Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những lớp học đặc biệt (*): Cô giáo không có bằng sư phạm
Thứ ba: 09:46 ngày 21/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm chính quy nhưng tình cờ bén duyên với nghề giáo, nhiều cô giáo dù tuổi tác đã cao vẫn miệt mài truyền thụ kiến thức cho học trò

Dưới cơn mưa bất chợt của những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến lớp học đặc biệt của cô Lê Thị Thu Thiết (64 tuổi) tại phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Từ xa, chúng tôi đã nghe vang vọng tiếng các em học sinh ê a đánh vần.

Đến tận nhà thuyết phục học trò đi học

Học sinh của cô Thiết đa phần là con em gia đình lao động, có hoàn cảnh khó khăn, phải gác lại ước mơ đến trường để lao vào kiếm sống khi còn nhỏ tuổi. Những ngày đầu mở lớp, do nhiều phụ huynh từ chối cho con đi học dù đây là lớp học hoàn toàn miễn phí, cô Thiết phải đến tận nhà thuyết phục cha mẹ các em. Cô còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ dụng cụ học tập, nhu yếu phẩm... để phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em.

Cô giáo Lê Thị Thu Thiết đã mang đến con chữ và bài học làm người cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Cà Mau .Ảnh: VÂN DU

Cô Thiết kể cô bén duyên với lớp học đặc biệt này từ năm 1999 qua lời đề nghị từ các cha xứ. Hơn 23 năm qua, cô đều đặn đến lớp 2 buổi/ngày để truyền đạt kiến thức cơ bản cho những học trò đặc biệt của mình. "Tôi dạy 2 môn chính là tiếng Việt và toán. Sau khi có kiến thức cơ bản, các em có thể học lên cao hơn nếu có điều kiện. Hy vọng các học trò của tôi sẽ tiếp tục nhận được sự yêu thương và hỗ trợ của các nhà hảo tâm để yên tâm học hành, trở thành người có ích cho xã hội" - cô Thiết bày tỏ.

Chỉ với một cái bảng đen, cô Thiết phải dạy cùng lúc 3 đối tượng học trò. Cô chia lớp thành 3 nhóm gồm các em học chữ, tập đọc và học làm toán. Dẫu thiếu thốn, khó khăn và tuổi tác đã cao, cô Thiết cho biết vẫn sẽ gắn bó với lớp học này đến khi sức khỏe không còn cho phép. "Hạnh phúc nhất với tôi là khi nhìn thấy học trò biết đọc, biết viết và thực hiện được các phép tính sau khi tham gia khóa học" - cô Thiết tâm sự.

Là học trò cũ của cô Thiết, anh Nguyễn Hoàng Nhớ (31 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) không quên những kiến thức, đạo lý mà cô truyền đạt đã giúp anh tự tin bước vào đời. Cuộc sống đã tương đối ổn định, anh Nhớ vẫn thường dẫn vợ, con về thăm cô.

Đánh giá lớp học của cô Thiết rất nhân văn và thiết thực, ông Lâm Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND phường 6, khẳng định địa phương sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để duy trì lớp học này.

Từ cán bộ Đoàn thành cô giáo

Cô Liêu Thị Mỹ Uyên (58 tuổi) cũng có một lớp học đặc biệt tại nhà ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Trước đó, cô có gần 20 năm tham gia lớp học tình thương, dạy cho nhiều thế hệ học trò nghèo, trong đó có các em nhỏ đi bán vé số, nhặt ve chai.

"Năm 18 tuổi, khi đang là cán bộ Đoàn, công tác tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, anh em ở đây nói tôi tham gia dạy ở lớp học tình thương để xóa mù chữ. Ban đầu, tôi từ chối vì không có bằng sư phạm nhưng sau đó thấy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường, tôi lại nhận lời ngay" - cô Uyên kể.

Để có thêm kỹ năng truyền đạt kiến thức, cô Uyên đăng ký học một số lớp bổ túc, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Khoảng 4 năm sau đó, cô được về dạy tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Ninh Kiều). "Chẳng dám mong gì nhiều, chỉ hy vọng các em biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản để đi bán vé số không còn bị gạt nữa. Nhìn những gương mặt ngây thơ với nhiều hoàn cảnh đáng thương, tôi càng có thêm động lực để theo nghề" - cô Uyên nói.

Sau khi gắn bó với lớp học tình thương khoảng 19 năm, cô Uyên tham gia giảng dạy cho dự án hỗ trợ trẻ em đường phố tại TP Cần Thơ. Dự án kết thúc nhưng lòng yêu nghề vẫn còn đó, cô quyết định mở lớp dạy miễn phí tại nhà. Cô Uyên tận dụng căn gác rộng khoảng 20 m2 để mở lớp, hiện tại có 10-15 em theo học. Hay tin, nhiều nhà hảo tâm tìm đến để hỗ trợ, chung tay giúp cô mở lớp. Nhiều sinh viên cũng đến phụ cô dạy các em.

Từ lớp học của cô, nhiều học trò đã ra đời và thành công. "Một học trò từng học ở lớp học tình thương của tôi nay đang làm cho một công ty ở nước ngoài. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em thường nhắn tin chúc mừng tôi. Bao nhiêu đó là tôi thấy đủ ấm lòng" - cô Uyên xúc động nói. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-11

Người thầy giữa đồng ruộng

Trong giới làm khoa học nông nghiệp, nhiều người biết ông Hoa Sĩ Hiền, một nông dân đam mê lai tạo giống lúa ở xứ lụa Tân Châu (tỉnh An Giang). Ông nghiên cứu được 63 giống lúa đạt chất lượng, được Viện Lúa ĐBSCL lưu trữ nguồn gien. Ông còn được Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế tặng giấy chứng nhận "Người có thành tích xuất sắc trong di truyền học".

Người nông dân “chân đất” Hoa Sĩ Hiền xúc động khi được sinh viên trân trọng gọi là “thầy”. Ảnh: VĨNH KỲ

Với kiến thức chuyên môn lẫn thực hành, ông được nhiều trường như Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH An Giang... tin tưởng gửi sinh viên đến học tập và thực nghiệm. Từ năm 2009 đến nay, ông Hiền đã hướng dẫn, dạy thực hành miễn phí trên cây lúa cho khoảng 600 sinh viên.

"Thầy Hiền có hiểu biết chuyên sâu về cây lúa, rất kiên nhẫn và nhiệt tình hướng dẫn sinh viên. Ấn tượng của tôi về thầy không chỉ ở sự hiểu biết mà còn bởi đức tính khiêm tốn" - anh Phan Trần Hải Đăng, cựu sinh viên Trường ĐH An Giang, nhận xét.

Nói rằng cuộc đời "làm thầy" của mình như một cái duyên, ông Hiền không giấu được hạnh phúc. "Dịp lễ, Tết, nhiều học trò gọi điện hoặc đến nhà thăm hỏi tôi. Những nhà giáo khác đứng trên bục giảng, còn tôi là nông dân "chân đất", hướng dẫn sinh viên trên cánh đồng nhưng vẫn được gọi là "thầy", thật sự may mắn" - người thầy nông dân trải lòng.

Nguồn NLDO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục