Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nguyễn Thánh Ngã- sinh năm 1958 tại Ba Gia, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, hiện sinh sống tại Lâm Hà, Ðà Lạt. Ông đã xuất bản 4 tập thơ, đạt giải I cuộc thi thơ Haiku Việt, Nhật năm 2009 và nhiều giải thưởng văn học khác.
Bài thơ “Những cơn bão đời người” đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Ðội, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho cách viết của Nguyễn Thánh Ngã.
Câu chữ kiệm lời, nhưng hàm chứa những suy tưởng tinh tế với cách nhìn nhận mang chất nhân văn, đầy sự lạc quan trước những sự kiện và quy luật của cuộc sống, trước những khắc nghiệt của đời người, mà cụ thể là thời tiết nắng, mưa, giông bão.
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã khái quát thành những câu thơ đầy xúc cảm: “Ðêm nằm nghe/ mưa trên mái tôn/ những mái tôn thở than”.
Khổ thơ gồm 3 câu, giống như thể thơ Haiku mà ông rất quen thuộc: Chỉ là nằm nghe mưa trên mái tôn, nhưng không phải là âm thanh của tiếng mưa mà lại chính là “Tiếng thở than của mưa”, song tác giả lại chẳng nói gì về tiếng thở than ấy, chuyển từ cảm nhận bên ngoài thành chính cảm nhận của người trong cuộc: “Ðêm nằm nghe/ mưa trên ngón tay/ ôi ngón tay đã bao lần, xới vun một cuộc người/ đỡ nâng một cuộc đời, bỏ quên một phận người”.
Ðó là mưa “trên ngón tay” của tác giả. Những ngón tay đã góp phần hình thành nên cuộc sống đời người, với các từ “xới vun một cuộc người” rồi “nâng một cuộc đời, bỏ quên một phận người”. Nhịp điệu thơ như tiếng mưa rơi, như những nốt nhạc lặn vào đời mênh mang, hơi buồn!
Bài thơ tiếp nối bằng khổ thơ hai câu: “Ðời người. Hạt mưa/ mưa mặn xót lăn qua bờ sinh tử”. Ðó là thực tế: “Ðêm nằm nghe /cơn bão khuya/ bão khuya đời mình/ chớp loé đầu đường/ ngả nghiêng cột đèn”.
Mưa đã chuyển thành bão, mà là “bão khuya”, giữa day dứt cuộc đời với “chớp loé”, cột đèn ngả nghiêng, thì sá gì thân phận con người, vốn là một sinh linh, bé nhỏ, yếu đuối: “Ðêm nằm nghe/ sau gót chân hoa hướng dương nở mặt trời/ sau cơn mưa trời lại sáng/ sau bão giông, sau nát tan là lặng lẽ”.
Song những câu thơ đã bật dậy sự hồi sinh, tươi sáng. Hình ảnh “bừng nở” của hướng dương mặt trời và câu nói quen thuộc “sau cơn mưa trời lại sáng”, bởi sự chịu đựng, lặng lẽ của “sau nát tan”. Những câu thơ không kể lể nỗi cơ cực, thống khổ, tạo sự lạnh lẽo, tan hoang mà hàm chứa sự ấm áp, vươn lên như tinh thần lạc quan của dân miền Trung tự xa xưa: “Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”.
Kết thúc bài thơ là hai câu thơ: “Em bé quỳ dâng một đoá/ mẹ già long lanh mắt cười”. “Em bé - mẹ già” là hai khái niệm đối lập nhưng xuyên suốt, tượng trưng cho một đời người và sự kế thừa. Mẹ “long lanh mắt cười” thì em bé “quỳ dâng một đoá”.
Ðoá đây hẳn là một đoá hoa, hay nói như Trịnh Công Sơn là “đoá xuân ngời”, là ước mơ và hy vọng. Tất cả là sự phục sinh tốt đẹp, vươn lên sau những gian khổ nhọc nhằn của bão giông...
CHÍNH VŨ