Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Viết ngắn
Niềm vui tháng mười
Chủ nhật: 10:21 ngày 29/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng mười âm lịch, tiết trời se lạnh. Sau một cơn bạo bệnh dài ngày, ba tôi dần dần khoẻ lại. Cả đại gia đình tôi rất biết ơn các thầy thuốc đã tận tình chữa trị và người thân, bạn bè đến thăm hỏi, động viên. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh” nhưng chuyện xưa tích cũ ba tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Ðó là niềm vui rất lớn đối với anh chị em tôi.

Nằm trên giường bệnh, nghe gió nhè nhẹ luồn qua khe cửa mang theo không khí hơi lành lạnh của buổi sáng, ba hỏi tôi: “Có phải sắp đến rằm tháng mười mình (âm lịch) rồi không? Tôi vội trả lời: “Dạ đúng rồi ba!”. “Vậy con kêu chị Hai đi mua nếp nấu  chè xôi cúng rằm nha. Rằm tháng mười là một trong ba rằm lớn trong năm đó”. Rồi ba cắt nghĩa thêm cho tôi nghe, rằm tháng mười còn gọi rằm hạ nguơn (hạ nguyên). Tuy là rằm lớn sau cùng trong năm (rằm tháng Giêng là thượng nguơn và rằm tháng bảy là trung nguơn), nhưng xưa kia ngày rằm này nhiều nhà cúng kiếng lớn lắm, nhất là những nhà có nhiều ruộng đất. Hồi đó, nông dân quê tôi mỗi năm làm có một vụ lúa dài ngày. Tháng tư, tháng năm âm lịch cấy lúa, đến tháng mười, tháng mười một, tháng Chạp (tuỳ theo giống lúa) mới thu hoạch. Ngoài cấy lúa gạo tẻ (lúa thường ăn hằng ngày), người dân quê tôi còn cấy lúa nếp để dành ăn tết, cúng rằm và làm đám giỗ…

So với lúa thường, hồi đó giống lúa nếp cho năng suất thấp lại hay bị thất bát, nông dân chỉ dành phần ít ruộng để cấy nếp, nhất là những đám ruộng sâu… So với lúa thường, lúa nếp thu hoạch sớm hơn. Vào đầu tháng mười là thu hoạch nếp. Ðến rằm tháng mười là có nếp mới cúng rằm. Vì vậy có người còn gọi rằm tháng mười là Tết mừng nếp mới. Những nông dân thu hoạch nhiều nếp, hoặc nhà giàu có (mua nhiều nếp) cúng rằm lớn. Những nhà ấy, không chỉ nấu xôi mà còn làm xôi nước (bánh trôi nước), gói bánh ít, bánh ú, bánh cấp, bánh cúng (tên một loại bánh gói bằng lá dứa dại, hình thon và dài) và bánh tét nữa… Không chỉ cúng và ăn trong gia đình, những người “thảo ăn” còn đem biếu cho bà con hàng xóm. Những nông dân nghèo không có ruộng cấy nếp, những người đi đập lúa mướn (như ba tôi) cúng rằm đơn giản hơn. Họ chỉ mua vài lít nếp về nấu chè (nếp nấu với đường) và xôi (cơm nếp và muối đậu) để cúng trời phật, tổ tiên, ông bà… Qua rằm tháng mười, nông dân bắt đầu thu hoạch lúa mùa sớm (giống lúa xương gà). Thu hoạch lúa xương gà xong nhiều nhà nông lại cúng mừng cơm gạo lúa mới… 

Nghe ba kể đến đó, cả khung trời tuổi thơ hiện về trong tôi- nhất là niềm vui của những ngày tháng mười âm lịch. Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, không có một mảnh ruộng cấy lúa. Ðể nuôi ba đứa con thơ côi cút vì mất mẹ sớm, ba tôi làm thuê đủ thứ việc. Từ công việc ngoài đồng ruộng cho đến lò gạch, lò đường… trong đó có đập lúa mướn (cắt đập lúa ăn chia với chủ ruộng). Ðể có nếp mới cúng rằm tháng mười (mà chủ yếu là cho các con ăn), từ cuối tháng chín là ba tìm đến những chủ ruộng quen biết cấy nhiều lúa nếp hỏi xin đập mướn ăn chia. Làm ăn lâu năm, những chủ ruộng trong làng đều biết ba tôi cắt đập lúa kỹ càng, không rơi rớt, ít thất thoát, lại ăn chia với chủ đúng mực, nên rất nhiều chủ ruộng  đồng ý cho ba đập lúa mướn, trong đó có lúa nếp, thuộc dạng “quý hiếm” đầu mùa.

Như nói ở phần trên, lúa nếp thường được nhà nông cấy ở những đám ruộng sâu trũng. Ðến tháng mười, nước bắt đầu hạ lụt, nhưng những đám ruộng nếp vẫn còn rất nhiều nước và thu hoạch rất khó khăn. Ðể ăn chia được một táo lúa nếp (một thúng- khoảng 20 lít), từ sáng sớm ba vác bồ, cầm liềm xuống bến, chèo xuồng qua sông hướng đến những đám ruộng mà ba xin đập mướn. Rồi ba lôi xuồng lặn ngụp suốt ngày trong ruộng nước, cắt lúa bỏ lên xuồng và đẩy vào một cái gò, nơi có chiếc bồ mà đập lúa. Ðể kịp cúng rằm tháng mười, đập được một giạ nếp (hai thúng), ba tranh thủ phơi, giê và nhờ cô hay chú tôi mang đi xay. Gọi là cúng rằm, nhưng năm nào cũng vậy, chiều ngày mười bốn âm lịch là ba tranh thủ nghỉ việc sớm, về nhà mua đậu phộng, đường nấu chè, cơm nếp cúng rằm. Sau lễ cúng, anh chị em tôi được thưởng thức món chè, cơm nếp mới dẻo, ngọt, béo bùi, thơm ngon vô cùng. Vào nửa cuối tháng mười, ba quên mệt nhọc, chèo chống xuồng đi đập lúa xương gà mướn hết chủ ruộng này đến chủ ruộng kia. Khi trong nhà có được vài giạ lúa, ba tranh thủ phơi giê và nhờ người thân đi xay sẵn. Vào ngày cuối tháng mười, ba tranh thủ về nhà sớm, nấu cơm gạo lúa mới cúng ông bà cùng với các món canh chua cá lóc, cá rô kho khô, cá trê chiên (cá do ba đặt lờ, giăng lưới), thịt ba rọi kho... Ðây là bữa cơm thịnh soạn nhất của nhà tôi trong năm (không tính bữa cơm cúng rước ông bà ngày ba mươi tết). Tất nhiên là anh chị em tôi được một bữa ăn no căng tròn bụng. Suốt thời niên thiếu của tôi, sau những ngày tết nguyên đán, anh chị em tôi lại trông đợi cho đến tháng mười. Anh chị em tôi trưởng thành, học hành nên người nhờ có hạt gạo, hạt nếp thấm đẫm mồ hôi với những tháng ngày lặn lội đi đập lúa mướn của ba.  

Nông nghiệp ngày càng phát triển, lúa (kể cả lúa nếp) ngắn ngày thay thế lúa dài ngày. Cánh đồng quê tôi mỗi năm làm hai vụ lúa (Ðông Xuân và Hè Thu). Thời điểm tháng mười âm lịch ruộng đồng còn bỏ không (nông dân né lũ lụt), không còn ai cấy lúa, cấy nếp gì nữa. Rằm hạ nguơn ở quê tôi vẫn còn nhiều người nấu chè, xôi để cúng, nhưng không phải là nếp mới. Và tất nhiên, trong những ngày cuối tháng mười cũng không còn ai cúng mừng cơm gạo lúa mới nữa. Anh em tôi giờ đều có nhà riêng, chỉ còn chị Hai vẫn sống chung với ba. Nhà riêng của chúng tôi thì không ai cúng rằm, chỉ có chị Hai vẫn nghe theo lời ba, giữ nếp xưa, mỗi năm đều đặn ba lần mua nếp về nấu chè, xôi cúng các ngày rằm lớn.

T.L

Tin cùng chuyên mục