BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 50 năm Ngày Kiểm lâm Việt Nam (21.5.1973 - 21.5.2023):

Nỗ lực, bảo đảm chỉ tiêu trồng rừng 

Cập nhật ngày: 19/05/2023 - 14:37

BTN - Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn lịch sử, những người giữ rừng đã không ngừng khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cây vên vên 215 tuổi, cao 44m tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được công nhận Cây di sản Việt Nam năm 2016.

Hành trình không mệt mỏi

Rừng tự nhiên ở Tây Ninh có vai trò và giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, không chỉ có giá trị cao về môi trường, sinh thái, phòng, chống xói mòn, rửa trôi đất, ngăn lũ ống, phòng hộ đầu nguồn mà còn là hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng của khu vực Nam bộ.

Từ khi thành lập, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh- qua từng giai đoạn nhất định, với những tên gọi: Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Tây Ninh (trực thuộc UBND tỉnh, 1976-1980); Kiểm lâm tỉnh trực thuộc Sở Lâm nghiệp, Sở Nông lâm (1980-1994); Chi cục Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh (1994-2006); Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở NN&PTNT (2007-2018 và 2019 đến nay) đã trải qua 47 năm xây dựng và không ngừng phát triển.

Tây Ninh có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 73.272,53 ha. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 43,8%, rừng phòng hộ 41,8% và rừng sản xuất 14,4%. Tỷ lệ che phủ rừng 16,3%, diện tích rừng tập trung chủ yếu trên địa bàn 17/17 xã có rừng. Toàn bộ diện tích rừng đều được giao cho các Ban Quản lý rừng, UBND các huyện và đơn vị quản lý, bảo vệ.

Bà Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, khi mới thành lập, ngành chỉ có 5% cán bộ, công chức có trình độ đại học và trung cấp, hiện nay, hầu hết đã được trang bị trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

“Dù trải qua những khó khăn, thách thức trong từng giai đoạn nhất định, nhưng thành quả lớn nhất của chúng tôi thời gian qua là bảo vệ nguyên trạng rừng hiện có đã được phê duyệt để làm giàu rừng. Đồng thời, xử lý được hầu hết các diện tích đã bị lấn chiếm trước đây và đưa vào trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch đề ra”- bà Hà nói.

Bảo đảm chỉ tiêu trồng rừng

Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng diện tích trên 33 ngàn héc-ta, là rừng đầu nguồn có vai trò quan trọng trong việc điều hoà nguồn nước, lá chắn ngăn chặn lũ quét, lũ ống… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động xây dựng các nhóm hộ nhận khoáng khoanh nuôi bảo vệ rừng, tăng cường đội, nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng, bám sát địa bàn để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm mới phát sinh… từ khi thành lập đến nay, diện tích rừng nguyên sinh được quản lý bảo vệ nguyên vẹn, rừng trồng không ngừng phát triển.

Theo ông Phạm Chí Trung- Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nhờ chủ động tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, nhiều năm qua, hàng trăm héc-ta rừng bị lấn chiếm đều được xử lý, thu hồi, trồng rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp.

“Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, không để bị mất rừng, suy thoái rừng, đảm bảo chỉ tiêu trồng rừng hằng năm. Tính đến năm 2022, chúng tôi đã thực hiện trồng 659 ha rừng phòng hộ theo Nghị định 156 Chính phủ, đạt 132% kế hoạch. Đến năm 2025, chúng tôi trồng thêm 1.000 ha rừng theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao”- ông Trung cho biết.

Bà Trần Thị Ngân Hà chia sẻ: “Rõ nhất là khâu tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn về chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước. Chúng tôi đã vận dụng bài học này một cách xuyên suốt và nhận được sự ủng hộ đặc biệt của người dân có hợp đồng trồng rừng, sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh”.

Thống kê đến nay, tỉnh đã thu hồi hơn 4.000 ha diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Đó là thành quả của ngành Kiểm lâm trên suốt chặng đường từ khi thành lập đến nay. Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: “Với tổng diện tích trên 73.000 ha rừng, so với các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Ninh có diện tích rừng lớn nhất. Nhiều năm qua, rừng tại địa phương đã được bảo vệ tốt, nạn phá rừng để làm rẫy gần như không còn”.

Tuần tra trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu).

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, những năm qua, kinh tế - xã hội Tây Ninh có bước phát triển vượt bậc. Số liệu tăng trưởng của tỉnh trong quý I.2023 cho thấy, tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 8.400 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ; du lịch tiếp tục là điểm sáng với 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 980 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ.

Trong đó, có sự kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường rừng là nhiệm vụ quan trọng được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân quan tâm, lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt đồng thực hiện.

 Qua 47 năm thành lập, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, đoàn thể, nhân dân cùng nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động qua nhiều thế hệ.

Lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh không ngừng được củng cố, kiện toàn và ngày càng vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương. Với những thành tựu đó, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của công tác bảo vệ và phát triển rừng của cả nước. Tập thể Chi cục nhiều năm liền được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh tặng bằng khen; nhiều công chức Kiểm lâm được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp của ngành.

Phát huy kết quả đạt được, trong chặng đường phía trước, lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng theo yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra.

Tâm Giang