Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những người kéo cờ Giải phóng tại dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh ngày 30.4.1975
Thứ hai: 05:35 ngày 19/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiến sĩ Nguyễn Thành Đông cột lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam vào sợi dây, và Trung đội trưởng Huỳnh Tấn Cắt từ từ kéo lá cờ Giải phóng tung bay phấp phới trước dinh Tỉnh trưởng. Các chiến sĩ ta ôm nhau hò reo vang dội mừng chiến thắng.

Trung uý Nguyễn Văn Thắng

Tiến đến kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng 30.4.1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi tìm gặp những cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 14, đó là Trung uý Nguyễn Văn Thắng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn phó, Đại tá Huỳnh Tấn Cắt nguyên Trung đội trưởng, nay là Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Tây Ninh, Đại uý Trang Hoàng Minh, nguyên là chiến sĩ Đại đội 2, nay là Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành (Tân Châu) để nghe các anh kể lại chuyện kéo cờ cách mạng trong dinh Tỉnh trưởng nguỵ ở Tây Ninh ngày 30.4.1975.

Khoảng 15 giờ ngày 27.4.1975, Đại đội 2 Tiểu đoàn 14 do tôi (Trung uý Nguyễn Văn Thắng) làm đại đội trưởng, đồng chí Hai Hoàng đại đội phó, nhận nhiệm vụ đánh tập kích liên đội Bảo an nguỵ đóng ở ấp Trường Lưu, xã Trường Hoà (nay là Trường Đông). Sau khi đánh tiêu diệt liên đội Bảo an, đơn vị chúng tôi chuyển hướng đánh vào một trung đoàn của Sư đoàn 25 nguỵ. Vì quân ta đã đánh chặn lộ 22 nên trung đoàn này không về được Sài Gòn. Khoảng 4 giờ sáng ngày 29.4, Đại đội 2 nhận được lệnh bao vây đánh bót Đoạn Trần Kiều thuộc ấp Trường Xuân. Bót Đoạn Trần Kiều được xây dựng bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố vững chắc. Bên ngoài bót là hàng rào dây kẽm gai và nhiều lớp bùng nhùng kẽm gai. Bót được xây dựng với nhiều lô-cốt ở xung quanh, các lô-cốt có trang bị hoả lực rất mạnh, bắn được bốn phía và có thể hỗ trợ lẫn nhau. Chỉ huy bót là tên Tư Rỗ ác ôn khét tiếng, hắn đã cùng đồng bọn bắt giữ, tra tấn và giết nhiều chiến sĩ cách mạng nên nhân dân ở địa phương rất căm thù Tư Rỗ.

Quân ta vừa đánh bót vừa kêu gọi quân nguỵ ra đầu hàng, nhưng chúng vẫn ngoan cố chống cự điên cuồng. Vài lần quân ta tiến sát vào hàng rào của bót nhưng do hoả lực của địch quá mạnh, chúng bắn như đổ đạn về phía quân ta nên quân ta chưa xâm nhập vào bót được. Vì lô cốt, hầm hào trong bót đổ bê tông rất dày, bắn B40 và súng phóng lựu đạn không ăn nhằm gì, chúng tôi đã cho đơn vị tập trung hoả lực như cối 60, B40, M72, súng phóng lựu đạn bắn dập vào trong bót để cho quân nguỵ không ló đầu ra ngoài được, thừa thế các chiến sĩ ta tiến lên dùng bộc phá đánh sập lô cốt lớn nhất. Mở được đột phá khẩu, toàn đại đội dũng cảm xung phong đánh thẳng vào trong bót, tiêu diệt khá nhiều quân địch. Quân nguỵ đóng trong bót bị bao kín, không có đường rút chạy, bị chết và thương vong nhiều, nên bọn chúng phải hạ vũ khí xin đầu hàng. Đơn vị lính nguỵ trong bót khi đầu hàng chỉ còn có 7 tên, trong đó có tên đồn trưởng ác ôn Tư Rỗ. Chúng tôi tịch thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, giải thoát các chiến sĩ giải phóng bị giặc bắt giữ trong bót. Đối với đám hàng binh, theo chủ trương của trên, chúng tôi lập danh sách và thả họ tự đi về nhà, nhưng họ phải cam kết sẽ ra trình diện chính quyền cách mạng tại địa phương.

Giải quyết xong bót cầu Đoạn Trần Kiều, Đại đội 2 chúng tôi đóng chốt tại ấp Trường Xuân đến 18 giờ thì nhận được lệnh tiến đánh vào trung tâm quận Phú Khương. Rạng sáng ngày 30.4.1975 thì đơn vị đụng một tiểu đoàn của Sư đoàn 25. Quân ta đánh dữ dội khiến bọn chỉ huy và binh lính tiểu đoàn này phải bỏ chạy tán loạn. Quân ta truy kích quân địch đến ấp Long Hải, xã Long Thành (nay thuộc xã Trường Tây) thì chuyển hướng đánh vào trung tâm quận Phú Khương. Trên đường đi chúng tôi gặp những tên lính nguỵ cởi trần, không có vũ khí thất thểu tan rã tứ tung, trên đường súng đạn quân trang quân dụng lính nguỵ vứt bỏ la liệt… Đến khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30.4, đơn vị bao vây đánh bót Long Thành. Quân nguỵ trong đồn cũng ngoan cố chống cự. Bót Long Thành còn gọi là bót Báo Quốc Từ ở cạnh sân vận động Long Hoa. Cách bót khoảng 200m có một thánh thất đạo Cao Đài, trong đó có nhân dân chạy tản cư trú khá đông. Chúng tôi nghiên cứu nếu dùng hoả lực mạnh đánh bót Long Thành có thể sẽ làm ảnh hưởng thương vong đến nhân dân, do vậy chúng tôi đã làm công tác binh vận kêu gọi quân nguỵ ra đầu hàng. Chúng tôi vận động các vị tu sĩ và nhân dân đi vào trong bót tuyên truyền vận động quân nguỵ ra đầu hàng để tránh thương vong chết chóc. Cuối cùng thì bọn lính nguỵ đóng trong bót Long Thành cũng đã tự nguyện xin đầu hàng và tan rã tại chỗ.

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30.4 đơn vị chúng tôi tiến thẳng về dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh ở Thị xã. Trên đường đi, tôi nhận được tin Đại tá Bùi Đức Tài -Tỉnh trưởng  Tây Ninh cùng toàn bộ chính quyền nguỵ đã đầu hàng, và Đại tá Tài đang có mặt tại sân vận động Long Hoa để trình diện chính quyền cách mạng. Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ quay trở lại sân vận động Long Hoa bên cạnh bót Long Thành gặp Đại tá Bùi Đức Tài và đưa hắn về dinh Tỉnh trưởng.

Một góc trận địa súng cối. Ảnh tư liệu TĐ 14

Khi đơn vị chúng tôi tiến vào dinh Tỉnh trưởng thì toàn bộ chính quyền nguỵ vẫn còn đông đủ, bọn họ đều ngồi cúi mặt xuống. Trong khi đó, anh Huỳnh Tấn Cắt, Trung đội trưởng cùng hai chiến sĩ là anh Trang Hoàng Minh và anh Nguyễn Thành Đông tiến tới cột cờ ở trước dinh Tỉnh trưởng. Chiến sĩ Trang Hoàng Minh rút dao găm chặt đứt dây làm lá cờ ba que của nguỵ quyền rớt xuống. Chiến sĩ Nguyễn Thành Đông cột lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam vào sợi dây, và Trung đội trưởng Huỳnh Tấn Cắt từ từ kéo lá cờ Giải phóng tung bay phấp phới trước dinh Tỉnh trưởng. Các chiến sĩ ta ôm nhau hò reo vang dội mừng chiến thắng. Cuộc chiến 30 năm đã kết thúc, nhưng lịch sử chiến đấu và chiến thắng oai hùng của quân và dân ta không thể kể hết được.

Trung uý Nguyễn Văn Thắng kể

Công Huân ghi

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục