Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Mỗi quốc gia có một loại món ăn truyền thống ngày Tết và mang lại nhiều may mắn và ý nghĩa riêng cho mình.
Lào: món Lạp
Người dân đất nước Triệu Voi thường đón Tết muộn, từ ngày 14 đến 16-4 dương lịch hàng năm. Bữa cơm đầu tiên trong năm mới của người dân Lào không thể thiếu món Lạp.
Theo tiếng Lào, Lạp có ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và nhiều may mắn. Món ăn này làm từ thịt bò hoặc thịt gà băm nhỏ, trộn cùng nhiều loại rau thơm, nước cốt chanh và thính nếp rang vàng, ăn cùng cơm nương hoặc xôi.
Trung Quốc: Cá và bánh bao
Người Trung Quốc rất coi trọng đến phong tục đặc biệt là trong ngày Tết, cho nên bàn tiệc đầu năm của họ có rất nhiều những món ăn may mắn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cá và bánh bao. Hai món ăn này mang ý nghĩa của sự thịnh vượng, no ấm.
Trong đó, từ “cá” phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Bên cạnh đó, món mì trường thọ và bánh sủi cảo hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại may mắn cho cả năm.
Campuchia: Cà ri
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là món cà ri. Trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri thơm lừng.
Hàn Quốc: Canh bánh gạo
Theo phong tục, người Hàn Quốc trong ngày đầu năm mới sẽ nấu canh Tteokguk (gồm bột gạo, nước xương bò, thịt bò, hành hoa) để thưởng thức và cầu may mắn. Mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau thưởng thức món canh này để cầu mong có sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới. Món canh Tteokguk ăn cùng với kim chỉ cải thảo hoặc kim chỉ củ cải trắng sẽ hấp dẫn và đậm đà hơn.
Singapore và Malaysia: Yu Sheng - gỏi cá thịnh vượng
Singapore và Malaysia có cùng chung một món ăn truyền thống là Yu Sheng. Món ăn được kết tinh từ các loại rau củ quả thái sợi như khoai môn, đu đủ, gừng chua bưởi với cá hồi.
Để thưởng thức món ăn này đúng nghĩa, người ăn sẽ xới và trộn món ăn lên càng cao càng tốt rồi trộn đều với nước sốt và thưởng thức.
Mông Cổ: Sữa ngựa và bánh bao
Tết Tsagaan Sar của Mông Cổ cũng như tết của người Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày mùng 1 đến hết ngày mùng 3 âm lịch. Món ăn truyền thống của họ là sữa ngựa và các loại bánh làm bằng bột.
Tuy nhiên, ngày Tết chúng sẽ được nấu kỹ càng và chăm chút hơn. Với chiếc bánh bao nhân thịt cừu ngon và nóng hổi uống cùng với trà nóng hoặc sữa ngựa mọi người cùng đón giao thừa trong không khí vui vẻ và an lành.
Nhật Bản: Osechi
Người dân Nhật Bản ăn mừng năm mới vào Tết Dương lịch với Osechi - một loạt món ăn được chế biến kỹ lưỡng, mỗi món lại có một ý nghĩa may mắn riêng. Tùy từng địa phương, các món ăn trong khay sẽ thay đổi, nhưng chủ yếu vẫn là các món quen thuộc như bánh cá, trứng cuộn, đậu đen, tôm chiên... với ý nghĩa sâu sắc.
Thổ Nhĩ Kỳ: Quả lựu
Quả lựu, với người Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện cho may mắn, vì nhiều lý do: màu đỏ tượng trưng cho trái tim của con người, hàm ý cuộc sống và khả năng sinh sản, những thành phần có khả năng chữa bệnh của lựu đại diện cho sức khoẻ và những hạt lựu tròn căng mọng đại diện cho sự thịnh vượng. Tất cả những điều đó giúp lựu trở thành trái cây cho một sự khởi đầu tươi mới.
Việt Nam: Bánh chưng
Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Từ những ý nghĩa sâu xa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước.
Nguồn hanoimoi