BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những mùa khoai hạ…

Cập nhật ngày: 25/03/2020 - 08:18

BTN - Nhà tôi có miếng đất ven sông. Miếng đất nhỏ, đã xéo xẹo hình tam giác lại còn nằm nghiêng không giữ được màu và nước. Vậy nên đất khá cỗi cằn, nắng lên còn khô rông rốc. Đất ấy mẹ chuyên dành trồng khoai hạ.

Thật tình trong các loại khoai, tôi ghét nhất là khoai hạ. Củ non nhạt phèo ăn rất chán. Củ già thì lại nhiều xơ. Đã vậy nấu còn lâu chín, rất tốn củi đun. Nhà trồng khoai, sắn, bắp… lũ nhỏ thèm ăn có thể đem vô bếp nướng hoặc lùi (vùi tro nóng); riêng khoai hạ thì không! Có lùi/nướng cho tới lúc vỏ ngoài cháy đen, trong ruột củ vẫn cứ sống nhăn không cách nào chín tới. Vậy nên trồng khoai hạ ít lo bị nhổ trộm. “Đạo tặc” trộm sắn khoai chủ yếu là trẻ chăn bò, trộm để nướng ăn ngay. Nướng không ăn được thì trộm làm gì?

Khoai hạ trồng bằng củ. Lâu thu hoạch lắm. Tháng 4 năm này trồng thì tới tận tháng 2 năm sau mới nhổ. Hiệu quả kinh tế không cao nhưng được cái dễ trồng. Cây chịu được điều kiện sống khắc nghiệt nên những miếng đất khô hạn, cằn cỗi người ta dành trồng khoai hạ.

Còn nữa, trồng khoai hạ hầu như không tốn công chăm sóc. Xuống giống một lần, chờ mưa giông đầu hạ giúp mọc mầm lên, xong, cây cứ “uống nắng ăn sương” mà lớn, mà chắt chiu tích tụ dưỡng chất trong lòng đất cỗi cằn âm thầm nuôi đám củ (thực chất là “thân thật” của cây khoai. Thân lộ thiên trên đất chỉ là “thân giả”) lúc nhúc thuôn dài.

Trồng khoai hạ chỉ cần nhớ tháng trồng; lâu lâu thăm qua một lần, dọn cỏ sơ (nếu có) xong chờ đủ tháng là đào, lặt củ gánh về. Mùa thu hoạch, nếu người trồng không có điều kiện chế biến thì có thể mang bán khoai tươi. Vậy nhưng mẹ tôi thường đem mài bột để vừa bán được giá hơn vừa có bột dành cho giỗ, tết.

Củ bị “chê”, nhưng món bột khoai hạ (còn gọi bột huỳnh tinh) lại là “của quý”. Bột khoai được mẹ đem bán một phần, phần còn lại để dành làm bánh trong các dịp giỗ chạp, tết nhất. Ấy là thứ “bột gốc” - tức bột khoai già loại 1 - nhuyễn bâng, màu trắng tinh rất đẹp.

Phần “bột ngọn” - tức bột khoai non, hẩm màu và còn lộn chút ít xơ - mẹ sẽ cho vô thạp, dành làm món quà quê cho lũ nhỏ háu ăn. Lưng lửng xế những ngày hè nóng oi, mẹ “lên mâm” đãi cả nhà món bột khoai khuấy đường.

Đôi khi đổi món bằng bột khoai (mặn) khuấy nước cá kho. Món này anh Năm tôi rất khoái. Mẹ không cho anh cũng rình xúc bột gắp cá kho nổi lửa khuấy vụng; bị cho ăn roi mấy lần cũng không chừa. Riêng tôi lại ưa món bột khoai nêm muối khuấy kiểu “trứng cá” (tức kiểu khuấy vừa chế thẳng nước sôi vào tô bột khô vừa dùng đũa khuấy. Bột sẽ chín với hình dạng những viên “trứng cá” đùng đục lẫn lộn.

Đó chính là những mẩu bột sống chưa kịp tiếp xúc cùng nước sôi đã bị lớp bột ngoài chín nở ra, bao kín). Kiểu khuấy “trứng cá” này ăn có vị lạ, rất hấp dẫn; và cũng chỉ duy nhất bột khoai hạ mới làm được. Đơn giản vì bột khoai hạ - ngoài chuyện mát, lành, bổ - còn có khả năng ăn sống mà không gây đau bụng. Các thứ bột khác thì không…

Viết đến đây mới sực nhớ ra: hình như lâu lắm rồi tôi chưa có dịp nếm lại một tô bột khoai “trứng cá”. Khoai hạ giờ không mấy ai trồng nữa. Dân số tăng nhanh, đất đai ngày càng quý giá, có thừa chỗ đâu đem trồng một loại cây đã thành quá khứ do “tội” mang lợi nhuận không nhiều…

Y Nguyên