Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 9 tháng:
Nỗ lực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ bảy: 01:14 ngày 09/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 8.10, Uỷ ban Dân tộc tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình công tác dân tộc 9 tháng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Ông Hầu A Lềnh– Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Văn Trung- Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN tỉnh, ông Trần Minh Nay- Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Năm 2021, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật.

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ban hành chính sách đặc thù riêng như hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội cho học sinh là người dân tộc thiểu số các cấp; chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại các trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số không thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Uỷ ban Dân tộc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các Vụ, đơn vị và cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố tập trung phòng chống, ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Đại biểu nghe báo cáo công tác dân tộc trong 9 tháng qua của Uỷ ban Dân tộc.

Thông tin về dịch bệnh được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ. Các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hiện nay, hầu hết các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Đông Bắc đều là các vùng xanh an toàn.

Trên địa bàn Tây Ninh, có 21 dân tộc thiểu đang sinh sống với 5.127 hộ, chiếm 1,69% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Khmer, Chăm, Hoa, người Tà Mun và các dân tộc thiểu số khác. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong 9 tháng ổn định. 

Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc vay vốn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt để phát triển kinh tế. Các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt hiệu quả và tăng năng suất. 

Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường đúng độ tuổi, không để xảy ra tình trạng con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã vùng sâu, biên giới, nhất là xã đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, ưu tiên miễn giảm viện phí khi gặp khó khăn trong khám, chữa bệnh.

Đồng bào dân tộc thiểu số kiên định tư tưởng, lập trường, không dao động trước những luận điệu, diễn biến của thế lực thù địch, không tham gia các hoạt động móc nối, lôi kéo của các tổ chức, cá nhân phản động; duy trì và thực hiện các buổi tiếp xúc, sinh hoạt, giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tích cực tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Nội vụ.

Ông Hầu A Lềnh– Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc mong muốn UBND các địa phương hết sức quan tâm trong việc phân công, giao nhiệm vụ để tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tương xứng với vị thế, yêu cầu đòi hỏi trong thực tế hiện nay.

Ông Hầu A Lềnh– Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phát biểu tại hội nghị.

Ban dân tộc các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để phân công triển khai nhiệm vụ đầy đủ, hiệu quả, trọng tâm là các chính sách dân tộc trên địa bàn, bao gồm các chính sách của Trung ương, địa phương; bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các địa phương để nắm tình hình, tham mưu, phối hợp tham mưu triển khai các nhiệm vụ; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý để kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời khắc phục; có giải pháp phát huy vai trò của người có uy tín, để họ trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; cải cách lề lối làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục