Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những mùa tựu trường
Chủ nhật: 14:28 ngày 08/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi trải qua 4 mùa tựu trường ở Tân Thành với biết bao kỷ niệm. Ngoài thầy Nam còn có thầy Nguyễn Minh Thành cũng là một người hết lòng vì học trò. Thầy Thành là bậc đàn anh của tôi, ra trường trước tôi 6 khoá, nhưng vì nhiều lý do phải công tác ở bậc tiểu học hết mười mấy năm trời, rồi mới chuyển lên THCS.

Trường THCS Suối Dây. Ảnh: Triệu Hoàng Duy

Năm 1998, tốt nghiệp Sư phạm, tôi về nhận nhiệm sở tại huyện Tân Châu và chính thức giảng dạy tại Trường THCS Thạnh Đông, mới được thành lập. Trước đây, trường là cấp I-II, sau là cấp II-III và hiện nay chỉ dạy duy nhất bậc THPT, còn cấp THCS chuyển về trường Thạnh Đông  mới tại trung tâm xã. Lúc mới thành lập, trường chỉ có năm phòng, một làm văn phòng, bốn phòng còn lại dành cho học sinh. Sân trường nắng chang chang, toàn là gốc cây, vì nơi này vốn là vườn điều của một hộ dân hiến đất cho xã để xây trường học.

Lúc ấy, tôi chủ nhiệm lớp 8. Không kể nam hay nữ, trời mưa hay nắng, ngày nào cũng vào dọn dẹp sân trường. Thầy trò chúng tôi dùng cuốc, xà beng, búa đẽo… đào bứng từng gốc cây, san đất cho bằng phẳng. Cả tháng trời mới xong. Sau đó, chúng tôi căng dây đào lỗ trồng cây xà cừ tạo bóng mát. Công sức của thầy trò khoá đầu tiên chúng tôi bỏ ra không phải là ít…

Tôi còn nhớ, các em Thân Trọng Gái, Võ Ngọc Ngoan, Lê Hoàng Ninh… làm rất tích cực. Thầy trò, vui vẻ hồn nhiên, làm là làm thôi, không cần ai khen thưởng… Lứa học trò ngày ấy nay đã có con cái học lớp 8, lớp 9 cả rồi. Nhiều em học hành thành đạt, và cũng có em không có điều kiện học tiếp, sớm lao vào cuộc mưu sinh… Nhưng, hầu hết vẫn nhớ về thầy cũ trường xưa. Giờ, mỗi lần đi ngang Thạnh Đông, tôi luôn nhớ về những tháng ngày cũ, nhớ bao lứa học trò của tôi…

Năm 2003, tôi chia tay Thạnh Đông vào Trường THCS Suối Dây nhận nhiệm vụ mới. Thật may mắn, hiệu trưởng là thầy Kiều Tấn Luông luôn giúp đỡ và tạo điều kiện cho giáo viên mới đến rất nhiều. Bên cạnh đó, các thầy cô nơi đây cũng là những người rất thân thiện, tôi mau chóng thích nghi và hoà nhập vào môi trường mới…

Tôi nhớ năm ấy, tôi vừa giảng dạy vừa làm chủ nhiệm lớp 9. Học sinh vùng sâu thường lớn tuổi hơn quy định, nhưng hầu hết đều rất ngoan. Xã có 8 ấp, trải trên diện tích 114,1km2 , trong đó có ấp Chăm. Những năm đó chưa có Trường dân tộc nội trú, phần lớn học sinh người Chăm đều học tại trường Suối Dây. Học sinh người dân tộc Chăm luôn vâng lời thầy cô, học hành đàng hoàng nhưng hay rụt rè, không được mạnh dạn, thậm chí có em thụ động…

Trăn trở nhiều lắm, tìm đủ mọi cách để giúp các em hoà nhập, cuối cùng tôi nghĩ, chỉ có gần gũi với bà con dân tộc Chăm mới hiểu được học trò của mình. Thế là, tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu văn hoá phong tục cũng như điều kiện sống của bà con người Chăm. Tôi thường xuyên vào ấp, đến nhà từng em. Nhờ sư cả Chàm Sệt và thầy giáo dạy chữ Chăm Chàm To Hiết giúp đỡ… tôi ngày càng hiểu các em nhiều hơn. Sau này thầy trò gần gũi, gắn bó. Lứa ấy về sau nhiều em thành đạt.

Những năm tháng về Suối Dây thật là hạnh phúc. Tôi vừa đi dạy, vừa tiếp tục nghiên cứu, cũng như thâm nhập đời sống thực tế của bà con để tăng vốn sống… Nhưng sau 3 năm ở đây, tôi lại có quyết định điều động về công tác tại Trường THCS Đồng Rùm.

Đồng Rùm vốn là tên của một ấp thuộc xã Tân Thành. Trước đây, trường được xây dựng sát khu rừng lịch sử và lấy tên căn cứ làm tên trường luôn. Sau này, trường chuyển về trung tâm xã như hiện nay.

Nếu so với Suối Dây thì Đồng Rùm thuở ấy khó khăn hơn nhiều lắm. Con đường vào xã chưa trải nhựa, còn là đất đỏ đầy lổ hang, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù. Đời sống của bà con ở đây còn vất vả trăm bề, nhiều em chưa học xong lớp 9 đã bỏ dở giữa chừng để đi làm phụ giúp gia đình. Nhà nào cho con cái theo học hết cấp hai là mừng. Nếu nhìn trên bản đồ, Tân Thành không khác gì một bán đảo, xung quanh bao bọc bởi các con suối lớn và bờ hồ, chỉ có con đường độc đạo ra Suối Dây là duy nhất.

Giao thông không thuận tiện, canh tác nhỏ lẻ. Lúc ấy cao su, mì chưa lên ngôi, đời sống người dân chật vật… Tuy là vậy, trong 4 năm tôi giảng dạy ở đây, có rất nhiều học sinh là tấm gương vượt khó, học giỏi ngoài sức tưởng tượng. Những năm ấy, trường THCS Đồng Rùm đào tạo cho huyện khá nhiều em giỏi văn hoá và cả các bộ môn thể dục thể thao.

Tôi còn nhớ đường vào ấp Tân Hoà, qua ấp Tân Hiệp vừa sình lầy vừa ngập nước rất dễ sợ. Vậy mà học trò trong đó vẫn đi học rất đều, mà còn học rất giỏi nữa. Nói đến khu vực này, lại nhớ thầy Hoàng Duy Nam - vừa dạy Toán, vừa dạy Tin học. Nam có một học sinh tên là Lê Minh Phong, nhà rất nghèo, ở giữa một khu rẫy hoang vắng, nhưng chị em Phong đều học cực kỳ giỏi. Thầy Nam ra sức giúp đỡ Phong cho đến ngày em ra trường và thành tài. Tấm lòng của một thầy giáo trẻ như thế đáng quý lắm!

Tôi trải qua 4 mùa tựu trường ở Tân Thành với biết bao kỷ niệm. Ngoài thầy Nam còn có thầy Nguyễn Minh Thành cũng là một người hết lòng vì học trò. Thầy Thành là bậc đàn anh của tôi, ra trường trước tôi 6 khoá, nhưng vì nhiều lý do phải công tác ở bậc tiểu học hết mười mấy năm trời, rồi mới chuyển lên THCS.

Sau 4 năm gắn bó, tôi tạm biệt Đồng Rùm để về trường cũ Suối Dây. Đó là năm 2010, Suối Dây bắt đầu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường cũ đập bỏ dần để lấy mặt bằng xây dựng cơ sở mới. Mấy mùa tựu trường liên tiếp thầy trò chúng tôi phải chịu không biết là bao nhiêu vất vả. Không đủ phòng học, phải qua mượn 2 phòng của Trường tiểu học Suối Dây A và 2 phòng trong ấp Chăm để giảng dạy. Thầy trò cùng nhau vượt khó cho đến ngày trường mới hoàn thành.

Mới đó tôi đã bước qua 21 mùa tựu trường, vui có, khổ có, bao lứa học sinh mới và bao lứa học sinh đã ra đi, dấu ấn của thời gian dường như in rất sâu vào tâm khảm. Thạnh Đông ọp ẹp ngày nào giờ đã là xã nông thôn mới, trường xưa đã là trường chuẩn quốc gia. Xứ Tân Thành đã thay da đổi thịt, học sinh có điều kiện học hơn trước rất nhiều. Xã Suối Dây đang từng bước phát triển mạnh, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm hơn đến công tác giáo dục.

Mùa tựu trường đón chào năm học mới cũng là mùa trở về của bao kỷ niệm xưa.

Đ.T.S

Tin cùng chuyên mục