Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người lính bất tử
Thứ sáu: 15:22 ngày 26/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng bảy, cả nước tri ân vọng tưởng những người con ưu tú đã ngã xuống vì bình yên của đất mẹ, trong đó không thể không nhắc tới 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14.3.1988.

Các anh đã ngã xuống cho Trường Sa xanh mãi, để hơn 90 triệu dân đất Việt tự hào về các anh- những lính biển bất tử.

Trường Sa đi chẳng tiếc đời xanh

Lần theo số điện thoại từ một đồng nghiệp cung cấp, tôi chủ động gọi cho anh Phạm Văn Long, là em trai của liệt sĩ Phạm Văn Lợi, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Công binh Hải quân hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm xưa.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa.

Từ đầu dây tận Quảng Bình, giọng anh Long nghẹn lại: anh Lợi ngoan và hiền lắm. Trước ngày đi đảo, anh còn dẫn bạn gái về khoe với cả nhà. Ai ngờ chỉ hơn chục ngày sau, anh hy sinh. “Khi nghe tin dữ đó, cả nhà tôi bàng hoàng. Đến bây chừ, mạ tôi vẫn chưa nguôi ngoai được…”

Tháng 3.1987, khi loa truyền thanh của xã thông báo khám nghĩa vụ quân sự, Phạm Văn Lợi đến ngay xã đăng ký tình nguyện vào Hải quân và được biên chế vào Trung đoàn 83 Công binh. Sau gần một năm kể từ ngày nhập ngũ, Lợi được về phép ăn Tết với gia đình. Đó là Tết Mậu Thìn năm 1988. Thấy Lợi tự dưng về nhà, tưởng con đào ngũ, ông Phạm Đức Dần mắng “Răng mới đi chưa đầy năm mà mi đã về rồi, hay là đào ngũ”. Lợi bảo “Đơn vị cho con về nghỉ phép Bọ ạ. Ăn tết xong con đi Trường Sa. Con nghe các anh trong đơn vị nói rứa”.

Ngay chiều tối ấy, Lợi dẫn về nhà một cô gái xinh đẹp và giới thiệu với cả gia đình là người yêu. Lợi còn bảo, sau khi đi Trường Sa về sẽ làm đám cưới. Ngày lên đường đi Trường Sa, mẹ Lợi- bà Nguyễn Thị Trước nấu nồi bún nhỏ, Lợi ngồi xuống ăn với nước mắm kho quẹt rồi chỉ nói vẻn vẹn một câu “con đi mẹ hỉ”, sau đó tung tăng như đứa trẻ chạy ra ngõ cùng mấy anh em trong làng đến chỗ giao quân.

Hơn hai tháng sau, Lợi nằm lại biển khơi cùng 63 đồng đội.

“Trưa ngày 14.3.1988, lúc tui đang múc nước ở giếng thì nghe tin thằng Lợi hy sinh. Mạ tui gào khóc chạy ra đầu ngõ nghe ngóng từ hàng xóm. Còn Bọ tui trầm ngâm đi lại trong nhà. Cả nhà tui rụng rời và đó là sự thật…”.

Anh Long nghẹn giọng trong máy điện thoại. Tôi hiểu, từ Quảng Bình anh đang khóc.

Họ mãi ở tuổi 20   

Một chiều trung tuần tháng bảy, tôi tìm đến nhà cựu binh, Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng tàu HQ-07 Lữ đoàn 171 Hải quân, để nghe ông kể về trận chiến Gạc Ma cách đây 31 năm. Ông Chức đã một thời làm nhiệm vụ ở Trường Sa vào những năm 1987-1990, và sau trận hải chiến Trường Sa, ông tham gia viết sử, kể về những chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma ngày ấy.

Lính tín hiệu đảo Cô Lin dẫn xuồng cập đảo.

Sau tuần trà đặc bên bàn đá kê giữa khoảng trống mảnh vườn, giọng ông  Chức trầm buồn nhớ lại: “Trong lịch sử Hải quân Việt Nam, trận hải chiến Trường Sa- 1988 được coi là bi hùng và đau thương nhất. Những người lính đi đảo năm ấy đến từ nhiều tỉnh khác nhau, họ đều rất trẻ và phần nhiều chưa có người yêu. Trước khi lên đường đi Trường Sa, một số chiến sĩ có vợ nhưng chưa có con. Có người để lại bố mẹ già rồi lên đường với lời hẹn sau đi Trường Sa về sẽ cưới vợ và sinh con cho bố mẹ bế bồng. Nhưng tất cả điều đó đã không xảy ra”. Ông Chức nhìn ra khoảng trống mảnh vườn để giấu giọt nước mắt chực trào ra, rồi ông quay lại nói trong xúc động “Họ đã đi và mãi mãi không về”.

Trong số 64 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma, Quảng Bình là nơi có nhiều liệt sĩ nhất, 13 liệt sĩ, sau đó là Đà Nẵng 9 liệt sĩ.  Thanh Hóa và Nghệ An mỗi tỉnh 8 liệt sĩ. Trong số 64 liệt sĩ ấy, liệt sĩ là chiến sĩ đeo quân hàm binh nhất, binh nhì có 46 người. Tất cả họ đều rất trẻ, độ tuổi mười tám, đôi mươi. Không ai có thể ngờ, những chàng trai tuổi xuân còn phơi phới, xung phong lên đường nhập ngũ giữa thời bình lại có một ngày vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả, dệt nên huyền thoại nơi vùng đảo thiêng mang tên Gạc Ma.

 31 năm trôi qua, thời gian đủ dài để nhuộm trắng những mái đầu xanh, những người mẹ đã không thể chờ đợi để tìm thấy con mình nơi sóng nước, những người cha đã lặng lẽ ra đi về thế giới bên kia, song trong tâm khảm của những người thân và đồng đội thì không thể nguôi ngoai. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, giữ chức vụ gì, thì sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử.

Mai Thắng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục