BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9:

Những ngày tháng Tám sục sôi ở Trảng Bàng 

Cập nhật ngày: 31/08/2020 - 00:59

BTN - Nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” để giành chính quyền, ngày 13.8.1945, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Nguồn: Cục VHCS

Ngày 19.8.1945, khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi. Trong khi đó ở Tây Ninh, Mặt trận Việt Minh đã kịp thời lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh” và kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ở Trảng Bàng, cán bộ Việt Minh cũng nhận được chỉ thị của Xứ uỷ về tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh và chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ban lãnh đạo khởi nghĩa được thành lập kịp thời gồm đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba, Lên, Dú. Trên quê hương An Tịnh, chưa lúc nào khí thế sôi sục và mạnh mẽ hơn vậy.

Trên địa bàn xã, các đồng chí Nguyễn Thới Bưng, Nguyễn Thanh Tùng, Huỳnh Duy Ngươn, Nguyễn Văn Sữa (Bảy Ngọc) trong tổ chức Thanh niên Tiền phong cùng một số thanh niên hăng hái như Trương Tùng Quân, Trần Bá Bên, Trần Bá Diệp, Trần Bá Liêm tuyên truyền, vận động hàng trăm thanh niên tự nguyện tham gia tổ chức rải truyền đơn, kêu gọi tổng khởi nghĩa. Nhóm thanh niên này căng biểu ngữ "Việt Nam độc lập muôn năm" ngang đường số 1 tại chợ Suối Sâu.

Ngày 24.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Ban Khởi nghĩa xã, nhân dân An Tịnh bắt được Cả Tiếu và Ban hội tề, giải tán hội tề, giáo dục những tên này rồi cho về nhà làm ăn. Ngày 25.8, tại Nhà việc xã cũ ở An Thành, Uỷ ban Hành chính xã ra đời, gồm có ông Tư (thầy Ký Tư) làm Chủ tịch, ông Bùi Nhung - Uỷ viên tuyên truyền, ông Huỳnh Văn Sua - Uỷ viên tài vụ, ông Nguyễn Văn Sữa - phụ trách Thanh niên (sau khi cướp chính quyền, Đoàn Thanh niên Tiền phong đổi tên là Thanh niên Cứu quốc), ông Năm Lân (Đội Lân) - Uỷ viên quân sự, ông Tám Mẫm, ông Sáu Phát - thư ký văn phòng, ông giáo Bang - Cảnh sát trưởng, ông Đáo - Phó ban Cảnh sát. Chính quyền chủ trương bắt tên cường hào Henry Nguyễn Văn Lực nhưng tên này nhanh chân trốn thoát ra ngoài Thị trấn.

Trên toàn huyện Trảng Bàng, An Tịnh là xã có Uỷ ban Hành chính sớm nhất.

Tại Thị trấn, tờ mờ sáng 25.8.1945, một cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức tại chợ Trảng Bàng. Toàn bộ lực lượng Thanh niên Tiền phong của quận và đông đảo nhân dân ở các xã có vũ trang bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác tập trung tại bãi chợ, kéo dài gần hết quãng phố chính. Tất cả đều được các đồng chí của ta phổ biến trước, đây là cuộc mít tinh tuần hành biểu dương lực lượng chuẩn bị cướp chính quyền, nên ai cũng phấn khởi, ai cũng trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng.

Chính quyền xã An Tịnh huy động nhân dân các ấp, các đội tự vệ tập họp tại Suối Sâu để đến sân vận động Trảng Bàng dự lễ Quốc khánh. Từng đoàn người với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rầm rộ hướng về Thị trấn. Độc lập! Độc lập! Hơn tám mươi năm mới có một ngày! Chuyện tưởng trong mơ mà là sự thật. Từng đoàn người hân hoan phơi phới, đi trên đường cái, hô vang lời độc lập! Hàng trăm thanh niên trang bị tầm vông vạt nhọn, giáo mác, kéo qua đường phố chính đến chợ. 8 giờ sáng, cuộc mít tinh bắt đầu, ông Huỳnh Hà lấy tư cách là đại diện Việt Minh nêu rõ: “Nhật đầu hàng Đồng Minh, chính quyền ở Hà Nội, ở Sài Gòn và các nơi khác đã về tay Việt Minh, đồng bào Trảng Bàng hãy ủng hộ Việt Minh và sẵn sàng đứng lên cướp chính quyền”. Hàng ngàn đồng bào hô vang khẩu hiệu: "Chính quyền về tay Việt Minh! Việt Minh muôn năm!”.

Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng tham gia thành đoàn biểu tình thị uy quanh phố chợ rồi toả về các xã.

Tối 25.8, anh Phiên, thư ký hành chính quận đã được vận động theo cách mạng, khôn khéo ra lệnh cho bọn lính cất hết súng vào kho. Cùng lúc, một lực lượng nhỏ Thanh niên Tiền phong bao vây bên ngoài dinh quận. Sau đó, hai đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba cùng với anh Phiên vào quận đường buộc tên quận trưởng Huỳnh Tường Tấn đầu hàng và chuyển giao chính quyền.

Nghe động, tên Tấn cho đóng kín các cửa. Ta báo cho hắn biết là hắn đã bị bao vây, nếu ngoan cố chống lại sẽ không được bảo toàn sinh mạng. Mặc dù có một khẩu Wicker nòng dài nhưng liệu bề không chống nổi nên tên Tấn chấp nhận chuyển giao chính quyền.

Lực lượng khởi nghĩa chiếm quận đường và kho súng của cảnh sát. Ta đưa một văn kiện chuyển giao chính quyền đã được soạn sẵn cho quận trưởng Huỳnh Tường Tấn ký và bắt hắn giam giữ. Việc giành chính quyền ở Trảng Bàng hoàn thành. Sáng hôm sau (ngày 26.8.1945), cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thị trấn.

Uỷ ban Hành chính huyện Trảng Bàng gồm có ông Huỳnh Hà làm Chủ tịch, ông Lê Phẩm Ba - Phó Chủ tịch, ông Cò Thường - Uỷ viên Cảnh sát cùng các ông Xuyển, Đội Lành…

Sau khi lập chính quyền, có cuộc họp về tình hình nhiệm vụ với sự tham dự của các đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thới Bưng, Trương Tùng Quân, Huỳnh Duy Ngươn và Nguyễn Văn Sữa. Cuộc họp nhận định, tình hình sẽ khó khăn phức tạp: Pháp sẽ quay lại, Nhật tuy đầu hàng đồng minh, nhưng lực lượng của ta chưa có gì ngoài 3 súng kíp, một số lựu đạn, còn toàn là tầm vông vạt nhọn, ná xăng.

Bọn Nhật không chịu giao súng, ta phải tổ chức mua hoặc cướp. Các đại biểu tham dự thống nhất, khi củng cố cơ quan chính quyền xã xong, nhanh chóng tập hợp thanh niên để xây dựng lực lượng vũ trang của xã có đủ sức đánh Pháp ở một vị trí vừa xa tỉnh, vừa nằm trên quốc lộ 1 Sài Gòn - Phnom Penh - con đường mà chắc chắn địch sẽ mở hướng tấn công.

Chính quyền xã vận động anh Nguyễn Đình Lân trước từng đi lính tập cho Pháp huấn luyện cho bộ đội bắn súng và một số động tác kỹ thuật chiến đấu (khi Pháp chiếm đóng, vì gia đình khó khăn, anh Lân ở lại hợp pháp, năm 1947, anh gia nhập chi đội 12). Số thanh niên huy động đến 200 người, tổ chức thành hai đại đội, được huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn, động tác cá nhân chiến đấu. Hằng ngày, số thanh niên luân phiên vừa tập quân sự, vừa sản xuất. Chỉ có 16 người thường trực tại xã để canh gác và làm nhiệm vụ kiểm soát tại Suối Sâu…

Tại thị xã Tây Ninh, khoảng 14 giờ ngày 25.8.1945, một đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị giành chính quyền của Xứ uỷ lên Tây Ninh. Ban lãnh đạo giành chính quyền tỉnh triệu tập hội nghị mở rộng gồm các thành viên Ban lãnh đạo hành động và một số cán bộ nòng cốt để lập kế hoạch giành chính quyền.

Xuất phát từ điều kiện khách quan, chính quyền bù nhìn rệu rã đang chờ giao chính quyền, bọn Nhật đã bị cô lập, trung đội cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng có viên chỉ huy ngả theo cách mạng, thời cơ đang đến nhanh, hội nghị quyết định chỉ huy động lực lượng khoảng 500 quần chúng có trang bị đầy đủ, đột nhập dinh tỉnh trưởng và chiếm các công sở.

Theo kế hoạch, một bộ phận xung kích đã đột nhập vào bên trong dinh tỉnh trưởng, tước súng của hai tên lính gác giao lại cho lực lượng bảo vệ để chiếm giữ và bảo vệ trật tự, an toàn trong khu vực dinh tỉnh trưởng. Mọi việc đều tiến hành nhanh gọn, không gặp phải một sự kháng cự nào của địch.

Các đồng chí trong Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ đi từ Sài Gòn lên bằng ô tô có cắm cờ đỏ sao vàng vào dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh được gọi ra, yêu cầu nộp sổ sách, giấy tờ và giao chính quyền. Trước khí thế cách mạng, tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đáp lại: “Chúng tôi đã có chuẩn bị chờ các ông”.

Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền buộc Lê Văn Thạnh phải gọi những người cầm đầu các công sở đến, ai có vũ khí phải mang theo (lúc này, lực lượng tự vệ đã triển khai chiếm xong các công sở) lực lượng cách mạng tước hết súng.

Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25.8.1945. Sau đó, lực lượng cách mạng chỉ bắt giữ Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh, Jean Baptiste Hà Văn Sua - y sĩ có quốc tịch Pháp và Đốc phủ Đường, tên tay sai đắc lực của Pháp. Những người còn lại được cho về tiếp tục công việc, trừ một vài nơi trọng yếu như nhà máy đèn, nhà máy nước, do lực lượng cách mạng trực tiếp nắm giữ.

Đặng Hoàng Thái

(tổng hợp)