Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - QUỐC KHÁNH 2.9 (1945-2022)
Những ngày đầu độc lập ở Tây Ninh và trận thắng đầu tiên trong kháng chiến cứu nước
Thứ sáu: 00:06 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Uỷ ban nhân dân các cấp phải kịp thời ban hành các quyền tự do, dân chủ và áp dụng các biện pháp nhằm ổn định tình hình, củng cố bộ máy chính quyền, bảo đảm trật tự an ninh cho nhân dân; Củng cố và phát triển tổ chức Mặt trận Việt Minh các cấp, xây dựng cơ sở quần chúng, mở lớp huấn luyện cho các đoàn thể cứu quốc…

Trong tự điển danh ngôn tự cổ chí kim trên khắp thế giới, nói về chiến tranh và hoà bình, chúng ta có thể tìm thấy những câu đầy tính triết lý, được kiểm nghiệm trong thực tiễn và rất đúng với bối cảnh chính trị - xã hội nước Việt Nam nói chung, vùng Nam bộ và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong những ngày đầu độc lập, từ 2.9.1945 cho đến ngày nay.

Đó là những câu: “Chúng ta đã chấp nhận tất cả mạo hiểm đối với chiến tranh. Không phải đã đến lúc chúng ta nên chấp nhận mạo hiểm để giữ lấy hoà bình sao?” (Ramsay MacDonald, Thủ tướng Anh trước thế chiến thứ hai), hay: “Sự bảo đảm hoà bình bền vững nhất là chuẩn bị trong thời bình khả năng tự vệ trước chiến tranh” (John Quincy Adams, Tổng thống thứ sáu của Hoa Kỳ).

Sau cuộc lễ ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc, chỉ trong vòng ba tuần lễ, thực dân Pháp đã nổ súng vào trụ sở của cơ quan hành chính của Nhà nước Việt Nam mới ở Sài Gòn, thủ phủ của miền Nam. Trong trận chiến đầu tiên bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được, Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ đã áp dụng chiến thuật “trong đánh, ngoài vây” để cô lập, tiêu diệt giặc trong nội thành, không cho chúng nống ra ngoại thành và các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.

Chiến thuật này đã kìm chân được giặc Pháp hơn một tháng, cho đến khi tướng Leclerce đưa viện binh từ châu Âu, châu Phi sang, chúng mới phá được vòng vây đánh ra các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong trận đầu Nam bộ kháng chiến này, Tỉnh uỷ lâm thời Tây Ninh đã phối hợp đưa lực lượng vũ trang đến hỗ trợ mặt trận cầu Tham Lương-Bà Quẹo, đã đóng góp công sức đáng kể cho việc bao vây kìm chân địch trong thành phố.

Tại Tây Ninh sau ngày giành chính quyền thắng lợi, 25.8.1945, chính quyền cách mạng và Mặt trận các cấp được thành lập để từng bước ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh uỷ lâm thời được Xứ uỷ Nam bộ chỉ định gồm 11 đồng chí, trong đó có 6 đồng chí trong Ban Cán sự đảng tỉnh, hoạt động tiền khởi nghĩa tại địa phương là Trần Văn Mạnh, Phạm Tung, Trần Kim Tấn, Mỹ Lan, Nguyễn Văn Chấn, Trần Văn Đẩu và 5 đồng chí do Xứ uỷ đưa về là Trần Thuần, Lê Đình Nhơn, Nguyễn Trọng Cát, Trần Thuần, Đặng Ngọc Chinh do đồng chí Trần Xuân làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời.

Tháng 9.1945, Tỉnh uỷ lâm thời đề ra một số chủ trương như: Uỷ ban nhân dân các cấp phải kịp thời ban hành các quyền tự do, dân chủ và áp dụng các biện pháp nhằm ổn định tình hình, củng cố bộ máy chính quyền, bảo đảm trật tự an ninh cho nhân dân; Củng cố và phát triển tổ chức Mặt trận Việt Minh các cấp, xây dựng cơ sở quần chúng, mở lớp huấn luyện cho các đoàn thể cứu quốc; Xây dựng lực lượng dự trữ về người và lương thực, đưa số đồng chí và anh em công nhân cao su ở Memot (Campuchia) về, vận chuyển gạo từ Đồng Tháp Mười về Tây Ninh.

Chấp hành chủ trương của Tỉnh uỷ lâm thời, các cấp khẩn trương tiến hành thực hiện các công việc: Xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động; Thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc (Công an); Củng cố các đoàn thể cứu quốc; Thành lập Uỷ ban Kháng chiến (lúc này cũng như ở Nam bộ, bên cạnh Uỷ ban nhân dân tỉnh còn thành lập Uỷ ban Kháng chiến vì lãnh đạo nhận định sớm muộn gì thực dân Pháp cũng sẽ trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa)…

Cầu Quan Tây Ninh trước năm 1924. Ảnh sưu tầm: P. TK

Chính quyền cách mạng non trẻ ở Tây Ninh vừa mới ra đời đã phải gấp rút giải quyết những công vệc hết sức nặng nề và khó khăn để từng bước ổn định đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời, nhân dân Tây Ninh đoàn kết vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù; chuẩn bị lực lượng vật chất và tinh thần, sẵn sàng kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng quay lại nước ta đòi thực hiện tuyên bố phi lý của Charles de Gaulle về quyền cai trị thuộc địa ở Đông Dương.

Nhận định trước điều đó, Tỉnh uỷ lâm thời chỉ đạo lập các phòng tuyến dọc quốc lộ 1 (QL22 ngày nay) ở Suối Sâu (An Tịnh, Trảng Bàng), Trâm Vàng (Thanh Phước, Gò Dầu); quốc lộ 22 (nay là QL22B) ở Bến Kéo. Đồng thời dự trữ lương thực, “tiêu thổ kháng chiến” phá các công sở quan trọng trong Thị xã, không cho địch chiếm nguyên vẹn.

Chuyện gì phải đến đã đến, ngày 8.11.1945, được tin giặc Pháp kéo đến Tây Ninh qua hai ngả từ Sài Gòn lên và từ Campuchia sang, hợp điểm tại Gò Dầu, các lực lượng vũ trang tỉnh được điều động đến mặt trận Bến Kéo; các địa phương có tuyến đường giặc đi qua đều bố trí lực lượng ngăn chặn. Huyện Trảng Bàng thành lập mặt trận Suối Sâu; Trâm Vàng (Gò Dầu) bố trí lực lượng đánh địch…

Đoàn xe cơ giới của quân Pháp từ Sài Gòn lên đến Suối Sâu, ranh giới phía Nam tỉnh Tây Ninh, gặp các chướng ngại vật của mặt trận Suối Sâu, xe tăng giặc đi đầu ủi phá các chướng ngại vật, quân ta ném lựu đạn và bắn nhiều phát súng trường, tên ná vào quân Pháp. Đây là những phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai tại Tây Ninh. Quân ta có lòng căm thù giặc sâu sắc, nhưng lực lượng ta còn yếu, vũ khí thô sơ lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên không ngăn chặn được bước tiến công của giặc Pháp. Mặt trận Suối Sâu bị thất bại, giặc tiến thẳng qua Trảng Bàng đến Trâm Vàng.

Tại Trâm Vàng, lực lượng vũ trang địa phương phục kích, đốt cháy mủ cao su ngăn đường nhằm chặn bước tiến công của địch. Đồng chí Sáu Hung dùng trung liên bắn chết tên lái xe và vài tên lính, xe này bị lật, nhưng đoàn xe vẫn chạy vượt qua phòng tuyến lên đến thị trấn Gò Dầu chờ cánh quân từ Campuchia xuống. Sau đó, hai cánh quân địch hợp điểm, sắp xếp lại đội hình theo quốc lộ 22 (nay là QL22B) kéo lên thị xã Tây Ninh.

Đoàn xe cơ giới của quân Pháp gồm 75 chiếc, gồm 2 xe tăng đi đầu và 73 xe GMC chở đầy lính tiến lên Thị xã. Khi xe giặc tiến đến bìa khu rừng Bến Kéo, gặp chướng ngại vật gồm những cây to do lực lượng ta đốn ngã để ngăn đường, giặc Pháp phải dùng xe tăng ủi phá để dọn đường. Đến khoảng 10 giờ, đoàn xe địch tiến vào mặt trận Bến Kéo, lực lượng ta chiến đấu rất dũng cảm, bắn chết được nhiều tên địch nhưng quân Pháp vẫn phá được phòng tuyến Bến Kéo.

Mặt trận Bến Kéo bị phá vỡ, giặc Pháp tràn vào thị xã Tây Ninh, nhân dân ở đây không ra đường, không họp chợ, thực hiện triệt để “vườn không nhà trống”. Tuy các mặt trận bị vỡ, nhưng đây là bước tập dượt và xây dựng ý thức phòng, chống địch trong nhân dân. Dù không tiêu hao được nhiều sinh lực địch, nhưng lực lượng vũ trang của tỉnh đã tạo được niềm tin trong nhân dân là ta dám đương đầu với lực lượng hùng hậu của quân xâm lược.

Sau khi chiếm được thị xã Tây Ninh, quân Pháp lập tức chiếm các cơ sở kinh tế, các đồn điền cao su Bến Củi, Cầu Khởi, Trà Võ, Vên Vên, Hãng đường Thanh Điền. Giặc Pháp cũng dựng lên các đồn bót để chiếm giữ các đầu mối giao thông, các vùng dân cư, vùng đệm giữa làng mạc và rừng núi… Hằng ngày, chúng tung quân đi càn quét, đốt phá làng mạc, tàn sát nhân dân ta…

Trước tình hình giặc Pháp ồ ạt tấn công, lực lượng vũ trang tỉnh rút ra vùng Tà Hụp (xã Thanh Điền), Tỉnh uỷ lâm thời và các cơ quan tỉnh cũng rút ra vùng Tà Hụp, bảo toàn lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến tiếp theo. Cũng ngay trên địa bàn xã Thanh Điền, lực lượng ta đã lập được chiến công đầu tiên vang dội khắp miền Nam trong buổi đầu kháng chiến.

Thành Săng-đá đầu thế kỷ 20. Ảnh sưu tầm: P. TK

Sau khi chiếm được thị xã, thực dân Pháp cho hai xe quân sự chở sĩ quan, binh lính đến Hãng đường Thanh Điền khảo sát tình hình. Nhận được tin này lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức hai cánh quân phục kích trên tỉnh lộ 7 (nay là đường tỉnh 786), đoạn giữa sở cao su Oconell và hãng đường. Cánh quân thứ nhất do ông Lê Bá Mẫn chỉ huy phục kích ở ngã tư đồn; cánh quân thứ hai do ông Trần Văn Đẩu chỉ huy phục kích tại khu rừng gần bàu Cá Trê. Giặc Pháp từ hãng đường trở về đến gần đình Thanh Điền, bộ phận quân báo đánh trống đình báo cho lực lượng vũ trang biết.

Chỉ huy địch khả nghi chuyển xe có trang bị súng máy lên đầu chạy với tốc độ nhanh qua nơi phục kích của cánh quân thứ nhất; đến điểm phục kích thứ hai, ông Trần Văn Đẩu bắn nổ lốp xe và bắn chết tên lái xe; xe địch quay ngang đường khiến xe sau đụng vào xe trước phải dừng lại. Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng, ông Trần Văn Đẩu bắn chết thêm mấy tên giặc Pháp và chỉ huy đơn vị xung phong tiêu diệt giặc.

Ta đốt cháy cả hai xe, tiêu diệt 7 tên giặc Pháp, trong đó có hai tên sĩ quan cấp chuẩn uý và đại uý, số lính Pháp còn lại bán sống bán chết chạy thục mạng về Thị xã. Ta thu được nhiều khẩu súng, trong đó có 2 khẩu đại liên Maxim. Số chiến lợi phẩm này bổ sung đáng kể vào nguồn vũ khí trang bị ban đầu của lực lượng vũ trang tỉnh.

Với kết quả trận đầu thắng lợi, lực lượng vũ trang Tây Ninh gây được thanh thế, lòng tin cho nhân dân trong tỉnh. Trận thắng Thanh Điền có tác dụng rất lớn, nó chứng minh mặc dù ta thế yếu, ít quân, vũ khí thô sơ, nhưng khi biết tạo thời cơ, chủ động đánh địch vẫn tiêu diệt được sinh lực địch, thu vũ khí của địch, góp phần cùng cả nước vượt qua gian khổ khó khăn, đưa kháng chiến đi đến thắng lợi, bảo vệ được nền độc lập dân tộc.

Nguyễn Tấn Hùng

(Tổng hợp các tài liệu lịch sử Nam bộ kháng chiến và Đảng bộ tỉnh)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục