Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trưa tháng Ba im lặng thanh bình, những bông hoa gạo đỏ tươi lặng lẽ rụng đầy mặt đất. Dường như hoa gạo năm nay tươi tắn khác thường, không váng vất u buồn như những mùa hoa thời đất nước còn mịt mù khói lửa.
Tôi và chú Tung nhập ngũ cùng một đợt. Hôm lên đường, mặt trời chưa lên khỏi ngọn tre. Khắp chốn còn lương vương màn sương sớm mờ đục như màu khói. Một chiếc xe quân sự cài lá nguỵ trang kín mít đã đậu bên gốc cây gạo đầu làng đón chúng tôi.
Hầu hết bà con các xóm cùng ra đưa tiễn tân binh. Vợ tôi bên hông ôm đứa con gái năm tháng tuổi. Thằng anh nó lên năm đu cứng cổ tôi. Cả nhà quây sát bên nhau, bịn rịn chẳng muốn rời. Bà mẹ chú Tung lưng đã hơi còng, cố ngẩng mái đầu đốm bạc, mở to đôi mắt lờ lờ cùi nhãn nhìn sát mặt con. Một tay bà xách chiếc ba lô, một tay vỗ vỗ lưng chú, cứng cỏi giục: “Con đi đi, chân cứng đá mềm, anh em đang đợi trên xe”. Lắp bắp đến mấy lần một câu ấy, miệng thì giục mà cánh tay chú Tung cứ bị bà níu chặt.
Mới chớm tháng Ba, trên tàng cây gạo đầu làng hoa đã đỏ rực một góc trời. Từ ngọn cao tít cho đến những cành khẳng khiu la đà, đều treo chi chít những chùm lửa lấp loé. Gió từ phía sông Nguồn rào rào thổi qua ngọn cây, nhiều bông lộp bộp rơi xuống lòng xe, đậu trên miệng ba lô, trên vai những tân binh còn lóng ngóng trong bộ quân phục kaki mới coóng.
Đã nhiều lần cây gạo làng tôi tham gia cùng dân làng bịn rịn đưa tiễn con em mình nhập ngũ vào mỗi mùa hoa nở. Cảm giác như cây cũng nặng tình, cũng quặn lòng dứt khỏi thân mình những giọt máu tinh khôi tươi rói tiếp sức chúng tôi vững tâm lên đường đánh giặc.
Ngồi cạnh tôi, chú Tung ngửa hai bàn tay đón một bông gạo còn ướt đẫm sương mai, ấp vào lồng ngực. Phả một hơi nóng hổi bên tai tôi, chú buông lửng một câu: “Hoa gạo còn có tên là hoa mộc miên”. Biết chú đang nôn nao nhớ cô người yêu cùng lớp 12 của chú tên Miên.
Tôi hỏi: “Sao Miên không đến tiễn đưa?”. Giọng chú nghèn nghẹt: “Hôm nay đúng phiên Miên trực chiến, phải có mặt ở khẩu đội từ bốn giờ sáng. Tối qua bọn tao thút thít tâm sự sau gốc gạo này. Quá nửa đêm, lúc chia tay, Miên dúi vào túi áo tao cây bút Anh Hùng và xấp giấy pơ-luya, rồi bất ngờ vít cổ ngấu nghiến cắn vai tao đau điếng.
Tao giả vờ kêu: Máu chảy ướt áo anh rồi. Em hổn hển: Kệ! Cầu mong nó thành vết sẹo, để anh luôn nhớ đến Miên”. Chả tìm được lời nào động viên, tôi chỉ biết lặng lẽ nắm chặt bàn tay học trò của chú mềm như cọng bún. Thầm dặn mình luôn khắc ghi lời gửi gắm của bà tối hôm qua: “Chú mày còn bấy bớt lắm, cháu phải luôn đỡ đần, bảo vệ chú trong mọi hoàn cảnh ngặt nghèo, bà cậy nhờ cháu đấy”.
Chưa xa làng mà lòng tôi đã chùng xuống, rưng rưng bao nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Đến lúc xe rì rì chuyển bánh mới nghe nhiều tiếng nấc cố nén cùng rộ lên dưới tàng cây gạo già đang mùa mưng mưng những bông hoa thắm thiết. Chúng tôi phải kìm xúc động, đồng loạt đứng lên giơ cả hai tay vẫy vẫy, đồng loạt hô to: “Hẹn gặp lại ngày chiến thắng”.
Ông nội tôi có cả thảy mười người em ruột. Cha chú Tung là em út. Tôi hơn chú Tung dăm tuổi. Đại gia đình tôi, xưa nay, người đã vài mặt con đứng hàng con cháu, phải gọi thằng trẻ nít ở vai trên đang học vỡ lòng là bác hoặc chú, là chuyện bình thường, tôn ti họ hàng xưa nay vẫn vậy.
Cha chú Tung hy sinh năm 1948 trong đêm bộ đội công đồn Tam Châu. Lúc ấy chú mới được bốn tuổi. Bà mẹ chú ở vậy nuôi con từ bấy đến giờ. Tốt nghiệp cấp ba năm ngoái, là giọt máu duy nhất của liệt sĩ, được ưu tiên một suất du học bên Liên Xô nhiều người khao khát, chú đã từ chối, cắn đầu ngón tay lấy máu viết quyết tâm thư xung phong đi chiến trường chống Mỹ. Bà mẹ chú phải ký xác nhận đồng tình vào đơn, ban chính sách mới chịu phê duyệt cho chú tòng quân đợt đầu năm nay.
Chú cháu tôi được biên chế vào cùng một tiểu đội. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều trận đánh trên chiến trường mấy tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhờ phúc ấm tổ tiên, qua bốn năm, chú cháu tôi chưa hề bị vướng một mảnh đạn nào. Chỉ qua loa vài trận sốt rét, vài bận chấn thương do sức ép của bom, rồi sức khoẻ lại bình phục như cũ.
Tháng ba này, sau một đợt chỉnh quân, tôi và chú Tung được đơn vị cử đi học một lớp huấn luyện đặc biệt cùng với mấy chục chiến sĩ các đơn vị khác. Đoàn chúng tôi bí mật vượt sông Sài Gòn hành quân tập kết về Căn cứ R. Đêm đi, ngày nghỉ dưới những tán rừng đại ngàn.
Đấy là năm 1970, chiến tranh đang vào giai đoạn ác liệt. Đêm ấy, chúng tôi vừa vượt qua một con suối cạn, anh giao liên truyền lệnh: “Đoạn này là trọng điểm máy bay địch thường xuyên do thám và oanh kích, các đồng chí phải hết sức chú ý, không được chủ quan.
Không ít thương vong đã xảy ra ở đây rồi”. Tôi vừa lật vành nón tai bèo ra sau gáy, dỏng tai cảnh giác cao độ, đã nghe nổ bục mấy chùm pháo sáng trên đầu. Hai chú cháu tôi vội nép vào một gốc cây cổ thụ ven đường mòn. Chú Tung thì thào: “Cây gạo, cây mộc miên mày à!”.
Tôi sờ vào lớp vỏ sù sì, lòng bàn tay chạm phải những mấu gai nhòn nhọn. Thoáng nhớ cây gạo làng mình, mùa này chắc cũng đang độ ra hoa. Ngước nhìn lên, cơ man hoa gạo lập loè trong quầng pháo sáng, thoáng tắt phụt, thoáng hiện ra những bó đuốc lửa đẹp đến mê hồn.
Có một cành ở lưng chừng to cỡ bắp cày bị bom phạt cụt trông giống cánh tay thương tật chĩa về phía mảnh trăng non đang mọc lên ở chân trời, cũng lơ lửng những chùm hoa chói lói. Dường như trong giây phút ấy, chú Tung quên luôn bọn giặc trên trời, phấn khích đứng thẳng người, hai tay quàng ôm nửa thân cây gạo, bồi hồi bật ra mấy lời: “Miên! Miên ơi! Giữa rừng cũng có cây mộc miên như ở quê mình em ạ”.
Chợt xẹt một tia chớp bùng lên, tôi chỉ kịp nhìn thấy mấy chấm loé sáng phản chiếu trên đôi tròng mắt chú Tung mở to, đen láy. Rồi tối như bưng. Rồi tất cả lặng tờ. Tai tôi điếc đặc. Quả bom nổ rất gần, sức ép từ nó đẩy tôi ngã dúi cùng một lúc cả người chú Tung đổ vật đè lên lưng tôi nặng trịch. Máu từ lồng ngực chú phun ướt đẫm áo tôi, nóng hổi.
Chú Tung hy sinh vì một mảnh bom xiên thẳng qua tim, phá ra sau lưng rồi găm sâu vào thân cây gạo. Một mảng vỏ cây bằng mấy bàn tay bị lột đi, để lộ mảng thân gỗ trắng hếu. Trong tay tôi, chú Tung không trăn trối được lời nào nữa.
Miên! Miên ơi! Là tiếng gọi sau cùng của chú trên cõi đời này. Sau trận bom, rừng trở lại im ắng đến rợn người. Từ trên cao, cây gạo bi thương trút xuống như mưa phủ khắp châu thân chú cháu tôi, những bông hoa như những giọt máu đỏ tươi, thánh tha thánh thót, nhỏ mãi không ngừng.
Chúng tôi đặt chú Tung nằm dưới huyệt sâu đào lùi vào phía trong con đường mòn, cách xa gốc cây gạo chừng mươi mét. Tôi lục ba lô thay cho chú bộ quân phục kaki Tô Châu còn nguyên nếp gấp chú để dành chờ ngày ra Bắc về phép thăm nhà. Lại cẩn thận bỏ vào túi áo bên ngực phải chiếc lọ pê-ni-xi-lin chứa tấm hình chú và những thông tin cần thiết về một người lính ghi ở mặt sau.
Xấp giấy pơ-luya thấm máu và chiếc bút Anh Hùng của Miên tặng chú, tôi cẩn thận bỏ vào túi áo bên trái, nơi trái tim chú đang ri rỉ dòng máu trẻ trung tinh khiết. Trước khi bọc kín chú trong tấm tăng, chúng tôi soi đèn pin nhìn chú lần cuối cùng.
Khuôn mặt chú trắng xanh vì mất máu, nhưng khoé miệng chưa kịp khép, he hé một hàng răng cửa đều như hạt bắp, loé sáng phản chiếu ánh đèn. Một nụ cười chưa kịp tắt, nụ cười thanh xuân mãi mãi lưu trong ký ức tôi. Hình như chú chưa kịp đau đớn, chưa kịp biết mình phải từ giã cõi đời giữa tuổi hai mươi.
Chú ngã xuống như ngả vào lòng mẹ, thanh thản đi vào giấc ngủ dài. Không có bia, chúng tôi tìm được một tảng đá ong chôn ngầm nơi đầu mộ. Xong xuôi, cả tiểu đội cúi đầu mặc niệm rồi tiếp tục hành quân. Biết tôi là cháu của chú Tung, đồng chí giao liên khẽ dặn: “Cây gạo này cách con suối Tha La chúng ta vừa đi qua chừng hai cây số.
Cũng cách con lộ sắp vượt qua chừng ấy, lấy nó làm toạ độ”. Riêng tôi còn nán bên mộ chú vừa khóc nấc vừa khấn: “Chú Tung ơi! Xin chú yên lòng an nghỉ nơi đây. Nơi đây có cây gạo, mỗi tháng ba sẽ nở ra một mùa hoa tươi thắm, hồn vía quê nhà và tình thương nỗi nhớ của mẹ chú, của Miên và đại gia đình ta luôn ẩn chứa trong bóng cây này, trong những chùm hoa tháng ba nổ rộ, sẽ luôn sưởi ấm vong hồn chú suốt những tháng, những năm còn vất vưởng giữa chốn này. Sau ngày chiến thắng nhất định cháu sẽ tìm đến nơi đây để đưa chú trở về yên nghỉ với tổ tiên, giữa lòng đất quê nhà”.
Kỷ vật của chú chỉ còn chiếc ba lô thấm máu tôi luôn mang bên mình suốt những năm chiến tranh. Lần về phép đầu tiên, tôi phải dằn lòng cất kỹ trong chiếc rương gỗ cột chặt trên xà nhà. Để một người mẹ cầm trong tay kỷ vật thấm máu của con mình, tôi thấy đau đớn lắm.
Sau ngày hoà bình lập lại, vợ tôi báo tin, xã đã làm lễ truy điệu chú Tung từ mấy năm trước. Cô Miên cũng hy sinh sau chú một năm trên chiến trường Quảng Trị. Bà mẹ chú, sau nhiều lần đoàn thể và vợ tôi năn nỉ đã về ở hẳn bên nhà tôi. Nhà tôi sát vách nhà bà, hằng ngày bà về nhang khói trước hai tấm hình liệt sĩ thân yêu cũng tiện.
Nhưng mà bà đã có dấu hiệu lẩn thẩn rồi. Vợ tôi viết trong thư: “Sáng sớm nào bà cũng te tái tay liềm, tay cắp chiếc rổ đi ra đầu làng, ngẩn ngơ ngồi bên gốc cây gạo. Ai hỏi, bà bảo: Kiếm mớ rau lợn đỡ mẹ con nó. Tiện thể chờ thằng Tung đang trên đường về thăm nhà đấy. Đằng đẵng xa quê từng ấy năm giời, chắc nó quên mất đường rồi, tội lắm!”.
Mãi đến tháng Ba năm 1976 tôi mới được đơn vị cho về phép một tháng. Ngồi trên đoàn tàu quân sự chạy suốt Nam - Bắc chậm như rùa. Nhìn hai bên đường loáng thoáng những cây gạo đang mùa ra hoa. Lòng tôi xốn xang thương nhớ chú Tung vô hạn.
Tình hình lúc ấy còn nhiều phức tạp, chưa cho phép tôi cất công đi tìm mộ chú. Biết thưa với bà thế nào đây. Xuống sân ga thị xã NB lúc nửa đêm, tôi xốc ba lô đi bộ, tờ mờ sáng đã về đến gốc cây gạo đầu làng. Bà mẹ chú Tung là người thân tôi gặp đầu tiên, lại ở đúng nơi mười một năm trước bà vừa níu áo chú Tung vừa giục: “Con đi đi chân cứng đá mềm. Các bạn con đang đợi trên xe”.
Đã biết trước tình trạng của bà, tôi vẫn không cầm được nước mắt. Tôi nắm tay bà, xưng tên, bà buông thõng cả liềm cả rổ, ôm chặt tôi mếu máo: “Cái thằng Tung bất hiếu sao không về với cháu. Nó bỏ mặc mẹ nó già nua côi cút thế này. Con ơi là con”.
Biết bà lúc tỉnh lúc mê, tôi giả vờ bảo bà dẫn tôi về nhà, con quên mất cổng rồi. Như chợt tỉnh, bà mắng: “Cha bố anh, đi đâu cũng phải găm trong lòng quê hương bản quán của mình mới phải đạo làm người. Vậy là hư lắm đấy”. Nói rồi bà lại nắm chặt cánh tay tôi, thẽ thàng từng tiếng: “Con đi đi, chân cứng đá mềm”.
Cứ y như nắm tay chú Tung buổi sáng năm nào. Sáng ấy, lại đúng mùa cây gạo ra hoa. Lại vẫn những cơn gió từ sông Nguồn rào rào thổi qua ngọn cây, rất nhiều bông hoa gạo như những giọt lệ màu máu đáp nhẹ xuống đầu bà cháu tôi. Như là sẻ chia, như là thương cảm.
Đời lính của tôi còn hành quân tiếp tục trên mặt trận bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi lại chiến đấu chống quân bành trướng phương Bắc. Năm 1980, tạm yên ổn, tôi được giải ngũ. Non trưa về đến nhà, vợ tôi còn đang ở ngoài cánh đồng, các con tôi chưa tan trường. Ba gian nhà im ắng, vắng vẻ chỉ có một mình bà đang rũ mái tóc trắng phau ngồi còng lưng cạnh tấm võng đay.
Chiếc ba lô thấm máu chú Tung tôi đem về từ mấy năm trước được cuộn gọn ghẽ đặt nằm trong lòng võng. Một tay bà nắm mép võng khẽ đung đưa, một tay phe phẩy chiếc quạt mo. Tôi khẽ lên tiếng, bà ngẩng lên, khẽ suỵt: “Đừng nói to, để cho nó ngủ. Nó vừa về. Sức vóc con tôi bấy bớt vậy mà phải lăn lộn giữa rừng bom mũi đạn ngần ấy năm trời. Tội thân nó quá!”. Tôi lén quay mặt giấu hai hàng nước mắt.
Tôi hỏi chuyện cái ba lô chú Tung, vợ tôi trần tình: “Lạ lắm anh ạ, Mấy ngày liền bà cứ chỉ lên chiếc rương anh cột chặt trên xà nhà mếu máo: Thằng Tung nó đang ở trong chiếc rương kia kìa. Chị thả nó xuống với tôi. Nhốt nó vậy, tôi nghiệp lắm. Chả còn cách nào giấu bà được nữa, em lấy xuống, vừa mở ra bà đã ôm chầm lấy chiếc ba lô, nức nở đủ lời âu yếm. Từ đấy, bà không lang thang đây đó nữa. Ngày ngày ngồi còng lưng đưa võng, thầm thì hát ru những bài buồn”.
Tôi ở nhà ít hôm, Lúc này bà mẹ chú Tung đã yếu lắm rồi. Ban ngày đưa võng ru con, đêm đến lẩm bẩm một mình: “Tung ơi! Sao không về với mẹ. Ông ơi! Sao không dẫn con tìm đường về làng. Nó còn bé bỏng lắm. Sức vóc học trò như đọt măng yếu ớt, đi chiến trường mãi làm sao kham nổi con ơi”.
Cứ tình trạng này, bà cụ không sống nổi bao lăm nữa. Chỉ còn cách mau chóng đi tìm và đưa hài cốt chú Tung về làng thì may ra bà mới đỡ lẫn phần nào. Nghĩa vụ thiêng liêng ấy, ngày nào chưa hoàn thành thì lương tâm tôi còn áy náy đến quên ăn, mất ngủ.
Nghĩ vậy, nghỉ ngơi ít này, tôi quyết tâm lên đường tìm bằng được và quy tập hài cốt chú Tung về nằm cùng cha chú trong nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đồng ngũ tôi hiện có một người đang công tác ở Tỉnh đội Tây Ninh. Tôi vững tâm lên đường, tin chắc thế nào cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Anh bạn đồng ngũ băn khoăn bàn với tôi: “Cậu chỉ có mơ hồ một cái tên con suối Tha La, ở tỉnh này những mấy địa danh Tha La, biết Tha La nào. Vượt suối cạn rồi bị đánh bom ở đoạn giữa suối và con đường chắn ngang hướng hành quân, tôi đoán có thể là con suối Tha La ở Tân Biên.
Ở đấy, hiện đã thành lập một xã kinh tế mới, vạn nhất cây gạo ấy và nấm mồ chú Tung bị họ khai quang phạt bằng đi rồi thì khó tìm lắm lắm. Tôi đang mắc học nghị quyết một tuần nữa, Muộn ngày nào dấu tích mai một ngày ấy. Cậu cứ lấy chiếc Sáu bảy tàng tàng của tôi chạy về đấy trước. Tôi sẽ điện cho các anh ở huyện và xã kinh tế mới ấy giúp đỡ”.
Tôi chạy xe một lèo từ thị xã Tây Ninh về huyện Tân Biên. Tới ngã tư Đồng Pan, không ngờ chỗ này đã hình thành một cái chợ đông người mua bán. Từ đấy quả có một con đường rẽ về xã kinh tế mới rồi đến bờ suối Tha La. Mừng vì có thể tôi đã tìm đúng nơi chú tôi hy sinh năm ấy.
Lại cuống cuồng lo vì mới qua bốn năm hoà bình, con đường giao liên luồn dưới cây rừng một thuở, bây giờ chả còn bóng một cây cổ thụ nào. Trước mắt tôi bát ngát những thửa mía, ruộng mì xanh ngắt tiếp nối nhau. Dấu tích năm xưa biết còn nguyên vẹn?
Đội ơn trời phật, cây gạo giữa rừng lâu nay che chở nấm mồ đắp vội của chú tôi vẫn còn. Nó ríu rít vẫy gọi tôi bằng tầng tầng những ngọn lửa chói lọi in trên nền trời tháng ba xanh thắm không một gợn mây. Cái cành cụt trỏ về phía trăng non đêm ấy vẫn chìa ra nguyên vẹn vẻ đau thương một thời tang tóc.
Chỗ thân cây bị mảnh bom vạt đi một mảng vỏ vẫn lồ lộ một lỗ sâu hoắm đen sì màu khói. Tôi đoán chừng cái xã kinh tế mới ấy bắt đầu từ gốc cây này. Nhiều căn nhà tranh vách đất cùng kích thước, cùng kiểu dáng, mặt trước nhà cùng hướng ra con đường đất đỏ thẳng tắp.
Trên mỗi vuông sân đất, loáng thoáng những đứa trẻ tha thẩn với mấy con gà con vịt. Dựng xe dưới tán cây hoa gạo che mát nửa con đường, tôi thấp thỏm đứng trước chiếc cổng tre mở sẵn, căng mắt chăm chú nhìn gốc cây gạo nằm gọn trong bờ rào của khu vườn rộng chừng ba sào Bắc bộ.
Một căn nhà nhỏ, mặt trước thưng bằng những tấm ván mới xẻ còn giữ nguyên màu gỗ đỏ au. Khung cửa ra vào đang mở toang hai cánh gỗ ván. Ngồi bệt dưới đất một người cởi trần. Đúng hơn là chỉ có nửa người. Tôi kịp nhận ra hai mẩu đùi ngắn ngủn đen thui thò ra ngoài hai ống quần cộc.
Một tấm bảng gỗ viết nguệch ngoạc: Tư Đoàng sửa khoá, sửa xe và bơm hơi vá ép treo trên đầu cột chỗ anh ngồi. Tôi lên tiếng: “Anh chủ cho phép tôi vào thăm chứ!”. Anh ta đáp nhỏ, không thờ ơ mà cũng không vồn vã: “Có chi mô, anh bộ đội cần sửa xe à?”. “Dạ không, à mà có”.
Tôi dắt xe vào sân, nâng cây chống giữa, nhờ anh căng giùm cái sên, chùng quá, cứ nghe cạch cạch. Di chuyển bằng cách chống hai bàn tay lên chiếc ghế gỗ rồi ném cả thân hình về phía trước, anh chủ nhà lết đến cạnh chiếc xe. Lựa lúc anh ta lúi húi vặn ốc, tôi gợi chuyện: “Anh bị tai nạn lâu chưa?”. “Tai nạn chi mô, tôi là phế binh.
Tháng Ba năm bảy lăm còn nằm ở Quân y viện Cộng hoà. Sau giải phóng, Quân y cách mạng tiếp tục điều trị cho tôi đến lúc lành lặn vết thương. Năm bảy sáu, tôi và một vợ hai con tình nguyện lên đây xây dựng làng kinh tế mới. Thủng thẳng sống tới bây giờ”.
Lại hỏi: “Chị và các cháu đâu?”. “Mẹ nó đi làm công cạo vỏ mì cho lò chế biến tinh bột. Hai con học buổi sáng, buổi chiều làm cùng mẹ”. Hỏi thêm: “Có thiếu thốn lắm không?”. “Biết đủ thì đủ. Rau củ trong vườn. Gạo ngoài chợ. Ngày ba bữa no bụng, tối ngủ khoèo”.
Tôi chỉ góc vườn trước cửa nhà cỏ rậm chẳng trồng được cây nào do bị cớm bóng cây gạo, hỏi: “Nghe nói hồi ấy khai hoang phá rừng làm khu kinh tế mới, cây to, cây nhỏ hạ tất tật mà tại sao cây gạo này bỏ sót nhỉ?”. “Tôi đến nhận nhà đã thấy cây ấy ở chỗ đó rồi. Cũng thắc mắc như anh, hỏi những người đến trước, họ đều bảo: Hình như có sự tâm linh gì đó. Điều tay cưa nào đến hạ cây này cũng đều mặt mày xanh xám bỏ cuộc.
Sau lãnh đạo đội cũng tặc lưỡi: Để đấy mỗi mùa nở hoa cho đẹp cảnh quan. Căn nhà và miếng thổ cư mặt tiền đầu xã, ai cũng tranh phần. Ở vài ngày rồi đều xin đổi nhà khác. Hỏi lý do, họ đều lắc đầu im lặng. Nhà tôi đến sau cùng, yên ổn ở từ năm ấy đến giờ.
Có điều này, nói bộ đội đừng bắt lỗi tôi tuyên truyền mê tín. Đúng là tôi đã mấy lần tìm thợ sơn tràng về hạ cây gạo kia, nhưng đều không nỡ. Bởi vì mỗi năm có đến vài chục lần tôi nằm mơ thấy một anh bộ đội trẻ lắm đi từ gốc cây gạo góc vườn vào nhà rủ tôi đi nhậu.
Bữa nhậu nào cũng đông vui lắm, chả kể Quân giải phóng, chả kể Quân lực cộng hoà, hết thảy cứ ôm nhau nhảy múa và ca hát hết nhạc vàng lại nhạc đỏ. Sáng mai hơi thở tôi vẫn nồng mùi rượu. Mà lạ lắm anh ạ, đi với anh ấy tôi lại là thằng lính đầy đủ hai chân, tung tăng thích lắm. hễ lâu không gặp anh ấy, tôi lại buồn nhớ đến ngơ ngẩn cả người”.
Đến lúc này tôi mới nói thật: “Có thể anh bộ đội ấy là chú tôi đấy. Chính cái chỗ bời bời cỏ rối kia, chúng tôi đã chôn cất chú tôi hơn mười năm trước. Dưới đất còn tảng đá ong chúng tôi làm dấu đấy. Cám ơn anh đã giữ gìn nguyên vẹn để tôi còn cơ hội quy tập chú tôi về quê nhà”. Nghe vậy, Tư Đoàng suýt ngã chỏng, trợn mắt, há mồm lặp đi lặp lại: “Linh thật, Linh thật. Lâu nay anh em ở cùng nhau mà không biết để tư rằm thắp cho anh tuần nhang. Tội quá!”.
Tôi cùng anh Đoàng làm sạch đám cỏ góc vườn. Đầu tảng đá ong nhô lên khỏi mặt đất chừng mươi phân. Chứng tỏ từ đêm ấy đến nay, mộ phần chú Tung vẫn còn nguyên vẹn. Tôi đốt hết nắm nhang và sắp đồ lễ mang theo từ quê nhà bày lên đầu nấm đất. Khuỵu gối xuống mặt đất, tôi cúi đầu vòng tay vái chú ba lần, để mặc hai hàng nước mắt rỏ xuống nấm mồ chú vừa được giẫy sạch cỏ gai.
Anh phế binh Tư Đoàng ngồi bệt cạnh tôi cũng khom lưng giàn giụa nước mắt thốt lên mấy lời: “Kính xin vong linh anh giải phóng tha lỗi vì lâu nay vẫn ở cùng anh mà không được một nén nhang dâng cúng”. Tôi an ủi anh: “Không biết thì không có lỗi. Anh linh các vong hồn bao dung, sáng suốt hơn bọn người trần mắt thịt chúng ta, anh ạ!”.
Bó nhang trên mồ chú Tung bốc cháy đùng đùng. Trưa tháng Ba im lặng thanh bình, những bông hoa gạo đỏ tươi lặng lẽ rụng đầy mặt đất. Dường như hoa gạo năm nay tươi tắn khác thường, không váng vất u buồn như những mùa hoa thời đất nước còn mịt mù khói lửa.
V.T.K