Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Dàn nhạc các dân tộc bản địa Việt Nam Seaphony sẽ có buổi ra mắt chính thức vào tối 12/12 tại Nhà hát lớn (Hà Nội) với “Đêm vô thức bản địa”. Đây là lần đầu tiên một dàn nhạc tập hợp nghệ nhân ở cả 3 vùng văn hóa Việt Nam được thành lập với kỳ vọng mang âm sắc bản địa ra thế giới.
Chương trình “Đêm vô thức bản địa” dài khoảng 70 phút quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ đến từ các vùng miền trên cả nước.
Các nghệ sĩ sẽ cùng hòa tấu những âm thanh độc đáo và đặc sắc của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống pa ra nưng, trống gineng, đàn đó... cũng như những làn điệu, bài ca chất chứa nhiều tâm tư, tình cảm.
“Chúng tôi không dừng lại ở một chương trình biểu diễn mà đây sẽ là bước khởi đầu cho một dự án dài hơi”, Nguyễn Nhất Lý, nghệ sĩ mang một nửa dòng máu Việt, sống và làm việc tại Pháp, Việt Nam và nhiều nước khác, cho biết.
10 năm hiện thực hóa ý tưởng
Bắt đầu từ “Gió bình minh” - chương trình hợp tác cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo vào năm 2006, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý đã ấp ủ ý tưởng về một dàn nhạc với các nghệ nhân bản địa chơi những tác phẩm quốc tế bằng nhạc cụ tre, nứa, lá, gỗ và đồng. Sau hơn 10 năm, ý tưởng đó mới thành hiện thực.
Để tổ chức “Đêm vô thức bản địa” và kiến thiết dàn nhạc Seaphony, trong năm 2017, các nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Mạnh Tiến, cùng các cộng sự đã đến nhiều bản làng vùng núi phía bắc, buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên, làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn nhạc khí từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, H’Mông, M’Nông, Ê Đê, Xơ Đăng…
Hình ảnh trong "Đêm vô thức Chăm" ngày 30/9. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Qua đó, lần lượt “Đêm vô thức Tây Bắc” (31/3), “Đêm vô thức Tây Nguyên” (30/6) và “Đêm vô thức Chăm” (30/9) đã diễn ra tại Phù Sa Lab (Hà Nội) để giới thiệu khí nhạc tiêu biểu của từng vùng miền qua các tiểu phẩm thể nghiệm.
Các chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng như đông đảo khán giả khách mời.
Đây là dàn nhạc thuộc giai đoạn 1 năm 2017 của dự án SEA Sound, do nghệ sĩ Nhất Lý khởi xướng, với tầm nhìn xây dựng một cộng đồng thưởng thức, biểu diễn, sáng tác và phát triển âm nhạc bản địa các nước Đông Nam Á, với các nhạc cụ đặc trưng được chế tác chủ yếu từ tre nứa cùng các bộ cồng chiêng.
Chịu trách nhiệm sản xuất và bảo trợ cho Seaphony và SEA Sound là Lune Production - đơn vị thực hiện các tác phẩm “À Ố Show”, “Làng tôi”, “Sương sớm” và “Teh dar” gây nhiều tiếng vang, cảm tình cùng sự tán thưởng từ khán giả trong và ngoài nước.
Theo nghệ sĩ Nhất Lý, trong các năm tới, dự án SEA Sound sẽ mở rộng kết nối và kêu gọi sự tham gia của các nhạc sĩ, nhạc công và nhạc khí từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Đưa nhạc dân tộc Việt ra thế giới
Đầu năm 2017, album “Hanoi Duo” - sản phẩm âm nhạc của Nguyên Lê, nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng thế giới, người Pháp gốc Việt và Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động tại châu Âu, được Hãng đĩa ACT (Đức) tài trợ toàn bộ kinh phí, đã phát hành khắp thế giới.
Album kết hợp giữa chất liệu âm nhạc truyền thống Việt như xẩm, quan họ Bắc Ninh, âm nhạc dân tộc miền núi phía bắc, âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn môi, đàn chiêng dây với các loại nhạc cụ điện tử.
Tiếp đó, cặp đôi nghệ sĩ nói trên cùng “Hanoi Duo” đã có chuyến lưu diễn tại Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và mới đây là Đức. Hiện Ngô Hồng Quang chuẩn bị ra mắt album Nam nhi, trong đó anh hát quan họ kết hợp với ngũ tấu dây do 5 nghệ sĩ của 5 quốc gia thực hiện.
Ian Brennan (Mỹ), nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng thế giới với dòng nhạc world music, từng giành giải thưởng âm nhạc Grammy; và nghệ sĩ Võ Vân Ánh, người “chở” tiếng đàn tranh ra thế giới, đã gặp nhau trong ý tưởng thực hiện “Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar” (Những nghệ nhân Hà Nội: Chiến tranh là vết thương, hòa bình là vết sẹo), câu chuyện âm nhạc về những ký ức chiến tranh được thể hiện bằng chất liệu âm nhạc dân tộc.
Một năm trước, đĩa nhạc đã được Hãng đĩa Đức Glitterbeat phát hành, trong đó các tiết mục: Hát văn, Hát hầu Cô Bơ, Xẩm huê tình, Xẩm thập ân, Hát lô hương, Trống cơm, Về quê (Phó Đức Phương sáng tác), Quê mẹ (Võ Tuấn Minh)… thể hiện chủ yếu bằng những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị hồ, đàn k’ni. Võ Vân Ánh đã mang “Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar” lưu diễn tại Mỹ, New Zealand, Australia…
Trong 2 năm 2015 và 2016, nhóm Xẩm Hà Thành đã mang xẩm đến với khán giả Pháp, Đức và Mỹ. Mới đây, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, thành viên của nhóm, đã trò chuyện về xẩm tại 5 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Harvard.
Dù còn khiêm tốn nhưng dòng chảy nhạc Việt vẫn “len lỏi” giữa biển lớn âm nhạc thế giới. “Việc đưa âm nhạc dân gian, cổ truyền vào không gian âm nhạc đương đại là mô hình phổ biến của các nghệ sĩ thế giới. Đây cũng là con đường tốt nhất khi muốn tạo ra sự khác biệt đối với nhiều nghệ sĩ Việt muốn bước ra hoạt động nghệ thuật ở quốc tế”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.
Nguồn chinhphu