BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những trạm bơm phía Tây sông Vàm Cỏ

Cập nhật ngày: 13/08/2013 - 09:59
HTML clipboardHiệu quả kinh tế và xã hội của các trạm bơm này đã thấy rõ, nhân dân có ruộng đất trong các vùng tưới rất phấn khởi, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên…

Trạm bơm Hoà Thạnh

(BTN) - Nằm bên bờ Tây dòng sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ), ngoài toàn bộ huyện Bến Cầu. Còn có một phần huyện Trảng Bàng và một phần huyện Châu Thành. Từ nhiều năm qua, tuy ở khu vực này đã có một số trạm bơm được đầu tư, đưa vào hoạt động và đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, so với diện tích thực tế thì số diện tích thực tưới của những trạm bơm chẳng thấm vào đâu.

BẾn CẦu có nhiỀu trẠm bơm, nhưng chưa đỦ

Huyện Bến Cầu gần như là huyện thuần nông, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 27.000 ha. Được sự quan tâm của tỉnh, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 5 trạm bơm cùng với hệ thống kênh mương đưa nước đến ruộng đồng.

Trong đó có 4 trạm đã hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn một trạm cũng đã xây dựng xong và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Đến thời điểm này, huyện Bến Cầu là địa phương có nhiều trạm bơm nhất tỉnh.

Ông Phạm Văn Sơn, 62 tuổi, nhà ở ấp Long Phi, xã Long Thuận cho biết, từ khi có trạm bơm Long Thuận, mỗi năm gia đình ông cũng như bà con toàn khu vực sản xuất được 3 vụ lúa, mỗi vụ thu hoạch trung bình khoảng 250 giạ/ha. Từ năm 2008 đến nay, Nhà nước miễn luôn tiền thuỷ lợi phí cho dân nên gia đình ông cũng như bà con ở đây càng phấn khởi nhiều hơn.

Ông Sơn cho biết thêm, ngoài diện tích ruộng ở ấp Long Phi, ông còn có 3 ha ruộng ở ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận (Bến Cầu). Ở cánh đồng này chưa có trạm bơm nên gia đình ông phải bơm bằng máy dầu lấy nước từ rạch lên ruộng với chi phí khá cao- mỗi vụ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Từ đó, bà con có ruộng ở cánh đồng ấp Xóm Lò mong mỏi cấp trên cho xây dựng trạm bơm ở khu vực này.

Trước mắt, Nhà nước cần hỗ trợ hạ thế đường dây điện kéo về đây để nông dân bơm nước bằng mô tơ điện, chi phí rẻ hơn bơm máy dầu.

Ông Nguyễn Sở Vân- Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết, xã có 2.483 hộ, với 9.853 nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên gần 2.214 ha, trong đó có hơn 1.990 ha đất nông nghiệp. Điều rất đáng mừng là trên địa bàn xã hiện có được 2 trạm bơm là Long Thuận và Long Hưng.

Trong đó trạm bơm Long Thuận có diện tích tưới thiết kế là 700 ha và trạm bơm Long Hưng có diện tích tưới thiết kế 785 ha. Đến nay, một số cánh đồng trên địa bàn xã Long Thuận đã sản xuất 3 vụ/năm, năng suất, chất lượng cây trồng cũng được nâng cao.

Ở huyện Bến Cầu còn có thêm hai trạm bơm với diện tích tưới thiết kế lên đến hơn 1.000 ha là Bến Đình và Long Khánh. Trong đó, trạm bơm Bến Đình được xây dựng từ năm 2009, công suất thiết kế tưới cho 850 ha, vụ Đông Xuân 2012 - 2013 đã tưới được là 712 ha, đạt 83,83% so diện tích thiết kế và  vụ Hè Thu tưới được hơn 745 ha. Còn trạm bơm Long Khánh có diện tích thiết kế 220 ha, vụ Đông Xuân 2012 - 2013 thực tưới trên 188 ha- đạt trên 85% so diện tích thiết kế, còn vụ Hè Thu này diện tích tưới gần 190 ha. Ngoài ra, còn có trạm bơm Long Phước A có diện tích thiết kế tưới cho huyện Bến Cầu 650 ha đất nông nghiệp và phòng chống cháy cho 740 ha rừng Nhum.

Tuy nhiên, dù đã có 5 công trình trạm bơm với tổng diện tích tưới thiết kế lên hơn 3.000 ha, nhưng trên địa bàn huyện Bến Cầu vẫn còn nhiều cánh đồng thiếu nước tưới vào mùa khô. Cụ thể như ở xã Long Khánh còn khoảng hơn 1.000 ha ruộng, xã Long Phước còn khoảng hơn 700 ha, xã Long Chữ còn khoảng 800 ha ruộng… cần có nước tưới vào mùa khô.

Từ đó, huyện kiến nghị các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng xem xét đầu tư thêm một số trạm bơm để đảm bảo đủ nước tưới cho các cánh đồng.

Châu Thành sẼ có thêm trẠm bơm mỚi

Đang chăm sóc ruộng lúa vừa xuống giống vụ mùa, anh Hoát Văn Tèo (sinh năm 1966) cho biết, anh có 1,6 ha ruộng trên cánh đồng ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh (Châu Thành). Trước kia, mỗi năm anh làm chỉ có một vụ lúa mùa vì mùa khô không có nước sản xuất, cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, gia đình anh làm ăn khấm khá hơn nhờ có trạm bơm giúp ruộng anh sản xuất được đến 3 vụ lúa trong năm, mỗi vụ năng suất đạt đến 5-6 tấn/ha.

Không chỉ riêng gia đình anh Tèo, mà phần lớn bà con sản xuất lúa trên cánh đồng Hiệp Phước đều được hưởng lợi như gia đình anh Tèo. Đó là kết quả từ sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng trạm bơm Hoà Thạnh.

Ông Trần Hồng Thiện- Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết, xã có 3.290 ha đất nông nghiệp, phần lớn thuộc loại đất bạc màu. Trước đây khi chưa có trạm bơm, hầu hết các cánh đồng của xã mỗi năm sản xuất có một vụ lúa, mà năng suất rất thấp. Từ năm 1998, cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng một trạm bơm ở địa bàn ấp Hiệp Thành, với công suất thiết kế 380 ha.

Lúc đầu hệ thống kênh dẫn nước chưa ổn định, hiệu quả của trạm bơm cũng chưa cao. Sau đó Nhà nước đầu tư kiên cố hoá hệ thống kênh mương, đến nay gần như toàn bộ diện tích tưới theo thiết kế của trạm bơm Hoà Thạnh đều lấy được nước tưới. Nhờ đó mà ruộng trong vùng tưới tăng được từ 1 vụ lên 3 vụ trong năm, đời sống của bà con- trong đó có một bộ phận bà con dân tộc Khmer, được nâng lên rõ rệt.

 Ông Phạm Ngọc Bình- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã nằm ở cánh Tây sông VCĐ gồm: Biên Giới, Hoà Thạnh, Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn 6 xã này cũng chỉ mới có một trạm bơm điện Hoà Thạnh mà thôi. Đồng thời, theo thiết kế thì trạm bơm Long Phước A cũng chỉ tưới cho khu vực xã Ninh Điền được 250 ha.

Từ đó, sản xuất nông nghiệp của bà con vùng biên giới này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do thiếu nước tưới. Song song đó, việc thực hiện tiêu chí về thuỷ lợi theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các xã cánh Tây cũng gặp nhiều khó khăn.

Một con kênh đã được bê tông hoá ở xã Long Thuận

Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã cánh Tây huyện Châu Thành đều có đề xuất xây dựng trạm bơm. Qua trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, chúng tôi được biết, trong tháng 6.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trạm bơm Tân Long (trạm bơm Cù Ba Chàm), với diện tích thiết kế 731,85 ha đất nông nghiệp thuộc xã Biên Giới (Châu Thành) với tổng mức đầu tư trên 123 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có trạm bơm Hoà Thạnh 2, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh làm chủ đầu tư với mục tiêu tưới cho 368 ha đất nông nghiệp ở xã Hoà Thạnh (Châu Thành) với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng.

Riêng dự án trạm bơm Thành Long, với nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 2.200 ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.000 ha đất trồng mía nông trường Thành Long (thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hoà) và 1.200 ha đất nông nghiệp thuộc xã Thành Long, có mức đầu tư dự kiến trên 129 tỷ đồng. Dự án này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định phê duyệt từ ngày 1.9.2009, đến nay đang chờ bố trí vốn.

LỜi kẾt

Trên con đường xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có tiêu chí về thuỷ lợi. Khi các xã thực hiện đạt được tiêu chí này sẽ góp phần đáng kể vào việc thực hiện đạt một số tiêu chí khác như thu nhập người dân, giảm hộ nghèo… Bởi vì, khi hệ thống thuỷ lợi đầy đủ và hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Từ đó tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, giảm được hộ nghèo.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng đã đầu tư được một số trạm bơm và hệ thống kênh mương thuỷ lợi trên địa bàn cánh Tây sông VCĐ. Hiệu quả kinh tế và xã hội của các trạm bơm này đã thấy rõ, nhân dân có ruộng đất trong các vùng tưới rất phấn khởi, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên hiện nay ở cánh Tây dòng sông VCĐ vẫn còn nhiều cánh đồng đang rất cần có hệ thống trạm bơm thuỷ lợi. Nông dân sản xuất ở những cánh đồng này rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng trạm bơm để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

D.H