và mang về Xưởng Công binh của tỉnh nhờ  làm giúp.

Mặt bàn làm bằng tấm đuy- ra, được cắt ra từ thân máy bay, có diện tích 27 x 36,5 cm, nặng 800 gr; chân bàn làm bằng những ống inox. Các chân bàn có thể rút ra, dựng lên để ngồi trên võng viết tin, bài. Khi viết xong dễ dàng xếp các chân bàn lại gọn gàng để trong ba lô. Từ năm 1971 đến năm 1975, chiếc bàn này là vật bất ly thân đối với anh Phương Hùng và đã có không biết bao nhiêu bài báo được viết trên chiếc bàn nhỏ xíu này.

Vật dụng thứ hai của cố nhà báo Phương Hùng còn để lại là chiếc đèn dầu dã chiến, cũng do cán bộ ở Xưởng Công binh chế ra từ vật dụng chiến tranh. Chiếc đèn cũng được ông luôn đem theo bên mình, mỗi khi viết bài vào ban đêm lại đem ra sử dụng.

Nhà báo Võ Hữu Thành trao tặng lại những kỷ vật quý giá cho Ban Biên tập Báo Tây Ninh.

Thay mặt thân nhân cố nhà báo Phương Hùng, nhà báo Võ Hữu Thành trân trọng trao tặng lại những kỷ vật quý giá này cho Ban Biên tập Báo Tây Ninh.

Ngoài những kỷ vật kể trên, nhà báo Võ Hữu Thành còn tặng lại cho thế hệ làm báo tỉnh nhà ba quyển sách. Đây là ba quyển sách mà mấy mươi năm qua ông dùng để “gối đầu nằm”, trong đó có nhiều tư liệu, hình ảnh rất hiếm về những người làm báo và tài liệu báo chí xưa.

Ban Biên tập Báo Tây Ninh trân trọng đón những tài liệu, kỷ vật xưa do nhà báo lão thành Võ Hữu Thành trao tặng, hứa sẽ giữ gìn, bảo quản thật kỹ để góp phần giáo dục truyền thống cho những thế hệ làm báo ở Tây Ninh hiện nay và mai sau.

Đại Dương

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục