BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những thầy thuốc trên biển đảo quê hương 

Cập nhật ngày: 25/02/2023 - 07:05

BTN - Phóng viên Báo Tây Ninh có dịp gặp gỡ những thầy thuốc công tác nơi biển đảo, mới thấy và hiểu được rằng, việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên biển đảo đầy sóng gió là vô cùng vất vả.

Tàu y tế Khánh Hoà 561 với hải trình trên biển.

Trong chuyến thăm, chúc tết quân và dân quần đảo Trường Sa (thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) vừa qua, phóng viên Báo Tây Ninh có dịp gặp gỡ những thầy thuốc công tác nơi đây, mới thấy và hiểu được rằng, việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên biển đảo đầy sóng gió là vô cùng vất vả.

Bác sĩ người Tây Ninh trên đảo Trường Sa

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi rất vui khi được gặp bác sĩ Trần Thiên Mai- người con của quê hương Tây Ninh đang công tác tại Trung tâm Y tế Trường Sa. Trung tâm này được thành lập và đi vào hoạt động năm 2017, có 4 tầng cùng 30 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như: ngoại, nội, cấp cứu, chụp X-quang, xét nghiệm, phòng phẫu thuật, máy siêu âm 4 chiều, máy gây mê, hệ thống máy thở v.v... Nơi đây được xem là bệnh viện đa khoa trên đảo Trường Sa.

Bác sĩ Mai kể, gia đình ở phường 1, TP. Tây Ninh, những năm trước, anh tình nguyện ra đảo Trường Sa để góp phần cống hiến công sức của mình cho biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bác sĩ quê Tây Ninh cho biết, chỉ tính trong năm qua, anh và những đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế Trường Sa đã cấp cứu, chữa trị nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhiều ngư dân trên biển đảo bị bệnh, bị tai nạn lao động.

Một số trường hợp đáng nhớ, có một cán bộ y tế công tác trên nhà giàn bị thủng ruột thừa, chuyển từ nhà giàn đến Trung tâm Y tế Trường Sa cấp cứu. Bác sĩ Mai và đội ngũ y, bác sĩ ở Trung tâm đã phẫu thuật thành công, kịp thời cứu chữa.

Trong quá trình xay nước đá (để ướp cá trên tàu) một ngư dân vô tình bị máy xay nghiền nát bàn tay, được chuyển đến Trung tâm cấp cứu. Một ngư dân khác trong quá trình đánh bắt cá, bị dây tời đập vào bụng, gây chấn thương nặng được chuyển đến Trung tâm nhờ y, bác sĩ xử lý.

Ngoài ra, còn có một ngư dân do ảnh hưởng bệnh Covid- 19 dẫn đến suy hô hấp nặng. Tất cả những trường hợp này đều được y, bác sĩ của Trung tâm sơ cứu, sau đó, phối hợp với đơn vị chức năng dùng máy bay trực trăng vận chuyển các bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị. “Đến nay, các ngư dân này đã bình phục và đều trở lại cuộc sống lao động bình thường”- bác sĩ Mai cho hay.

Thượng tá Trần Văn Quyển- Phó Lữ đoàn, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cho biết, những ngày biển động, các tàu đánh cá của ngư dân không thể đánh bắt, phải vào âu tàu tránh bão. Những trường hợp này đều được anh em trên đảo hỗ trợ thức ăn, nước uống, rau xanh hoặc tiếp tế nhiên liệu. Nếu ngư dân có bị bệnh hoặc bị thương trong quá trình lao động trên biển đều được đội ngũ y, bác sĩ, tích cực điều trị.

Bác sĩ Trần Thiên Mai - người con quê hương Tây Ninh, khám mắt cho ông Phạm Hiến trên tàu y tế 561.

Bệnh viện di động trên biển

Tàu y tế Khánh Hoà 561 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân là tàu bệnh viện di động hàng đầu của Việt Nam, có nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển, khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân và ngư dân ở các vùng biển đảo của Việt Nam..

Thiếu tá Nguyễn Trường Quân- Tổ Quân y, tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955 cho biết: “Con tàu là bệnh viện thu nhỏ trên biển, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị như: phòng mổ, phòng giảm áp, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm v.v…

Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, chúng tôi được kết nối Telemedicine với các bệnh viện lớn trong đất liền, như Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).

Trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức sơ cấp cứu rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, cư dân trên biển đảo bị bệnh, gặp tai nạn lao động bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng, Tàu 561 sẽ xử lý bước đầu, sau đó đưa vào các bệnh viện lớn ở đất liền để chữa trị tiếp”.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người gặp tai nạn trên biển, tàu 561 còn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ chuyển hành khách, đưa các đoàn công tác đến với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các đảo, nhà giàn trên biển Đông.

Thượng uý Trần Quốc Hữu- Phó Thuyền trưởng tàu 561 cho biết: “Hằng năm, tàu 561 thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trên biển. Đặc biệt vào những dịp cuối năm, tàu thường xuyên kết hợp chở hàng hoá, quà tết từ đất liền ra cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ, thuyền viên trên tàu luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ”.

Có dịp trải nghiệm thực tế trên tàu y tế này chúng tôi mới thấy, đây là tàu dân sự quy mô lớn, hiện đại. Trong tàu thiết kế đầy đủ các phòng chức năng, phòng ở, phòng ăn, nhà bếp, phòng y tế. Trong mỗi phòng ở đều có giường tầng, nệm, gối, chăn, máy lạnh, tủ lạnh, quạt máy, ti vi, bàn, tủ chứa vật dụng cá nhân, đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh, hệ thống báo cháy, chữa cháy khá sang trọng.

Trên các bàn trong phòng đều đầy đủ nước uống, các loại sữa, bánh, kẹo, khăn lạnh, khăn giấy, có thể phục vụ từ 2-6 người ăn ở với thời gian lâu dài. Ngoài ra, trên tàu còn bố trí sẵn nhiều máy giặt, sân phơi quần áo riêng biệt cho hành khách nam, nữ.

Mỗi ngày, các hành khách trên tàu đều được phục vụ 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều với đầy đủ thức ăn. Thực đơn đều thay đổi từng bữa để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho hành khách. Hằng ngày, đều có nhân viên y tế đến từng phòng ân cần thăm hỏi sức khoẻ hành khách; nhân viên phục vụ đến bổ sung các loại thức ăn, nước uống trong phòng và nhân viên vệ sinh đến thu gom rác thải sinh hoạt.

Một ca chữa bệnh ở Trung tâm Y tế Trường Sa.

Trong hải trình dài ngày trên biển, ông Phạm Hiến- Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước, không may bị đau mắt. Ông đến phòng y tế của tàu 561 nhờ kiểm tra. Tại đây, ông được đội ngũ y, bác sĩ tận tình thăm khám, được tặng các liều thuốc uống trong thời gian 3 ngày và được tư vấn cách giữ vệ sinh mắt, chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ.

Sau 3 ngày chữa trị, mắt của bệnh nhân này đã khỏi hẳn, có thể đọc sách được. Buổi chiều hằng ngày, bác sĩ của tàu 561 đều đến tận phòng để thăm khám, theo dõi quá trình hồi phục của mắt. “Tôi thật sự không ngờ trên tàu có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như vậy. Các y, bác sĩ đều nhiệt tình thăm khám, điều trị. Nhờ vậ, mắt của tôi mau lành bệnh hơn dự kiến”- ông Phạm Hiến chia sẻ.

Trong đoàn công tác còn có một phóng viên bị nứt xương ngón tay, do va đập vào lan can tàu. Một phóng viên khác bị chấn thương cột sống do mang vác hành trang quá nặng, 2 nữ phóng viên bị tràn dịch khớp gối, do di chuyển nhiều trên các đảo và nhiều thành viên khác bị say sóng, nôn, ói nhiều ngày liền không ăn cơm cháo được.

Tất cả những trường hợp nêu trên đều được đội ngũ y, bác sĩ trên tàu 561 tận tình chăm sóc và đều hồi phục sức khoẻ. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các thầy thuốc trên tàu 561, các thành viên trong đoàn công tác mới có điều kiện hồi phục sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại Dương