Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những mùa nước nổi đong đầy kỷ niệm
Thứ bảy: 07:03 ngày 28/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có những miền quê, mùa này mênh mông nước. Ở đó, không chỉ có những kỷ niệm đong đầy đối với những người sở tại, mà còn cả với những người ngụ cư, gắn bó như máu thịt - như là quê hương thứ hai.

Người dân kiếm sống trên đồng mùa nước nổi.

Những ký ức không quên

Một ngày cuối tháng 10, nhiều nơi ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng nước dâng trắng đồng. Nhìn khung cảnh ấy, thầy giáo Nguyễn Long Hải, giáo viên Trường tiểu học Hoà Bình (điểm Phước Hội) bồi hồi chia sẻ kỷ niệm. Mùa tựu trường năm 1989, thầy Hải về nhận nhiệm vụ tại trường, lúc ấy là Trường phổ thông cơ sở cấp I Lê Đình Chinh.

Đi qua năm tháng, vài lần đổi tên, hiện giờ là Trường tiểu học Hoà Bình (điểm Phước Hội). Lúc mới về trường, tuổi trẻ rất hăng hái, dù biết sẽ có những khó khăn. “Tôi không thấy ngại do mình trẻ, nhiệt huyết và nhất là nơi đó thiếu giáo viên, người ta đang cần mình nên đến thôi. Và quả thật, tại nơi công tác mới tôi được Ban giám hiệu hỗ trợ rất nhiệt tình, phụ huynh học sinh cũng ủng hộ nên vui lắm”.

Qua 3 thập kỷ, ký ức những ngày mới về trường vẫn mới nguyên. Sinh ra và lớn lên ở đất An Hoà vốn không có nhiều kênh rạch, hiếm khi thấy cảnh nước ngập tràn đồng khi mùa mưa đến. Những ngày đầu về trường, men theo bờ ruộng để đến trường hơi khó đi nhưng không bị ngập nước.

Đến đầu tháng 10 (khoảng cuối tháng 8 âm lịch), nước lụt tràn về, thầy ngỡ ngàng khi thấy trắng xoá một vùng, đường đến trường có chỗ ngập đến đầu gối. Trường nổi lên như một hòn đảo nhỏ giữa biển nước bao la. “Lúc đó, không thể đi bộ được. Mỗi buổi học hay tan trường sẽ có học trò, phụ huynh sang rước bằng ghe”- thầy Hải nhớ lại.

Được vài hôm, cứ chiều về là thầy giáo trẻ lại nhờ học trò “dạy” cách bơi xuồng, chèo ghe: “Xuồng cứ quay vòng vòng, vài lần té nhào xuống nước, học trò phải vớt lên. Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, không chèo trong rạch thì ra ruộng cho an toàn. Rồi cũng thành thạo, trở thành dân miền sông nước từ đó”.

Rau mùa nước nổi.

Nhớ về quãng thời gian đó, thầy Hải luôn dành tình cảm đặc biệt nhất: “Vật chất tuy không lớn lao gì nhưng đậm đà tình nghĩa. Nó đong đầy trong con cá, mớ rau, quả trứng mà người dân gửi tặng. Tôi luôn thấy hạnh phúc, yêu đời, bằng lòng với những điều giản dị đó”. Năm 1994, thầy Hải cưới vợ và quyết định gắn bó với vùng đất mới này.

Sinh ra và lớn lên tại ấp Bông Trang, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, chị Nguyễn Thị Phi Yến cũng trải qua mấy mươi mùa “nước về”. Nhà chị gần rạch Bàu Nâu thông ra sông Vàm Cỏ, có năm nước ngập tràn vào nhà phải lội bì bõm. Gần 10 năm nay, gia đình chị xây nhà với nền đất cao nên không còn vất vả cơi nới nơi cất đồ khi mùa nước nổi. Chị Yến vẫn nhớ, trước đây, khi mùa nước nổi, nhiều nhà ven sông phải lục tục di dời lên vùng cao hơn theo vận động của chính quyền cho qua mùa nước nổi.

Theo chị Yến, mỗi năm lối tháng 9, tháng 10, theo sau những cơn mưa lớn, nước tràn về, cứ thế kéo dài đến khoảng tháng 11, 12 thì rút. Mỗi năm, người dân quê chị có khoảng 3 tháng sống trong cảnh nước nổi. Khi đó, những đứa trẻ đến trường với nhiều tâm trạng khác nhau. Đứa vui mừng tung tăng lội nước; đứa lại lo lắng sợ trượt ngã ướt đồ hay sách vở. Thời điểm đó, nước lên, học trò quê chị đi học vất vả hơn, thường gửi xe nhà đầu xóm rồi lội qua đoạn đường hàng trăm mét để về nhà.

Thầy Hải hạnh phúc với công việc của mình.

Mùa nước nổi, ruộng vườn trắng xoá, đồng áng không thể làm, người dân quê chuyển sang giăng câu, lưới cá trên ruộng, sông hay ngay trong vườn nhà mình hoặc đi hái rau đồng để bán. Ở quê, mùa nước không lo thiếu thức ăn, cá đồng, rau sông phong phú lắm. Trong ký ức, chị Yến vẫn nhớ như in những ngày cha chị bơi xuồng đi lưới cá. Cá đồng đầy ắp không ăn hết phải phơi khô hay đem bán trong xóm. Hình ảnh những con cá sông tươi rói được gói lá chuối thành từng phần nhỏ để bán luôn gắn với một phần ký ức của chị trong mùa nước nổi.

Tình cảm đong đầy

Theo chị Yến, những năm gần đây, nước không còn ngập nhiều nữa, hầu hết nhà trong xóm cũng đã nâng nền nên không còn cảnh nước tràn vào nhà như trước. Năm nay nước lên, gia đình chị đã giăng lưới rào lại ao cá, người dân vẫn mưu sinh từ sản vật ruộng đồng. 

Mỗi mùa nước về, chị Yến lại nhớ tình cảm của người dân quê mình san sẻ với nhau thức ăn, nước uống trong những ngày ngập lụt.

Thầy Hải cho biết, hiện nay đường đến điểm trường Phước Hội có đoạn đã trải nhựa, có đoạn đổ bê tông, không còn ngập nước như xưa. Những cây cầu bắc ngang các con kênh, rạch đều là cầu bê tông cốt thép, giáo viên, học sinh và người dân địa phương đi lại dễ dàng, thuận tiện.

Nhưng với thầy, mỗi năm, đến mùa nước lên, lòng lại lâng lâng những kỷ niệm. “Tôi vẫn nhớ những ngày thầy trò chèo xuồng đến trường, hay lần thầy trò trượt té tại sân trường. Không sợ dơ bẩn quần áo mà thầy thì lo ướt giáo án, còn trò thì sợ ướt sách vở.

Thương học trò những năm ấy đi tìm cái chữ rất gian nan. Bây giờ, mọi thứ đều thuận lợi rất nhiều. Tôi vui vì thấy quê hương ngày càng đổi mới. Nghĩ về nghề, thấy mình phải có trách nhiệm hơn, cố gắng hơn nữa để góp phần vào sự phát triển của ngôi trường mến yêu”.

Thời gian trôi đi, cảnh khó khăn cũng lùi xa, mùa nước lên ở nhiều vùng quê vẫn ngập trắng đồng, nhưng đã không còn những âu lo.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục