Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Riêng đối với chỉ số PCI, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm “Tốt”.
Qua 17 năm triển khai, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành nguồn thông tin khách quan cho chính quyền cấp tỉnh và chính quyền Trung ương trong việc hoạch định và thực thi chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ cho các bên có liên quan triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời là nguồn thông tin quan trọng để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn điểm đầu tư, kinh doanh. Do đó, cải thiện chỉ số PCI là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân làm việc tại nhà máy Công ty Trần Hiệp Thành (KCN Trảng Bàng) - Ảnh Tâm Giang.
Tây Ninh bị tụt hạng
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt, khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN; các chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN dễ tiếp cận và phù hợp với DN; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo dõi chỉ số PCI của Tây Ninh thời gian qua cho thấy, tỉnh quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số này. Từ một tỉnh có chỉ số PCI thấp trong giai đoạn 2006-2016, 5 năm trở lại đây, chỉ số PCI Tây Ninh có sự cải thiện đáng kể, vươn lên thuộc nhóm “Tốt”, “Khá”, đặc biệt năm 2019 là một trong 15 tỉnh, thành có chỉ số PCI dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên năm 2020 và 2021, điểm số và xếp hạng PCI của tỉnh có xu hướng giảm. Năm 2020, Tây Ninh đạt 64,16 điểm, xếp thứ hạng 24. Năm 2021, đạt 63,9 điểm, xếp hạng 37, tụt 13 bậc so với năm 2020 và từ nhóm “Khá” xuống nhóm “Trung bình”.
Đáng lưu ý, kết quả PCI 2021 của Tây Ninh có tới 9/10 tiêu chí thành phần đều bị giảm điểm so với năm 2020, chỉ duy nhất tiêu chí “Chính sách hỗ trợ DN” tăng (từ 4,95 lên 7,56 điểm). Trong xu hướng chung tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, nếu không có sự bứt phá vươn lên thì sẽ bị tụt hạng nhanh chóng.
Xác định các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh rất quan trọng đối với sự phát triển, tháng 6.2021, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025”.
Đề án này được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, có sự chỉ đạo xuyên suốt của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, phấn đấu duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh trong giai đoạn này. Riêng đối với chỉ số PCI, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm “Tốt”.
Theo đó, sẽ tập trung khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm những năm gần đây như chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN (rút ngắn thực chất thời gian giải quyết thủ tục đăng ký DN; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công khai minh bạch thông tin mời thầu; cung cấp đầy đủ, nhanh chóng thông tin cho DN khi có yêu cầu; tăng cường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; nâng cao hiệu quả đào tạo lao động và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho DN hoạt động).
Bên cạnh đó, từ năm 2022 tỉnh sẽ tổ chức đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị xã, thành phố. Cùng với xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, việc đánh giá, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện là những căn cứ khách quan để đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các địa phương.
Qua đó, thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét hơn trong công cuộc cải cách hành chính công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của từng huyện, thị xã, thành phố, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo báo cáo PCI 2021, tất cả các DN đang hoạt động tại Việt Nam đều chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19, 92% DN đánh giá trải nghiệm Covid-19 trong năm qua là “tiêu cực” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải theo điều tra PCI 2021 bao gồm: tìm kiếm khách hàng (69%), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (32%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (27%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%).
Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường đầu tư, kinh doanh được các DN nước ngoài (FDI) đánh giá tích cực. Cụ thể như gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm; cải cách thủ tục hành chính tạo chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm; chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cải thiện.
Đối với Tây Ninh, chỉ số PCI 2021 mặc dù giảm, song không thể phủ nhận những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đồng lòng vượt khó, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, Tây Ninh vẫn đạt tăng trưởng dương và tiếp tục là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I.2022 tăng trưởng rất khả quan.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, riêng tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I là 7.695 tỷ đồng, tăng 8,88% so với cùng kỳ, trong đó vốn ngoài nhà nước là 3.414 tỷ đồng (tăng 0,33%), khu vực FDI là 3.371 tỷ đồng (tăng 24,42%).
Đáng chú ý như Công ty TNHH ACTR với dự án chế tạo lốp xe Radia 312,93 tỷ đồng, tăng 455,84% so quý trước; Công ty TNHH ILShin Việt Nam dự án nhà máy sợi 524,5 tỷ đồng, tăng 317,85% so quý trước; Công ty TNHH Sailun Việt Nam dự án chế tạo lốp xe Radian 577,5 tỷ đồng tăng 82% so quý trước...
Đây là những con số đáng mừng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của cộng đồng DN sau những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành, hỗ trợ DN của tỉnh.
Tuy nhiên, những giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN cần tiếp tục được thực hiện tốt hơn nữa- nhất là cải thiện những hạn chế bị cộng đồng DN “chấm điểm” thấp đối với PCI của tỉnh như “tính minh bạch” (5,51 điểm), “cạnh tranh bình đẳng” (5,48 điểm), “đào tạo lao động” (5,19 điểm).
Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Theo báo cáo PCI 2021, từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2015 tới nay, số lượng phản hồi điều tra PCI đã lên tới 164.624 DN. Trung bình cứ 5 DN đang hoạt động tại Việt Nam có 1 DN từng tham gia điều tra PCI.
Những con số này cho thấy điều tra PCI đã và đang được cộng đồng DN đón nhận, xem đây như một kênh hiệu quả để phản ánh ý kiến của mình về môi trường kinh doanh tại các địa phương. Qua 17 năm triển khai, PCI đã trở thành nguồn thông tin khách quan cho chính quyền cấp tỉnh và chính quyền Trung ương trong việc hoạch định và thực thi chính sách cải cách kinh tế, hỗ trợ cho các bên có liên quan triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh.
Đồng thời là nguồn thông tin quan trọng để các DN, nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn điểm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo PCI năm 2021 và Đề án thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số phản ánh nền hành chính đã được phê duyệt, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương sớm khắc phục hạn chế, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao hơn nữa uy tín của tỉnh đối với các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước.
Phương Thuý