Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Giữa một không gian biếc xanh, rì rào tiếng lá rơi hay tiếng gió, ngồi xuống bậc thềm một am cốc nhỏ, bỗng thấy lòng thảnh thơi như đã sạch bụi trần.

Mới ngày 22.6 âm lịch vừa qua, tịnh xá Ngọc Thuận vào mùa Vu lan thắng hội. Xe ôtô các cỡ từ thành phố lên, từ Tây Ninh xuống đã đậu chật sân chùa. Vẫn còn vài chiếc phải đậu bên lề quốc lộ 22B trên địa bàn xã Cẩm Giang (Gò Dầu).
![]() |
Ngày lễ Vu lan ở tịnh xá Ngọc Thuận |
Trời đã gần trưa, nhưng lễ mới vừa bắt đầu. Các vị cao tăng và ni sư đã ngồi toạ thiền trang nghiêm trên nền nhà ngôi chính điện. Trong ấy, thấp thoáng giữa rừng áo cà sa là các vị trong ban trị sự Phật giáo tỉnh. Ở vòng ngoài, các phật tử đồng phục áo dài lam sáng đang tề tựu xếp hàng để chuẩn bị đi ba vòng quanh ngôi tịnh xá theo nghi lễ xưa nay. Ai nấy đều đội một mâm xếp áo cà sa như một đoá sen vàng, hoặc những gói quà dùng trong lễ dâng y và cúng dường chư Phật. Những ai không ở trong đội hình nghi lễ ấy, thì tản ra đi đến từng ngôi tháp mộ hoặc các đài tượng Phật thắp nhang hoặc dâng cúng những giỏ hoa. Không gian ngào ngạt hương trầm, quyện với âm thanh nho nhỏ rì rào của tiếng người như một bè trầm tôn lên giọng kinh cầu xen với tiếng chuông mõ đều đều điểm nhịp.
Ngày thường có thể chẳng mấy người để ý một khuôn viên tịnh xá dường như lún xuống bên đường. Đấy là do đường quốc lộ 22B đã mấy lần được đầu tư mở rộng và nâng cấp, mỗi lần là mỗi cao thêm. Nay thấy không khí nhộn nhịp mà trang nghiêm thế, nên cũng không mấy người vô tình bỏ qua mà không thăm viếng. Thăm rồi mới biết, có lẽ đây là một ngôi tịnh xá hiếm hoi vẫn còn giữ được cảnh cũ nếp xưa, như hồi hoà thượng Minh Đăng Quang sáng lập nên vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Đấy là một hệ phái Phật giáo mới, không phải như Bắc Tông với những ngôi chùa cổ kính hoặc đường bệ to tát; cũng không hẳn là theo lối Nam tông của những người Khmer Nam bộ trên đất Tây Ninh hoặc nhiều tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Dường như hệ phái khất sĩ không chú trọng nhiều đến quy mô hoặc sự hoành tráng của ngôi thờ tự. Tăng ni khất sĩ chú trọng hơn tới mặt di dưỡng tinh thần theo lời dạy của đức Phật Thích Ca. Vào thế kỷ trước, nhiều tịnh xá còn duy trì việc hành khất mỗi ngày, như một nghi lễ thiên về tinh thần hơn là vật chất. Để bàn chân trần luôn được đi trên những con đường bụi cát, để cùng được ăn, như một sự sẻ chia miếng ăn đẫm mồ hôi, nước mắt của nhân gian. Nay thì lệ xưa đã bỏ. Ngoài những đóng góp tự nguyện của phật tử giúp cho, thì các tăng ni cũng tự làm lụng kiếm sống. Mà cuộc sống của tăng ni khất sĩ vốn đơn giản lắm! Thường khi chỉ dùng một bữa trong ngày vào buổi trưa. Như các ni cô ở tịnh xá Ngọc Thuận này, có lẽ có nghề ươm giống cây hoa kiểng. Vì thế có rất nhiều những giỏ tre bé xíu xếp dọc theo các lối đi. Ở đấy nhô lên những mầm cây bông sứ kiểng mới chỉ to bằng ngón tay.
Quả thật Ngọc Thuận là một tịnh xá xanh ngời như ngọc. Người tới đây nếu vòng ra mé vườn sau dễ liên tưởng đến câu thơ Hàn Mặc Tử: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”. Khu vườn ấy thênh thang một rừng cây khép tán, nên dường như nắng tháng bảy chỉ tìm được lối ùa vào ở mấy nơi có xây đài tượng Quan Thế âm, hoặc nhà nghỉ chân xây kiểu đình tạ trong vườn. Nếu chỉ đi ngoài quốc lộ, cũng không thể biết rằng tịnh xá vốn nằm trên một gò cao, bởi vườn sau lại như một chiếc ban công, bên dưới là sông Vàm Cỏ Đông miên man nắng. Vài con đường mòn lẩn khuất quanh qua những gốc cây cổ thụ hoặc vài bụi tre trúc, tầm vông. Vài chiếc võng chung chiêng giăng mắc…
![]() |
Am cốc ở tịnh xá Ngọc Thuận - phường 1, Thị xã |
Công trình trung tâm của tịnh xá chính là ngôi chính điện. Dù ngày nay nhiều tịnh xá Tây Ninh đã lên tầng với mặt bằng chữ nhật thật dài, nhưng bao giờ cũng phải có một phần riêng có mặt bằng hình bát giác. Mái lợp không gian ấy thường là 8 mái lợp tôn hoặc ngói, hai tầng xếp kiểu chồng diêm. Vào các ngày lễ như Vu lan, Phật đản… tăng, ni khất sĩ sẽ tề tựu trong chính ngôi này, chung quanh bệ đặt tượng Phật Thích Ca cũng hình bát giác. Ở các vòng ngoài sẽ là phật tử cũng ngồi xếp bằng ngay trên nền nhà, thực hiện các lễ nghi. Ở các ngôi tịnh xá còn giữ được nếp xưa như Ngọc Thuận này, hoặc Ngọc Thạnh trên phường I (Thị xã), thường là những nơi có vườn rộng cây cao cùng đủ các loài kiểng bông do tăng ni tự tạo hoặc phật tử cúng dường. Trong số ấy không thể thiếu các loài sen, sứ, cọ, cau, mai vàng, tứ quý, chiếu thuỷ, dạ lý hương… vừa đẹp dáng, vừa thơm hương bát ngát.
Quanh co theo những lối khuất khúc trong vườn, đôi khi ta gặp những am cốc nhỏ, lợp lá hoặc tôn nhỏ xinh như một túp lều vó từng gặp đâu đó ở bờ kênh rạch. Đấy chính là những nơi tĩnh tâm tu hành của các vị tăng, ni khất sĩ. Giữa một không gian biếc xanh, rì rào tiếng lá rơi hay tiếng gió, ngồi xuống bậc thềm một am cốc nhỏ, bỗng thấy lòng thảnh thơi như đã sạch bụi trần.
TRẦN VŨ