Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những phát ngôn quyết liệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Thứ sáu: 09:42 ngày 27/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bước vào khoảng thời gian quyết định trong "cuộc chiến chống Covid-19", lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các thành phố lớn khẳng định quyết tâm chặn đứng đại dịch, bảo vệ đất nước.

Chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng 20/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ông yêu cầu làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì. Tổng bí thư nhắc nhở bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện.

"Lúc gai góc, khó khăn nhất là lúc người dân thể hiện bản sắc, chí khí của con người Việt Nam. Tôi có niềm tin Việt Nam sẽ chặn đứng đại dịch", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Lễ phát động toàn dân chung tay phòng, chống dịch Covid-19 sáng 17/3. Ông kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước tiếp tục thực hiện biện pháp quyết liệt hơn nữa khống chế đại dịch.

Chiều 22/3, tại Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quân đội luôn ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” trong phòng, chống đại dịch Covid-19. “Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia, đặc biệt khi đất nước lâm nguy, giặc giã, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm thì vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thất bại hay thành công trong chống dịch Covid-19. “Phải thành công chứ không thất bại, không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết tại Việt Nam”, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ cho cuộc chiến.

Sáng 23/3, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính như không tập trung đông người và phải đeo khẩu trang.

“Tôi đề nghị khi họp phải đeo khẩu trang. Người trên 60 tuổi nên ở nhà, nếu không có việc gì cần thiết ra đường, phục vụ cho dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, hạn chế gặp gỡ nhau, tăng cường làm việc trực tuyến”, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.

Sáng 23/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo tình huống và xây dựng 5 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ, với tinh thần là phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

“Tình huống xấu nhất, chúng tôi dự tính tới 30.000 trường hợp bị nhiễm. Chúng ta vào cuộc sớm, chủ động và đưa ra giải pháp sớm hơn, cao hơn so với khuyến nghị của WHO và các nước”, Phó thủ tướng khẳng định.

Trò chuyện với Zing.vn, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh thừa nhận Việt Nam vẫn còn tồn tại biểu hiện xa lánh người bệnh, kỳ thị người nước ngoài vì nghĩ họ làm lây nhiễm bệnh vào Việt Nam. Ông kêu gọi người dân hãy nghĩ rằng dịch bệnh không chừa một ai, hôm nay người này nhiễm, ngày mai rất có thể là mình. "Lúc này cần nhất sự chia sẻ, động viên, phối hợp và thông cảm với nhau", Phó chủ tịch nhấn mạnh.

Trao đổi với Zing.vn sáng 25/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kêu gọi mỗi người dân cần nâng cao ý thức, hạn chế tụ tập đông người, khi bắt buộc phải ra ngoài thì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác.

“Nếu người dân không tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo thì mọi nỗ lực của Chính phủ, Hà Nội sẽ đổ xuống sông, xuống biển”, ông Chung nói khi đề cập đến việc hàng trăm người dân vẫn chen lấn đi lễ phủ Tây Hồ vào ngày 24/3 (tức mùng 1 tháng 3 âm lịch).

Tối 24/3, chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết khoảng 2 tuần tới là giai đoạn quyết định của "cuộc chiến chống Covid-19". Ông nhấn mạnh đây là thời điểm TP.HCM phải góp phần giữ đất nước bình yên trước dịch bệnh.

"Tinh thần là trong 2 tuần tới, thành phố phải sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn, giám sát tốt để góp phần cùng cả nước tránh bùng phát dịch. Trong cuộc chiến chống Covid-19, khổ trước thì sướng sau và ngược lại", Bí thư Thành ủy TP.HCM quán triệt.

Ngày 21/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn khảo sát tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết luận buổi kiểm tra, ông cho hay thời gian tới, TP.HCM sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ suất ăn, chính sách cho người lao động, người nghèo khi phải cách ly.

"Đừng để những người dân bị cách ly tại cộng đồng họ nghĩ rằng mình đang bị cô lập. Họ không thể tự đi mua thức ăn thì chính quyền cần có cách chủ động cung ứng giúp họ”, người đứng đầu UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Nguồn Zing

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục