Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 - 7.1.2024):

Những năm tháng hào hùng 

Cập nhật ngày: 08/01/2024 - 09:03

BTN - Trong 3 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang - Bộ đội Biên phòng Tây Ninh luôn giữ vững, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường, chiến đấu hơn 385 trận, tiêu diệt 1.285 tên địch...

Đồn BP Phước Tân đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31.10.1978

Ở Xa Mát, cách đồn biên phòng cửa khẩu không xa, hàng chục năm qua, dưới tấm bia “Tổ quốc ghi công” đặt cạnh gốc đa lớn, tàn phủ rộng, nắng xen qua kẽ lá, lúc nào cũng có khói hương trầm mặc, tưởng nhớ những chiến sĩ Công an vũ trang năm xưa - tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

 

Ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam - “đội quân nhà Phật” giải phóng Phnom Penh, đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary. Nhưng ở Xa Mát, đến tháng 6.1980 vẫn còn chiến sĩ Biên phòng hy sinh vì bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến.

Lịch sử Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ghi: “Ngày 27.1.1973, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập hai Đồn Biên phòng Xa Mát và Lò Gò… thực hiện chức trách và thể hiện chủ quyền biên giới quốc gia với Campuchia, đồng thời duy trì ranh giới kiểm soát của chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam với Mỹ và chính quyền Sài Gòn theo Hiệp định Paris với nhiệm vụ: Bảo vệ vòng ngoài khu căn cứ (thực tế là bảo vệ ngay sát cửa ngõ căn cứ Trung ương Cục và Mặt trận Giải phóng); Kiểm soát cửa khẩu và bảo vệ biên giới; Bảo vệ, giúp đỡ chính quyền cách mạng và nhân dân vùng giải phóng; Thay mặt cho lực lượng vũ trang ra hoạt động công khai, trực diện với địch và tiếp xúc với khách quốc tế; Bảo vệ chốt kiểm soát và giám sát quốc tế…”.

Theo ông Bùi Hửng- nguyên Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Xa Mát ngày mới thành lập, ngoài những nhiệm vụ trên, cán bộ chiến sĩ của Đồn còn có một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trường học, trạm xá… cho xã mới Tân Lập để ổn định người dân vùng giải phóng và bà con Việt kiều Campuchia hồi hương.

Tiếng là đồn, nhưng Xa Mát hay Lò Gò cũng chỉ là những mái nhà tranh, vách ván, hệ thống công sự, chiến hào không mấy kiên cố. Ngay từ những năm 1974, lực lượng Khmer Đỏ ở Campuchia đã bắt đầu manh nha ý đồ giảo quyệt, phản bạn.

Ông Bùi Hửng nhớ lại, chỉ riêng năm này, Khmer Đỏ đã hai lần gây sức ép đòi ta phải “dẹp” đồn, trong đó có lần chúng đưa cả 2 xe quân sự chở đầy binh lính, súng ống. Các đồng chí chỉ huy đồn một mặt ra lệnh cho cán bộ chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu, một mặt cùng với anh em giỏi tiếng Campuchia ra “đấu lý”, buộc chúng phải rút lui.

Hoạt động trong bối cảnh rất phức tạp và mới mẻ, nhưng cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang ở 2 Đồn Biên phòng Xa Mát và Lò Gò vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tự lực xây dựng doanh trại; phối hợp với các lực lượng khác và nhân dân địa phương bảo vệ an toàn khu căn cứ, giữ vững an ninh trật tự trong địa bàn, phá một số vụ án, bắt gọn nhiều toán cướp vũ trang; triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới có hiệu quả và xử lý đúng đắn các vụ việc xảy ra ở biên giới.

Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ hai đồn còn tham gia chiến đấu diệt ác, phá kềm, mở rộng vùng giải phóng, trong đó có trận giải phóng khu căn cứ quân sự của nguỵ ở Mỏ Công. Có thể nói, đây là những đơn vị Biên phòng xuất hiện đầu tiên ở miền Nam và là tiền thân của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày nay.

Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày 20.5.1975, tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban An ninh vũ trang Tây Ninh, đồng chí Tô Lâm (Anh hùng LLVTND, Đại tá Tô Quyền) - Tỉnh uỷ viên, Phó Ban An ninh tỉnh nhấn mạnh, Tỉnh uỷ Tây Ninh rất quan tâm đến việc bảo vệ vùng biên giới của đất nước trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng Căn cứ Trung ương Cục, Bắc Tây Ninh, giáp với Campuchia.

Đồng chí còn cảnh báo, bọn phản động Pol Pot âm mưu phá hoại an ninh biên giới, phá hoại sự đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Cũng tại hội nghị này, Tiểu ban An ninh vũ trang Tây Ninh thống nhất triển khai thêm 4 đồn biên phòng Mộc Bài, Phước Tân, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum.

Đến ngày 25.5.1975, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghe báo cáo của Tây Ninh, Tiểu ban An ninh vũ trang miền Nam và đại diện Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang chỉ đạo cụ thể về công tác nắm tình hình, chủ động tấn công truy quét tàn quân, đối phó với kế hoạch hậu chiến của địch. Quyết tâm bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu phụ trách; đồng thời chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh.

Về công tác bảo vệ biên giới, tuy chưa có chủ trương thống nhất nhưng phải nghiên cứu, bố trí lực lượng thích hợp và không để một tấc đất biên giới bị mất. Cấp trên nhất trí với kiến nghị của tỉnh về sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ 2 đồn Lò Gò, Xa Mát. Trên cơ sở thống nhất giữa tỉnh với Trung ương, ngày 25.5.1975 được xem như ngày chính thức công nhận lực lượng Biên phòng của tỉnh Tây Ninh.

Và đến tháng 10.1976, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang chính thức bổ nhiệm Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh. Sau đó, chỉ trong hai năm 1976-1977, Tây Ninh tiếp tục triển khai thêm 5 đồn biên phòng gồm: Tống Lê Chân, Chàng Riệc, Tân Phú, Long Phước và Phước Chỉ.

Ông Nguyễn Hoàng Sa- nguyên Chính uỷ Công an vũ trang Tây Ninh nhớ lại: “Sau nhiều đợt được Bộ Tư lệnh Công an vũ trang Trung ương tăng cường nhân sự, đến cuối năm 1975, đơn vị có hơn 300 cán bộ - chiến sĩ. Tình hình lúc này rất khó khăn, anh em cũ thì ít người có kinh nghiệm hoạt động biên giới, số anh em từ Bắc mới vào lại không thông thuộc địa hình.

Hầu hết các đồn đều được xây dựng ở những khu vực xung quanh toàn rừng hoặc trảng cỏ, xa khu dân cư, và cũng chỉ là nhà tranh, vách lá. Mặt khác, lúc này ở cấp tỉnh, ta và chính quyền Khmer Đỏ giáp biên chưa có quan hệ ngoại giao. Điều quan trọng nhất là vẫn chưa xác định được đó là bạn hay thù”.

Từ ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất, hoà bình. Thế nhưng ở vùng biên giới Tây Ninh, gần như chưa lúc nào yên tiếng súng ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”, nơi những đồn biên phòng vừa được xây dựng, lực lượng còn tương đối mỏng.

Trong khi đó các tổ chức phản động trong nội địa móc nối với bọn phản động ở ngoại biên chuẩn bị cơ sở hoạt động lâu dài. Tàn quân nguỵ Sài Gòn, tàn quân Lon Nol và bọn phản động tại chỗ câu kết với nhau phá hoại, kích động, gây mất đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Khmer Đỏ thường xuyên xâm nhập vào đất ta cướp trâu bò, giành lấn đất, dọ thám tình hình bố phòng… tập trung ở các địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu, Phước Tân, Mộc Bài.

Thậm chí có lúc liên tục xảy ra các vụ nổ súng quấy rối, buộc ta phải đánh trả. Ngoài ra, chúng còn nhiều lần bắn đạn cối, gài mìn, cắm chông, giết hại người Việt Nam trên các tuyến biên giới. Tháng 7.1975, tại khu vực Tà Nông, Đồn Biên phòng Phước Tân, Đại đội 1 cơ động Công an vũ trang Tây Ninh cùng với các lực lượng khác chiến đấu ngoan cường đẩy lùi quân Khmer Đỏ xâm nhập biên giới. Trong trận này, 2 chiến sĩ của đơn vị là Hà Quốc Cường và Nguyễn Văn Năm đã anh dũng hy sinh.

Các cựu chiến binh Công an vũ trang năm xưa, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày nay, từng tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Ninh của Tổ quốc đều không thể nào quên những ngày “chết chóc” cuối năm 1977, đầu năm 1978. Dù ta đã biết trước âm mưu của Khmer Đỏ, và trên toàn tuyến biên giới, lực lượng Công an vũ trang cùng các đồn, trạm Biên phòng khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, nhưng chúng đã huy động một lực lượng quân sự quy mô lớn hàng sư đoàn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công các Đồn Biên phòng Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú và Long Phước vào đêm 24, rạng 25.9.1977.

 “Chiến địa” ác liệt nhất là ở khu vực Đồn Biên phòng Xa Mát. Lúc 0 giờ 30 ngày 25.9, khi nghe tiếng súng nổ dồn dập ở các ấp Bảy Bàu, Tân Khai, Tân Thanh và Tân Chánh, Đồn trưởng Hoàng Văn Út ra lệnh báo động toàn đơn vị vào vị trí chiến đấu. Cũng kể từ giây phút đó, với 39 cán bộ - chiến sĩ, ròng rã 5 ngày đêm đã đẩy lui 22 lần tấn công của hơn 2 tiểu đoàn địch, ngăn không cho địch tiến quân theo trục lộ 22, diệt 114 tên địch, thu 22 súng các loại.

Đến 6 giờ sáng ngày 29.9, Trung đoàn 1 của Sư đoàn 9, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 4 thuộc Sư đoàn 5 cùng Trung đoàn 201 đồng loạt tiến công địch, giải toả tuyến trục lộ 22, đồn mới được bổ sung đạn dược, thực phẩm tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của địch. Phải đến ngày 5.10, các đơn vị vũ trang mới đẩy địch ra khỏi khu vực Xa Mát, Bảy Bàu, Đập Đá, đồn mới được giải toả hoàn toàn.

Sau ngày 25.9, không đầy một tháng, quân Khmer Đỏ điên cuồng tấn công tất cả các đơn vị trên toàn tuyến biên giới và sâu vào nội địa, chúng dùng pháo lớn bắn phá khu vực Thị xã và huyện Hoà Thành. Đêm 16, rạng ngày 17.11, địch huy động 2 trung đoàn của Sư đoàn 221 đánh vào Đồn Phước Tân. Trong suốt 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ của Đồn bền bỉ chiến đấu ác liệt trong hầm hào, công sự ngập nước, số hy sinh, bị thương lên tới 50% quân số.

Đồng chí Lê Hải Quỳnh một mình bắn 82 quả đạn ĐK82 trong 5 ngày, đồng chí Phùng Bá Sinh kiên cường đặt súng đại liên lên nóc hầm kèo, ghìm đầu địch xuống mỗi khi chúng tấn công, khi đồng chí bị thương một tay, tay còn lại vẫn ném lựu đạn tiêu diệt địch…

“Sau 3 ngày đêm đầu tiên, Đồn Phước Tân bị bao vây, tấn công, Đại đội Cơ động C1 mới vào được đến đồn, lúc này mới đưa được 16 cán bộ chiến sĩ hy sinh về tuyến sau”, ông Nguyễn Hoàng Sa- nguyên Chính uỷ Công an vũ trang Tây Ninh kể lại. Trong suốt 7 ngày đêm chiến đấu cho đến khi được giải phóng, đồn đã đẩy lùi được 38 đợt tiến công của địch, tiêu diệt 264 tên địch.

Với tinh thần quyết tử, các Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Mộc Bài, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum, Tống Lê Chân cũng kiên cường đánh trả quân Khmer Đỏ. Riêng đồn Lò Gò “gánh chịu” hơn 3.000 quả pháo cối các loại của địch nhưng vẫn không rời bỏ vị trí, chốt giữ trận địa, có lúc cán bộ chiến sĩ phải ăn gạo sống, uống nước mưa để chiến đấu, ghìm chân địch không cho chúng vượt qua bờ sông biên giới vào đất ta.

Đây cũng là đơn vị có Chi đoàn Thanh niên đầu tiên của tỉnh, cùng với Tổng đội Thanh niên xung phong Tây Ninh, đơn vị phục vụ chiến đấu trên chiến trường biên giới, được Trung ương Đoàn tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Ông Lê Nga- nguyên Chỉ huy phó Công an vũ trang Tây Ninh cho biết: “Khi được Sư đoàn 320 chi viện, giải toả, trên mặt đất quanh đồn, cây cỏ cháy hết”. Đơn vị có 1 ha mít, sau nhiều đợt pháo kích của địch, chỉ còn trơ lại vài gốc cây.

Ngày 31.10.1978, cán bộ chiến sĩ hai Đồn Biên phòng Xa Mát và Phước Tân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong 3 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang - Bộ đội Biên phòng Tây Ninh luôn giữ vững, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường, chiến đấu hơn 385 trận, tiêu diệt 1.285 tên địch, bắt và gọi hàng hàng trăm đối tượng, phá huỷ 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Cũng trong cuộc chiến này, đã có 125 đồng chí anh dũng hy sinh, 238 đồng chí khác để lại một phần thân thể vì sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đặng Hoàng Thái