Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam (15.7.1950 - 15.7.2024):
Những người anh hùng sống mãi tuổi thanh xuân
Thứ hai: 10:43 ngày 29/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với hai tấm Huân chương Chiến công Giải phóng hạng II do Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam truy tặng và danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước truy tặng, tên tuổi anh Trịnh Duy Hoàng, chị Võ Thị Rậm sống mãi trong lòng đồng đội toàn lực lượng TNXP Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, khi quân xâm lược Mỹ đổ bộ vào nước ta, tháng 3.1965, từ khắp các tỉnh, thành miền Nam đông đảo anh em thanh niên yêu nước đã vượt đạn bom tập hợp đến Tây Ninh, căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam, hưởng ứng phong trào “Năm xung phong” tham gia lực lượng Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.

Trong đó một trong các đơn vị ra đời đầu tiên của Tổng đội là đơn vị C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh (gọi tắt là C2311) do Tỉnh uỷ Tây Ninh thành lập ngày 23.11.1965.

Quá trình phục vụ bộ đội chiến đấu và trực tiếp chiến đấu chỉ sau một năm hoạt động C2311 đã trở thành đơn vị “lá cờ đầu” của Tổng đội TNXP và nhiều năm sau đó luôn giữ vững danh hiệu vẻ vang này.

Sau ngày đại thắng mùa xuân 30.4.1975 thống nhất đất nước, tập thể đơn vị C2311 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), cùng với 2 liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng, Trung đội trưởng và Võ Thị Rậm, đội viên TNXP thuộc đơn vị C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Người cán bộ TNXP tài hoa, dũng cảm

Theo lời kể của ông Lê Anh Tòng - nguyên cán bộ chỉ huy đơn vị C.2311, cố Chủ tịch Hội Cựu TNXP Tây Ninh, anh Trịnh Duy Hoàng (SN 1942, hy sinh ngày 7.6.1966) sinh ra, lớn lên ở Thanh Điền (Châu Thành). Gia đình anh rất nghèo nhưng vẫn tảo tần nuôi con ăn học đến bậc trung học đệ nhất cấp (bậc THCS ngày nay) tại Trường trung học Lê Văn Trung (nay là THPT Lê Quý Đôn).

Thanh niên xung phong chiến khu D, Tây Ninh “cầu người”, chuyển thương binh vượt suối Nhum trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Những năm học trung học, anh Hoàng được đồng chí Út Lãm (tức ông Một Một, nguyên Bí thư Thị uỷ thị xã Tây Ninh đã hy sinh) giác ngộ nên rất tích cực tham gia hoạt động cách mạng, cùng với thầy Bình Phong và các bạn học Lê Anh Tòng, Nguyễn Văn Lập… hoạt động mật trong nhà trường rải truyền đơn tuyên truyền chống Mỹ-Diệm trong vùng tạm chiếm Toà Thánh - Long Hoa.

Sau khi bị lộ, thầy Bình Phong bị giặc bắt thủ tiêu, mấy đồng chí cùng học cũng rời khỏi mái trường đi kháng chiến, Sáu Tòng về Gò Dầu hoạt động Đoàn, anh Hoàng làm chiến sĩ giao liên ở cơ quan Tỉnh đội, năm 1964 được đề bạt làm tiểu đội phó rồi tiểu đội trưởng.

Khi đơn vị C2311 được thành lập, Trịnh Duy Hoàng tự nguyện tham gia TNXP. Ông Tòng cho biết, anh Hoàng luôn là đầu tàu, gương mẫu, gánh phần khó khăn, nặng nhọc trong công tác về mình. Anh xông xáo, nhạy bén tổ chức cho trung đội tìm cách cải thiện đời sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhờ vậy trung đội anh ít bị bệnh tật so với các đơn vị khác.

Đặc biệt, Trịnh Duy Hoàng còn là một cây văn nghệ, làm báo tường của đại đội, lại có vốn liếng chữ nghĩa kha khá nên anh tự nguyện làm thầy giáo bổ túc văn hoá cho đồng đội, vì vậy mọi người rất yêu mến gọi anh là thầy Hoàng.

Trong công tác phục vụ chiến đấu, Trịnh Duy Hoàng chỉ huy trung đội trong đơn vị C.2311 phối thuộc bộ đội chủ lực Miền hành quân khắp các chiến trường Đông Nam bộ, có mặt trong các trận đánh nổi tiếng: Nhà Đỏ - Bông Trang, Lộc Ninh (Bình Long).

Trận Nhà Đỏ - Bông Trang, đơn vị anh Hoàng phối thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5. Khi đơn vị bộ đội khẩn cấp rời khỏi vùng oanh kích ác liệt, không mang theo được thương binh, Trịnh Duy Hoàng cùng với một số đồng đội TNXP xung phong vào “toạ độ lửa” cứu thương binh. Vào trận địa “đụng” biệt kích địch, các anh dũng cảm chiến đấu đẩy lùi quân giặc và truy kích diệt được 4 tên địch, cứu thương binh an toàn trong lửa đạn.

Trong trận đánh ác liệt ở Lộc Ninh, bộ đội ta thương vong khá nhiều, Trịnh Duy Hoàng chỉ huy trung đội, đưa hàng chục đợt thương binh, liệt sĩ về tuyến sau. Đến đợt cuối cùng, quân số đơn vị bộ đội hao hụt nhiều, anh Hoàng chỉ huy trung đội TNXP vừa tải thương, vừa lấy súng của thương binh trực tiếp đánh trả quân địch.

Trịnh Duy Hoàng cõng một thương binh trên vai, cầm súng chiến đấu rất kiên cường, bắn hạ 7 tên địch, thu 2 súng AR15. Không may khi anh vừa rời khỏi chiến hào để đưa thương binh về tuyến sau thì bị trúng đạn của địch. Trịnh Duy Hoàng đã anh dũng hy sinh cùng với người thương binh còn nằm trên vai anh.

Nữ anh hùng sống mãi tuổi mười bảy

Đơn vị TNXP Anh hùng C.2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh còn có liệt sĩ thứ hai được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là chị Võ Thị Rậm, xuất thân là công nhân cạo mủ cao su ở ấp Cầu Sắt, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Chị hy sinh khi mới 17 tuổi.

Hội Cựu TNXP Tây Ninh tặng quà hai gia đình Anh hùng liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng, Võ Thị Rậm trong cuộc họp mặt kỷ niệm 74 năm truyền thống TNXP tại thành phố Tây Ninh. Ảnh: N.T.H

Những năm trước 1965, xóm nhà chị Rậm ở Cầu Sắt là vùng giải phóng, quân địch thường xuyên bắn pháo vào xóm làng, làm sập, cháy nhà cửa, chết người và gia súc. Cách mạng tổ chức bà con dân ấp đấu tranh chính trị với giặc. Chị Rậm lúc ấy còn nhỏ, được giao nhiệm vụ làm giao liên đưa tài liệu chỉ đạo đấu tranh dài ngày cho những người cầm đầu đoàn biểu tình. Có lần Rậm chạy nhanh, bị trượt ngã, bức mật thư văng ra, chị nhanh trí vơ lấy bức thư dưới đất cho vào miệng nhai nuốt. Một tên lính bảo an nhìn thấy, hắn nắm tay Rậm kéo xệch làm trặc tay chị và hỏi: “Nuốt giấy gì khai ra, không tao đánh!”. Một tên khác “a dua” chĩa lưỡi lê vào cổ họng Rậm: “Mật thơ hả, nhả ra, không tao mổ bụng mày!”. Chị Rậm la lên: “Trời ơi máu chảy xuống miệng tôi, tôi gạt máu ra, chứ có gì mà nuốt”. Bất chấp kẻ địch dữ tợn hù doạ, Rậm chỉ một lời ấy mà nói, cuối cùng bọn địch phải thả chị ra, bà con đi đấu tranh và người chỉ huy biểu tình được an toàn.

Tháng 10 năm 1965, Võ Thị Rậm đã là đoàn viên Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Chị Nguyễn Thị Cơ (Tư Cơ), nhận chỉ đạo của ông Đặng Văn Ninh, Bí thư Huyện đoàn Gò Dầu phát động đoàn viên, thanh niên ưu tú đi TNXP phục vụ chiến trường đánh Mỹ. Khi gặp chị Tư Cơ, Võ Thị Rậm mới 16 tuổi, thế là chị phải… khai tăng thêm tuổi để được đi. Ở chiến trường xa lắc xa lơ, giữa rừng sâu vắng vẻ, Rậm… sợ ma, cứ xen vào giữa đội hình mắc võng ngủ, không dám nhìn khi đứng gần tử sĩ, nhưng lại là cô TNXP rất siêng năng, mau mắn trong mọi hoạt động. Nào là nấu cơm, nấu nước, dọn dẹp vệ sinh nơi đóng quân… không cần ai phân công, thấy việc là Rậm xốc vô làm. Rậm chỉ xin: “Đừng phân công em gác ca khuya”.

Vậy mà trong công tác phục vụ chiến đấu, ngay cả lúc đang bệnh Võ Thị Rậm cũng không bao giờ chịu ở lại tuyến sau. Vóc dáng nhỏ nhắn, Rậm cũng cố gắng nhón chân lên khiêng thương, tải đạn như các anh chị lớn. Có lúc đi chiến trường xa, Rậm vẫn chịu một đầu cáng đi gần cả ngày đường. Trong trận đánh, Rậm cũng xông pha lửa đạn, lao vào cứu thương binh. Các anh chị cười hỏi, Rậm trả lời: “Em sợ ma chớ không sợ chết!”.

Trong trận đánh Lộc Ninh (Bình Long), đơn vị hành quân dài ngày, đường xa vác nặng suốt 15 ngày từ Long-Bà-Biên (Long Hải, Bà Rịa, Biên Hoà) sang trận địa. Dọc đường anh chị em TNXP bị bệnh khá nhiều, trong đó có Võ Thị Rậm. Chiều hôm đó, bộ đội Tiểu đoàn 7 được lệnh hành quân, trung đội TNXP của Trịnh Duy Hoàng phối thuộc. Võ Thị Rậm vừa được y tá chích thuốc, nghe tin, vội vã… trốn theo.

Đêm Phước Long, muỗi vo ve như sáo thổi. Suốt đêm pháo địch từ các cụm Bình Long, Lộc Ninh thi nhau nhả đạn, trải dài vào khu rừng bộ đội ta đóng quân. Đến sáng, Tiểu đoàn 7 được lệnh xuất kích. Ta đồng loạt tấn công, bộ binh địch toả vào rừng cao su.

Ta tấn công đoàn công- voa của địch tăng viện trên đoạn đường 13 Bàu Bàng. Trung đội TNXP do Trịnh Duy Hoàng chỉ huy nhảy khỏi công sự, ào ạt mang đạn cối tiếp tế cho đơn vị cối 82 bắn trả quân địch.

Đợt cáng thương thứ nhất có 8 thương binh. Thấy Rậm mặt mày xanh rớt vì sốt rét, người tiểu đội trưởng ra lệnh: “Út Rậm quay trở lại hầm ngay” nhưng khi anh vừa quay đi, Rậm đã chạy băng lên phía trước.

Đợt cáng thương thứ 3, thứ 4, sức yếu, vóc nhỏ, Rậm cũng cố dìu đỡ, cõng ra khỏi chiến địa được 4 thương binh. Lần cuối cùng, Võ Thị Rậm vừa nâng đỡ một thương binh từ công sự tạm đi ra vài bước thì bị địch bắn, đạn xuyên qua ngực.

Võ Thị Rậm ngã xuống, người thương binh ngã theo. Đạn địch bắn như mưa, Rậm cố nhoài người tới nằm đè lên người anh thương binh vì sợ anh bị thương lần nữa. Cùng lúc đó, cách chỗ Rậm ngã xuống chỉ khoảng 5 mét, Trịnh Duy Hoàng cũng trúng đạn, ngã xuống với người thương binh trên vai. Khi đồng đội tới đỡ Rậm dậy, chị thều thào qua hơi thở đứt quãng: “Em không thể sống nổi, các anh chị ở lại, ráng chiến đấu trả thù cho đồng bào, đồng đội, trả thù cho em!”.

Với hai tấm Huân chương Chiến công Giải phóng hạng II do Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam truy tặng và danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước truy tặng, tên tuổi anh Trịnh Duy Hoàng, chị Võ Thị Rậm sống mãi trong lòng đồng đội toàn lực lượng TNXP Việt Nam và là tấm gương hy sinh vì nước sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục