Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sáng 9.8, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tân Châu tổ chức khánh thành Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, đánh dấu bước phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật y học tại địa phương.
Các điều dưỡng thực hiện thao tác chạy thận cho bệnh nhân
Tại buổi lễ, bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Ngọc Mai- Giám đốc TTYT huyện Tân Châu bày tỏ sự vui mừng khi đưa Đơn nguyên thận nhân tạo đi vào hoạt động phục vụ người dân. Trong những năm qua, TTYT huyện Tân Châu thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân suy thận mãn tính, tuy nhiên, đều phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trước thực tế đó, TTYT huyện Tân Châu đã chủ trương xin thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo nhằm giúp những bệnh nhân chạy thận trên địa bàn huyện Tân Châu và các huyện lân cận có nơi điều trị kịp thời và không phải đi xa để điều trị.
Sau hơn 12 tháng chuẩn bị về nhân sự, bổ sung trang thiết bị, kiểm tra các quy trình, hệ thống xử lý nước RO và được sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc của TTYT huyện Tân Châu đã chính thức đi vào hoạt động, đón những bệnh nhân đầu tiên đến lọc thận.
Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng được tập huấn chuyên môn 6 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), đồng thời được học tập kinh nghiệm lọc máu, chạy thận tại Bệnh viên Đa khoa Tây Ninh. Về cơ sở vật chất, Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa Cấp cứu - Hồi sức hiện có 9 giường, 1 hệ thống lọc và 9 máy chạy thận nhân tạo được nhập khẩu từ Đức với kinh phí gần 5 tỷ đồng. Sự ra đời của Đơn nguyên thận nhân tạo đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân suy thận trên địa bàn huyện Tân Châu.
Chị Nguyễn Thị Quý (SN 1985, ngụ xã Tân Hưng), một bệnh nhân bị suy thận đăng ký chạy thận tại TTYT huyện Tân Châu cho biết, chị bị suy thận gần 1 năm. Từ ngày bị bệnh, chị hay mệt, bị cao huyết áp phải đi cấp cứu tại TTYT huyện Tân Châu hoặc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Một tuần chị phải tốn hơn 1 triệu đồng để chạy thận, lọc máu, trong đó bao gồm viện phí và chi phí đi lại.
Do sức khoẻ yếu, nhiều lần đi chạy thận ở một số bệnh viện tại TP. Tây Ninh, chị thường bị mệt và đi lại khó khăn. Khi biết TTYT huyện Tân Châu có Đơn nguyên thận nhân tạo, chị vui mừng khôn xiết vì không phải bắt nhiều chuyến xe buýt để đi chạy thận nữa, giảm phần nào tiền đi lại và được khám bệnh đúng tuyến. Chị hy vọng Đơn nguyên thận nhân tạo của TTYT huyện Tân Châu sẽ hoạt động tốt để có thể điều trị cho nhiều bệnh nhận bị suy thân trên địa bàn huyện.
Tại Đơn nguyên thận nhân tạo, bệnh nhân được tiếp đón nhiệt tình, theo dõi sức khoẻ định kỳ và kiểm tra sức khoẻ tổng quát trước khi chạy thận, lọc máu. Bà Nguyễn Thị Út (SN 1961, ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Châu), một trong những bệnh nhân được lọc thận đầu tiên cho biết bà bị suy thận đã hơn 5 năm. Mỗi tuần, bà Út phải chạy thận đều đặn 3 lần tại Bệnh viện Đa khoa Cao Văn Chí.
Mỗi lần lọc thận, bao gồm luôn chi phí đi lại, ăn uống bà tốn gần 500.000 đồng. Biết TTYT huyện Tân Châu có Đơn nguyên thận nhân tạo, bà rất vui mừng và an tâm hơn vì vừa có thể điều trị gần nhà, vừa có thể giảm chi phí đi lại. Bà Út cũng rất hài lòng với thái độ chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ tại đây.
Việc đi vào hoạt động của Đơn nguyện thận nhân tạo của TTYT huyện Tân Châu đã đánh dấu bước ngoặt phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà nói chung và trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng khi đáp ứng công tác điều trị bệnh suy thận, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho người dân.
Ngọc Bích