Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lược ghi tại hội thảo dự án làm đường ô tô lên đỉnh núi Bà Đen:
Những ý kiến khác nhau
Thứ hai: 05:49 ngày 03/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 30.6, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tổ chức hội thảo về tính khả thi của dự án làm tuyến đường xe ô tô lên đỉnh núi Bà Đen. Tham dự buổi hội thảo có đại diện của nhiều sở, ban, ngành liên quan cùng một số vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ. Thông tin từ hội thảo cho thấy, ý tưởng làm đường cho xe ô tô lên ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam bộ đang có những ý kiến khác nhau.

Ông Trần Hữu Hậu- Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Tây Ninh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu trước khi vào nội dung chính của buổi hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (gọi tắt là Ban Quản lý) cho biết, ý tưởng làm đường ô tô lên đỉnh núi thực ra đã có từ thời chế độ cũ. Sau khi đất nước thống nhất, trải qua nhiều giai đoạn, ý tưởng này tiếp tục được đặt ra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên chưa triển khai.

Thời gian qua, việc khai thác tiềm năng du lịch ở quần thể danh thắng núi Bà Đen vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động đầu tư khai thác chỉ mới dừng lại ở một số hạng mục như cáp treo, công trình vui chơi giải trí. Hoạt động du lịch mới dừng lại ở mức độ sơ khai, quy mô còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch cũng như vị trí của một khu du lịch quốc gia.

Hai phương án, chọn một

Đại diện Ban Quản lý cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng nêu trên là chưa có tuyến đường bộ lên đỉnh núi. Vì vậy, việc thực hiện dự án làm đường ô tô lên đỉnh núi là cần thiết. Đây là tiền đề để thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả hoạt động kinh tế du lịch.

Tuyến đường ô tô lên đỉnh núi sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đưa quần thể khu du lịch này trở thành một điểm nhấn quan trọng của toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ.

Mục tiêu đến năm 2020 là đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hoá, tâm linh, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao và cơ bản đáp ứng được tiêu chí của một khu du lịch mang tầm quốc gia.

Theo tính toán, đến năm 2020, khu du lịch này sẽ đón 4 triệu lượt khách và đến năm 2030 nâng lên 6 triệu lượt, tức gần 6 lần dân số tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2020, tổng số tiền thu được từ khách du lịch đến với núi Bà Đen đạt 1.500 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 4.500 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành).

Để làm đường cho xe ô tô lên đỉnh núi, có hai phương án thiết kế. Phương án 1 được bắt đầu tại ngã ba giao nhau giữa tuyến đường vào Ma Thiên Lãnh với tuyến đường vành đai núi. Tuyến đường sẽ đi vòng quanh núi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ với tổng chiều dài 14,55km. Điểm cuối của phương án là đỉnh núi Bà, với cao độ 900m.

Còn với phương án 2, điểm xuất phát là bãi đậu xe của khu du lịch, tuyến đường đi vòng quanh núi cùng chiều kim đồng hồ với tổng chiều dài 13,84km. Điểm cuối của tuyến đường làm theo phương án 2 cũng ở độ cao 900m.

Cả hai hướng đi của tuyến đường không phạm vào các khu vực đã được quy hoạch như Khu du lịch núi Bà Đen, Khu du lịch Ma Thiên Lãnh và trạm thu, phát sóng của Đài Truyền hình Tây Ninh.

Với hai phương án nêu trên, lãnh đạo Ban Quản lý kiến nghị chọn phương án 1. Lý do, phương án này mặc dù tổng chiều dài có dài hơn 710m so với phương án 2 nhưng có nhiều ưu điểm.

Tuyến đường làm theo phương án 1 sẽ kết nối thuận lợi với Khu du lịch Ma Thiên Lãnh, đồng thời có thể kết hợp xây dựng tuyến đường nối với chùa Bà (tại vị trí chùa Hang) để phục vụ vận chuyển rác và hàng hoá phục vụ hoạt động du lịch.

Về khía cạnh kỹ thuật, tuyến đường có chiều rộng 6,5m, xe ô tô có thể chạy với vận tốc 30km/giờ. Dọc chiều dài tuyến đường lên đỉnh núi sẽ bố trí 3 trạm dừng chân để du khách nghỉ ngơi, thưởng ngoạn phong cảnh, nhìn về hướng TP. Tây Ninh và hồ Dầu Tiếng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến 2020. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ công trình dự kiến hơn 461 tỷ đồng.

Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625 (đơn vị tư vấn thiết kế) cũng đồng tình với phương án 1. Và nếu làm đường, nên chọn vật liệu bê tông xi măng.

Ông Trần Hải Sơn- Phó trưởng Ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen báo cáo phương án làm đường lên đỉnh núi.

Trên đỉnh núi có gì thu hút khách?

Một đại biểu vốn là cựu chiến binh từng nhiều năm đánh giặc tại khu vực núi Bà Đen nêu ý kiến rằng, phát triển du lịch ở đỉnh núi là đúng, vì khu vực này khí hậu rất tốt có thể làm nơi nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần xem xét trước khi quyết định đầu tư. Cả chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần xem xét kỹ lưỡng, vì xét về địa chất, núi Bà Đen phần lớn là đá, ít đất nên quá trình thi công sẽ cực kỳ gian khó. Để làm được con đường lên đỉnh núi, kinh phí có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng chứ không thể dừng lại mức hơn 461 tỷ đồng như dự toán.

Vẫn theo đại biểu này, ý tưởng phát triển du lịch ở khu vực Ma Thiên Lãnh (đã được đề cập nhiều lần) là thiếu cơ sở khoa học. Lý do, Ma Thiên Lãnh thực chất là một thung lũng, kín gió, du khách chỉ đến thung lũng này ăn ngủ, nghỉ rồi về, không phù hợp với các hoạt động du lịch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hùng Việt- nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh bày tỏ quan điểm ủng hộ quyết định đầu tư làm đường lên đỉnh núi. Lấy dẫn chứng từ một số địa phương, ông Việt cho rằng, đúng ra, đầu tư phát triển cho núi Bà Đen phải được làm từ lâu. Cũng theo ông, khi làm đường ô tô lên đỉnh núi, cần phát huy tối đa công năng để khai thác chứ không chỉ dành cho xe ô tô chuyên dụng. Về lựa chọn phương án, ông Việt ủng hộ phương án 1, vật liệu làm đường là bê tông xi măng để hạn chế sạt lở.

Ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành uỷ- Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh tán thành làm con đường nói trên. Theo ông Hậu, Tây Ninh đã và đang phát triển kinh tế theo hai lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Trong nông nghiệp công nghệ cao có cả hoạt động du lịch.

Nếu phát triển được du lịch núi sẽ thu hút được du khách, nhất là du khách có thu nhập cao. Làm con đường cho ô tô lên đỉnh núi còn tạo sự phát triển của khu vực sườn núi. Phải có con đường ô tô lên đỉnh núi mới thu hút được nhà đầu tư lớn chịu đầu tư vào khu vực này. Về lâu dài, khu vực này cần phát triển các loại sản phẩm du lịch, trò chơi mạo hiểm.

Theo ý kiến của một chủ doanh nghiệp kinh doanh các hoạt động du lịch, Tây Ninh hiện chưa có một công trình du lịch nào tầm cỡ để thu hút du khách. Đơn vị tư vấn cần tổ chức khảo sát trực tiếp để làm căn cứ đánh giá tác động môi trường chứ không thể chỉ lấy hình ảnh qua mạng internet. Về khía cạnh kỹ thuật, nếu làm con đường lên đỉnh núi, cần phải làm cho mọi loại xe ô tô đều có thể đi được, không riêng gì xe chuyên dụng.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Sở Giao thông - Vận tải đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế cần xem xét lại mức vốn đầu tư. Vì theo tính toán, để làm con đường này, có thể cần một khoản kinh phí gấp 2 hoặc 3 lần con số hơn 460 tỷ đồng.

Và như vậy, nếu vốn công trình được lấy từ nguồn ngân sách thì có bảo đảm cho việc thu hồi vốn không? Và nếu tư nhân bỏ vốn đầu tư, liệu có thu được lợi nhuận như trong tính toán hay không, điều đó cần được bàn thảo kỹ lưỡng, không thể vội vàng.

Đơn vị tư vấn thiết kế thuyết minh tuyến đường lên đỉnh núi dành cho xe ô tô.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu làm đường lên núi, điều cần lưu ý đầu tiên là phải bảo vệ được đa dạng sinh học ở quần thể núi Bà Đen, trong đó có loài thằn lằn núi. Làm du lịch sinh thái không được phá vỡ hoặc làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái.

Có mặt tại hội thảo, đại diện Hội Kiến trúc sư tỉnh bình luận, mục đích làm con đường nói trên chưa rõ ràng. Do vậy, trước khi quyết định đầu tư, cần trả lời cho được câu hỏi: làm đường lên đỉnh để làm gì? Trên đỉnh núi có gì thu hút du khách? Nếu như chỉ có một ngôi chùa, liệu nhà đầu tư có thu hồi được vốn không? Theo ý kiến của vị kiến trúc sư này, đã lên núi thì đi bộ, trèo đèo lội suối mới hấp dẫn, còn ngồi xe ô tô không còn cái thú leo núi nữa.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng ban Quản lý khu du lịch cho biết, đây chỉ mới là cuộc hội thảo xem có nên đầu tư làm đường ô tô lên đỉnh núi hay không, các vấn đề liên quan sẽ được làm rõ sau.

Đồng thời ông Bình cũng thông tin: nếu dự án được triển khai, trên đỉnh núi sẽ có một quảng trường và đền thờ Bà Đen (Lý Thị Thiên Hương). Liên quan phương thức đầu tư, có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó phần lớn ủng hộ hình thức đối tác công tư (PPP).

Cách nay chưa lâu, trong đợt khảo sát về tình hình phát triển du lịch, một số đại biểu, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh cũng lưu ý: nếu làm đường cho xe ô tô lên đỉnh núi cần tính toán kỹ. Vì nếu chỉ lên rồi xuống, trên đỉnh núi không có dịch vụ gì, coi chừng du khách chỉ lên một vài lần là chán.

VIỆT ĐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục