Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những lợi ích từ việc nâng quan hệ Việt - Pháp lên tầm cao mới
Thứ tư: 10:02 ngày 09/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quan hệ Việt - Pháp được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện đã giúp hai nước mở ra nhiều cơ hội hiểu nhau hơn, cùng phát triển bền vững hơn.

Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp từ ngày 6 đến 7-10 vừa qua theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước khi quan hệ Việt - Pháp được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam (VN) và Pháp quyết định nâng quan hệ lên tầm cao nhất sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương, đa phương, đồng thời tăng cường tiếng nói cũng như những đóng góp của VN trên các diễn đàn, sự kiện quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước vào trưa 7-10 tại điện Elysee ở thủ đô Paris. Ảnh: TTXVN

Một bước ngoặt quan trọng

. Phóng viên: Sự kiện Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước, đặc biệt là khi nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt - Pháp từ xưa đến nay?

+ TS Lê Hồng Phước (Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM): Pháp là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) và là một trong bốn nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất với VN. Trong chuyến thăm Pháp lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm còn đến dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19. Đây là điều rất đặc biệt, vì lần đầu tiên thượng đỉnh này có lãnh đạo cao nhất của VN tham dự kể từ khi VN gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (tiền thân của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ) vào năm 1979.

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của VN tại EU, là nhà đầu tư lớn thứ hai của EU tại VN. Hiện VN đứng thứ hai trong các nước nhận nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Pháp tại khu vực châu Á, ước tính mỗi năm VN nhận khoảng 200 triệu euro. Tính từ năm 2013, thời điểm Việt - Pháp nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, đến năm 2023 tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Việt - Pháp cũng đang nỗ lực để Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) hoạt động hiệu quả. Hiện Pháp có hơn 300 doanh nghiệp đang làm ăn tại VN.

Những thành quả trên là những chỉ dấu nổi bật trong tổng thể mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa VN và Pháp. Chuyến thăm Pháp lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với điểm nhấn nổi bật là việc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện đã góp phần củng cố thêm niềm tin, tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước trên mọi lĩnh vực trong tương lai.

“Pháp là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) và là một trong bốn nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất với Việt Nam.”

+ TS Trần Nguyên Khang (khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM): Theo tôi, VN và Pháp là hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Từ những năm đầu thế kỷ 17, các thương thuyền Pháp cùng với các nước như Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản đã đến các thương cảng VN tìm kiếm các cơ hội trao đổi, mua bán các sản vật của địa phương như gốm sứ, lụa, trà, hương liệu, thảo dược… Từ đó đến năm 1973, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, VN và Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm mà giới sử học, các nhà nghiên cứu, báo chí đã tốn không ít giấy mực để kể, phân tích, nhìn nhận.

Sau khi VN thống nhất, đặc biệt là khi chúng ta bước vào thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế những năm 1990 thì mối quan hệ giữa hai quốc gia dần nồng ấm hơn. Từng bước, quan hệ Việt - Pháp đạt được những phát triển tích cực trên nhiều bình diện từ chính trị, văn hóa đến thương mại.

Qua quá trình hợp tác song phương, hai nước dần thiết lập được mối quan hệ vững chắc dựa trên sự tin tưởng và cùng có lợi. Hai nước ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9-2013, đúng dịp kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến nay, hợp tác Việt - Pháp đã phát triển toàn diện trên mọi mặt. Việc nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao là thành quả tốt đẹp của những nỗ lực hợp tác không ngừng nghỉ giữa hai quốc gia.

Việt - Pháp và những cột mốc đáng nhớ

• Tháng 10-2024: VN và Pháp nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

• Tháng 9-2013: VN và Pháp ký kết tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.

• Tháng 2-1993: Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của nước Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm VN sau năm 1975.

• Tháng 4-1973: VN và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao.

Lễ tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Orly, thủ đô Paris sáng 8-10. Ảnh: TTXVN

Những điểm nổi bật trong tuyên bố chung

. Đâu là những nội dung ấn tượng nhất trong tuyên bố chung Việt - Pháp?

+ TS Trần Nguyên Khang: Ngoài các nội dung phổ quát thì đáng chú ý, VN và Pháp hướng đến làm sâu sắc hơn các hợp tác chính trị, từ đó gia tăng tiếng nói của quốc gia trước những thách thức quốc tế như các vấn đề an ninh và ổn định ở Biển Đông, xung đột ở Ukraine, tình hình chiến tranh ở Trung Đông… Cả hai quốc gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, lấy chủ nghĩa đa phương làm định hướng chính, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm, đồng thời khẳng định cam kết tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

Hai nước cũng tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Trong khi đó, về kinh tế - thương mại và đổi mới sáng tạo, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu châu Âu, còn VN cũng là một quốc gia đang phát triển mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta kỳ vọng sắp tới hai nước sẽ thúc đẩy sự canh tân và đổi mới khoa học kỹ thuật, đặt trong bối cảnh khu vực sẽ giúp gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hai quốc gia.

“Chúng ta kỳ vọng sắp tới hai nước sẽ thúc đẩy sự canh tân và đổi mới khoa học kỹ thuật, đặt trong bối cảnh khu vực sẽ giúp gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hai quốc gia.”

+ TS Lê Hồng Phước: Đúng là hai bên nhấn mạnh đến hợp tác trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, đổi mới sáng tạo đến văn hóa, giáo dục và cả an ninh, quốc phòng. Tổng thống Pháp có nói một câu rất hay: “Hai bên có cùng cái la bàn. Đó là la bàn luật pháp quốc tế. Hai bên ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên thế giới”.

Trong tuyên bố chung lần này, cả hai bên cũng nhắc đến vấn đề Biển Đông: Cam kết duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông, tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển, khẳng định tầm quan trọng của duy trì an ninh và tự do hàng hải, hàng không, không bị cản trở cũng như quyền đi lại không gây hại trên Biển Đông. Đồng thời ủng hộ các quy định của khu vực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nhìn về tổng thể, những gì VN đạt được lần này có thể coi là thắng lợi về mặt ngoại giao của VN. VN hướng đến hợp tác với cả EU, còn Pháp nhắm đến ASEAN. VN cần tính toán làm sao để VN là “cửa vào” ASEAN và Đông Nam Á, trong khi Pháp sẽ là “cửa vào” của EU và châu Âu.

Những định hướng tương lai

. Làm gì để VN có thể hiện thực hóa những kỳ vọng từ kết quả chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Pháp?

+ TS Lê Hồng Phước: Ngoài trụ cột hợp tác, phát triển kinh tế - thương mại, hai nước xây dựng quan hệ dựa trên hai trụ cột: Lịch sử và văn hóa. Hai nước lại có công cụ chung nữa, đó chính là tiếng Pháp. Lấy trụ cột lịch sử - văn hóa làm đà để phát triển. Lịch sử quan hệ giữa hai nước đã có từ rất lâu đời, trải qua nhiều thăng trầm và đến nay đã hiểu nhau rất nhiều. Mối quan hệ có bề dày, chiều sâu như vậy càng trở nên quan trọng trong thế giới đầy biến động như hiện nay.

Tính từ năm 1993 đến nay, đã có nhiều cuộc viếng thăm qua lại giữa lãnh đạo cấp cao của hai quốc gia. Hiện quan hệ hai nước được nâng lên tầm cao nhất. Với mức độ quan hệ như vậy, VN và Pháp rõ ràng đã trở thành hình mẫu cho thế giới soi vào để hiểu hai quốc gia đã vượt qua những khó khăn, rào cản trong quá khứ để tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như thế nào.

Về mặt văn hóa, dấu ấn của người Pháp tại VN là rất lớn, từ kiến trúc, hạ tầng đến ngôn ngữ, ẩm thực… Hai nền văn hóa có sự giao thoa trong nhiều năm, điều đó càng thúc đẩy việc tìm hiểu nhau trở nên dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. “Vì vậy, hai nước cần phải tận dụng các điểm chung này, không chỉ để giao lưu văn hóa mà phục vụ cho mục đích kinh tế, chính trị, giáo dục. Ví dụ trong kinh tế VN, từ việc hợp tác phát triển tiếng Pháp, các doanh nghiệp VN có thể tiếp cận cộng đồng Pháp ngữ, một thị trường rộng lớn, thông qua nước Pháp. Ngược lại, việc phát triển tiếng Pháp ở VN cũng giúp ích cho các doanh nghiệp Pháp khi đến làm ăn ở thị trường giàu tiềm năng như VN.

+ TS Trần Nguyên Khang: Về kinh tế, việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện sẽ là tiền đề quan trọng cho hai quốc gia tiếp tục phát triển các hợp tác kinh tế và thương mại, đặc biệt khi hai quốc gia cùng tham gia Hiệp định EVFTA, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với sự tham gia của các quốc gia trong khu vực EU. Đây sẽ là cơ hội mở cửa thị trường VN cho các công ty Pháp cũng như EU và ngược lại, từ đó thúc đẩy thương mại vốn đã rất quan trọng giữa VN và Pháp cũng như các nước châu Âu.

Để thành công tại thị trường Pháp cũng như châu Âu, VN cần có sự chuẩn bị tích cực trong việc tiếp cận, thâm nhập và mở rộng thị trường. Người Pháp vốn có thiện cảm tốt với VN nhưng muốn thành công tại thị trường Pháp thì các sản phẩm Việt phải thỏa mãn được thị hiếu của người tiêu dùng Pháp, vốn rất khắt khe.

Để hàng hóa VN có chỗ đứng trong hệ thống phân phối tại Pháp, các sản phẩm VN cần chú trọng tới chất lượng hàng hóa thông qua những chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của Pháp cũng như châu Âu. Đặc biệt, các sản phẩm thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội sẽ là xu thế được ưa chuộng tại Pháp.

Bên cạnh yếu tố chất lượng, các sản phẩm Việt cần biết phát triển các yếu tố “thuần Việt” như mẫu mã, kiểu dáng cần có bản sắc và dấu ấn riêng, được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Về phía Pháp, các mặt hàng công nghệ cao, ẩm thực cũng như các sản phẩm xa xỉ cao cấp (như thời trang, mỹ phẩm…) có thể tìm thấy thị trường tiềm năng là VN khi mức thu nhập bình quân đang cải thiện tích cực trong những năm gần đây.

Về văn hóa - xã hội, Pháp được biết đến là một trong những quốc gia hàng đầu về “sức mạnh mềm” trên thế giới. Pháp được xem là kinh đô của thời trang, nghệ thuật, ẩm thực và du lịch. Sự nâng tầm quan hệ với Pháp sẽ giúp VN có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển nền công nghiệp văn hóa và du lịch quốc gia, từ đó dần khẳng định được vị thế của mình như một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế.

Ngoài ra, với nhiều du khách Pháp, VN là một điểm đến hấp dẫn tại châu Á bởi những ký ức lịch sử cùng sự thân thiện của con người. Sự gắn kết và trao đổi về các mặt văn hóa - xã hội sẽ là những nền tảng tốt đẹp của hình thức ngoại giao nhân dân mà hai quốc gia đã có và sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước vừa thiết lập.

. Xin cảm ơn các chuyên gia.•

Chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều dấu ấn nổi bật

Trưa 8-10, chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao VN đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Thông tin với báo chí về kết quả chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết với lịch trình hoạt động dày đặc ở các nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao VN đã có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là chuyến công tác với nhiều lần “đầu tiên” đặc biệt. Cụ thể, là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của lãnh đạo nước ta tới Mông Cổ sau 16 năm, tới Ireland sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tới Pháp sau 22 năm và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao VN đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn nổi bật.

Dấu ấn thứ nhất, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao VN sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của VN.

Dấu ấn thứ hai, chuyến công tác là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, khi đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN.

Dấu ấn thứ ba, tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, lan tỏa thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ trong việc thúc đẩy hợp tác, ứng phó với các thách thức chung, cũng như tận dụng các cơ hội có được từ sự phát triển của khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định thời gian tới VN và các nước sẽ thúc đẩy triển khai, cụ thể hóa những kết quả đạt được trên nhiều phương diện.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục