Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều năm qua, Nguyễn Thanh Tùng vẫn làm việc hết mình vì lòng yêu nghề nghiệp, yêu rừng.

Giữa không gian đầy gió reo, líu ríu tiếng chim chuyền cành trên những tán rừng đang xanh lại màu xanh nguyên thuỷ, người đàn ông trung niên tay cầm rựa, mải mê phát quang đám cỏ dại, cho tán cây mới trồng vươn lên. Anh vừa đi tuần một vòng quanh khu rừng Năm Trại, thủ thỉ tâm sự với cây, với lá, mừng vui khi nhận thấy những dáng cây vươn lên từng ngày.
![]() |
Thấm thoắt đã hơn 20 năm anh Nguyễn Thanh Tùng gắn bó với khu rừng lịch sử này. Trong số hơn 5 mẫu rừng hiện tại, có hơn 9 công đất của gia đình anh đã sang nhượng lại để mở rộng khu di tích rừng Năm Trại. Không muốn xa rời khu rừng từng gắn bó với tuổi thơ mình, anh Tùng nhận giữ rừng di tích. Những năm đầu thập niên 90, mức phụ cấp giữ rừng của anh chỉ có 150.000 đồng/tháng. Vậy mà suốt ngày anh lăn lộn trong rừng, nâng niu từng cành non, vun bón từng gốc cây mới trồng. Cánh rừng vượt lên, xanh tốt trở lại dưới bàn tay chăm sóc cần mẫn của anh. Công việc hằng ngày của anh Tùng chủ yếu là giữ rừng không cho trâu bò vô phá cây cối, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng. Một mình tha thẩn với rừng, anh Tùng chỉ thực vui trong những dịp sắp tới ngày lễ kỷ niệm nào đó, khi các cựu chiến binh, đại diện các cấp, ngành tập trung về rừng Năm Trại tổ chức mít tinh, cắm trại. Hoặc khi lớp thanh niên trẻ tổ chức trồng cây mở rộng diện tích rừng. Những lúc đó anh Tùng vui lắm, anh tình nguyện tham gia mọi hoạt động như người trong cuộc mặc dù sau đó anh lại mệt phờ vì phải lo dọn dẹp các loại rác thải.
Không kỳ kèo, so đo chế độ đãi ngộ, không có tên trong danh sách kiểm lâm viên nhưng nhiều năm qua, Nguyễn Thanh Tùng vẫn làm việc hết mình vì lòng yêu nghề nghiệp, yêu rừng. Cơ quan chính quyền cũng có quan tâm, cố gắng chăm lo cho anh trong điều kiện có thể. Mấy năm sau mức phụ cấp hằng tháng của anh được nâng lên 350.000 đồng; rồi 450.000 đồng và bây giờ là 730.000 đồng/ tháng. Giữa thời buổi “gạo châu củi quế”, số tiền đó chỉ có thể phụ vợ anh chút mắm muối hằng ngày. Còn tiền ăn uống, tiền lo cho con học hành, ai hỏi điều đó, anh Tùng cũng chỉ cười vui: “Tôi tranh thủ làm việc khác kiếm tiền. Chỉ mong sao khu rừng xanh tốt lại như ngày xưa là vui rồi. Giá như Ban quản lý Khu di tích xây được cái hàng rào xung quanh, để thả nuôi mấy con heo rừng, gà rừng cho có thu nhập thì cũng đỡ”.
Thùy Phương