Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018:
Những thay đổi quan trọng
Thứ tư: 06:35 ngày 11/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc bỏ điểm sàn được cho là một “cuộc cách mạng” trong tuyển sinh đại học, bởi nó phù hợp với Luật Giáo dục, tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, giúp các trường khẳng định uy tín và thể hiện trách nhiệm đối với người học và xã hội, từng bước tiếp cận với giáo dục đại học quốc tế.

Một số trường đại học tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2018 cho học sinh tại các trường THPT và TTGDTX trên địa bàn huyện Hoà Thành.

Ngày 16.4 tới đây, Thông tư số 07 ngày 1.3.2018 về sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05 ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ có hiệu lực thi hành (sau đây gọi tắt là quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng). Hiện dư luận xã hội và phụ huynh, học sinh hết sức quan tâm vấn đề này.

Trước hết, điểm mới của mùa tuyển sinh 2018 là việc giảm 50% số điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2017 trở về trước, điểm ưu tiên khu vực tối đa là 1,5 điểm. Sự ưu tiên này tạo nên sự không công bằng giữa các vùng, miền, khu vực khác nhau.

Nhiều người cho rằng hiện nay, điều kiện, sự phát triển giữa các vùng miền đã thu hẹp nên việc cộng điểm ưu tiên giữa các khu vực là bất hợp lý. Vì vậy, Bộ GD&ÐT đã có sự thay đổi. Ðiểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng là 0,75 điểm. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 0,25 điểm.

Ngoài ra, quy chế cũng bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng đây là điều đáng mừng. Thay đổi này tạo sự bình đẳng và khuyến khích ý chí vươn lên của học sinh ở những vùng được ưu ái quá nhiều trước đây.

Một sự thay đổi tạo nên nhiều ý kiến khác nhau là không quy định chung ngưỡng bảo đảm chất lượng (bỏ điểm sàn). Ðiều 12 của quy chế được sửa đổi, bổ sung nêu: “Ðối với các ngành khác (ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên), các trường tự xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào...”. Việc bỏ điểm sàn được cho là một “cuộc cách mạng” trong tuyển sinh đại học, bởi nó phù hợp với Luật Giáo dục, tạo điều kiện cho các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, giúp các trường khẳng định uy tín và thể hiện trách nhiệm đối với người học và xã hội, từng bước tiếp cận với giáo dục đại học quốc tế.

Tuy nhiên, sự thay đổi này hầu như không tác động đến các trường công lập tốp đầu như Công an, Quân đội, Y Dược, Bách khoa... Các trường này có đưa ra điểm sàn cũng chỉ là ngưỡng mang tính tham khảo để nhận hồ sơ, còn thực chất họ lấy trên điểm sàn rất nhiều.

Chịu tác động mạnh nhất là các trường tốp dưới, ngoài công lập, đại học địa phương với số lượng đông đảo, nhiều năm trước tuyển sinh gặp khó khăn. Các chuyên gia lo ngại rằng, để bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều trường sẽ “tháo khoán”, “vơ bèo vạt tép”..., mặc dù các trường biết nếu hạ thấp chuẩn đầu vào các trường sẽ tự đánh mất chất lượng và uy tín.

Nhưng áp lực duy trì sự tồn tại còn lớn hơn! Một số giáo viên phổ thông cũng cho rằng bỏ điểm sàn sẽ tạo ra một "hệ luỵ" bởi sẽ có học sinh nghĩ rằng: học cỡ nào cũng vào được đại học. Có giáo viên cho rằng: “Có điểm sàn mà học sinh còn không chịu học, không thèm cố gắng, bỏ điểm sàn thì ai mà quản nổi, dạy nổi”.

Nhiều học sinh cũng nghĩ rằng bỏ điểm sàn là không hay, đại học. Chính người viết bài này cũng lo lắng việc bỏ điểm sàn thi tuyển đại học, cao đẳng có dẫn đến tình trạng như bỏ thi tốt nghiệp THCS hay không? Học sinh học như thế nào cũng được “hợp lý hoá” để công nhận tốt nghiệp. Còn không thì “mời qua phổ cập” cũng có bằng tốt nghiệp như chơi...

Một điều đáng lo và đã xảy ra, nấp dưới danh nghĩa “phát huy tính tự chủ”, một số trường đã công bố việc xét tuyển một số ngành với “tổ hợp lạ”. Theo quy chế của Bộ, mỗi ngành được sử dụng tối đa 4 tổ hợp theo các khối A, B, C, D liên quan đến các ngành, nghề trong đó phải có 1, 2 môn được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo.

Quy định này tạo sự mềm dẻo cho các trường cũng như tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Thế nhưng, theo phương án tuyển sinh một số trường đã công bố, có nhiều ngành có “tổ hợp lạ” như Kế toán kiểm toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng... tuyển Văn - Sử - Ðịa, Văn - Sử - GDCD với sự lý giải mập mờ rằng tuyển các môn này để các em... viết tốt.

Hay như ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ðiều dưỡng... cũng tuyển Văn - Sử - Ðịa; ngành Thiết kế thời trang, Kiến trúc đô thị lại không có môn Vẽ... với lý giải là để đa dạng nguồn tuyển! Các tổ hợp này là “phi truyền thống”. Bộ GD&ÐT cũng đã nắm được tình hình và hứa là sẽ kiểm soát kỹ!

Dư luận hết sức lo ngại về chất lượng đào tạo từ việc hạ điểm sàn và tổ hợp môn không hợp lý. Từ 2017 trở về trước, Bộ GD&ÐT quy định điểm sàn và tổ hợp xét tuyển cho các ngành khá nghiêm ngặt, có nghĩa là kiểm soát chặt đầu vào, thí sinh chọn ngành theo kết quả điểm các môn thi (tức là phù hợp với khả năng).

Vậy mà, hằng năm, các trường đại học có rất nhiều sinh viên bị cảnh báo học vụ (điểm tích luỹ học kỳ dưới 2,5) và bị buộc thôi học (ba học kỳ liên tiếp bị cảnh báo học vụ).

Ví dụ: học kỳ II, năm học 2016-2017, Trường ÐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh có 2.135 sinh viên bị cảnh báo học vụ, 257 sinh viên bị buộc thôi học; Trường ÐHSP Kỹ thuật TP. HCM cảnh báo học vụ và buộc thôi học gần 600 sinh viên... Cũng theo thống kê, đến tháng 2.2017, cả nước có tới 215.300 người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp.

Từ năm 2018, nếu bỏ điểm sàn, cộng với việc các trường đưa ra tổ hợp nhiều ngành đào tạo “lạ” thì "kết quả" chưa thể đoán trước được. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ÐT) cho rằng, các trường hạ thấp điểm sàn, tổ hợp các ngành “lạ” thì sẽ “mất nhiều hơn được”, nhưng sự mất mát của trường có lẽ không lớn bằng sự mất mát của học sinh, gia đình và niềm tin của xã hội.

Người ta cứ khuyên mỗi học sinh hãy là một thí sinh thông thái trong lựa chọn ngành phù hợp với khả năng và sở thích của mình, nhưng có bao nhiêu học sinh (kể cả phụ huynh) có được sự thông thái? Vì nhiều lý do, rất nhiều em quyết vào được đại học bằng mọi giá và hậu quả sẽ là tốn tiền của, tốn công sức, mất mát thời gian của gia đình và bản thân.

Trước tình hình này, nhà trường, giáo viên các trường phổ thông cần phải tư vấn, định hướng cho các em. Mỗi học sinh cần hiểu được “Có muôn vàn lối đi phù hợp với năng lực, sở thích của bạn. Lối nào cũng đi đến thành công nếu bạn chọn đúng và nỗ lực hết mình”. Phụ huynh cần quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề của con em mình.

Nhiều người dự đoán tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018 sẽ là một cuộc đua khốc liệt, bởi cùng với việc giảm điểm ưu tiên là điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Ðiểm C, Khoản 1, Ðiều 13 của quy chế tuyển sinh đại học 2018 nêu: “Ðiểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Ðiều 7 của quy chế này và được làm tròn đến hai chữ số thập phân”.

Nếu như trước đây, điểm của bài thi/môn thi là 4,99 được làm tròn lên 5,0 thì nay vẫn giữ nguyên. Có nghĩa là các thí sinh phải chắt chiu từng % điểm để cạnh tranh trong quá trình thi và tuyển sinh. Ðó là điều đáng mừng vì đã chấm dứt sự may rủi.

Thông tư sửa đổi năm nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin. Các trường phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành...

Ngoài ra, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm, đề án được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ÐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày. Trước ngày 1 của các tháng 3, 5, 7, 8, 9, 11, các trường phải cập nhật thông tin thí sinh trúng tuyển và nhập học để thí sinh biết.

 Bộ cũng đã nêu lên các mốc thời gian quan trọng thí sinh cần nhớ: thời điểm tin cậy để nắm thông tin tuyển sinh từ ngày 20.3 trở đi; từ ngày 1.4, thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển đại học, cao đẳng ở trường mình học; thời gian điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi khoảng từ 19 - 26.7 và các trường sẽ công bố kết quả trước 16.8. Ðây là những thông tin minh bạch, đáng mừng.

Chất lượng giáo dục là vấn đề quan trọng trong Nghị quyết 29 của Ðảng. Nó không còn là vấn đề riêng của mỗi trường đại học, cao đẳng mà được Nhà nước, ngành Giáo dục, học sinh và toàn xã hội quan tâm. Mỗi trường cần nâng cao trách nhiệm trước Ðảng, Nhà nước, người học để những thay đổi trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2018 trở đi phù hợp với thực tiễn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thời hội nhập.

DIỆU MAI

Báo Tây Ninh
ngành luật quốc tế hướng phát triển đặc biệt
Tin cùng chuyên mục