BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986 - 1990:

Nỗ lực đưa nền kinh tế tỉnh nhà thoát khỏi tình hình căng thẳng, rối ren

Cập nhật ngày: 19/09/2015 - 09:30

>> Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ III, nhiệm kỳ 1982 - 1985: Coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nói chuyện thân mật với cán bộ huyện Tân Biên (Tây Ninh) ở lán làm việc của đồng chí Phạm Hùng trước đây tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trong chuyến thăm tỉnh Tây Ninh từ ngày 18 đến ngày 23.1.1990

Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IV (vòng 1) được tiến hành từ ngày 10 đến ngày 13.11.1986 với sự tham dự của 348 đại biểu thay mặt cho 6.477 đảng viên trên toàn tỉnh. Đại hội thảo luận, góp ý kiến các văn kiện dự thảo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội và bầu đoàn đại biểu gồm 13 đồng chí đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Tháng 12.1986, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện mục tiêu tổng quát mà Đại hội V đề ra là do bệnh chủ quan, duy ý chí, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách lớn và các mục tiêu chiến lược còn giản đơn, nóng vội.

Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức – cán bộ và phong cách lãnh đạo của Đảng; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Do nhiều nguyên nhân khách quan nên Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IV (vòng 2) không tổ chức được. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng rút Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Văn Thượng về Trung ương bố trí công tác khác, cử đồng chí Trịnh Văn Lâu - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ, quyết định bổ sung một số đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tháng 4.1987, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TU, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VI) về “giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông”. Nghị quyết này đánh giá tình hình hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 8 khoá V của Trung ương về giá – lương – tiền, Tây Ninh đã có một số chủ trương, giải pháp tích cực thực hiện nội dung cơ bản của Nghị quyết là “xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN”, thực hiện một giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp và bù giá vào lương cho các đối tượng chính sách;

Thực hiện cơ chế giá linh hoạt trong thu mua lương thực, nông sản để khuyến khích phát triển sản xuất; mở rộng phương thức thanh toán bằng tiền mặt theo giá thoả thuận, từng bước giảm dần phương thức trao đổi bằng hiện vật giữa các đơn vị kinh doanh của Nhà nước với nông dân…

Tỉnh uỷ khẳng định: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 là yêu cầu cấp bách để đưa nền kinh tế tỉnh nhà thoát khỏi tình hình căng thẳng, rối ren. Tuy phải có thời gian nhiều năm để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 2 đề ra, song yêu cầu đặt ra là phải tạo cho được sự chuyển biến rõ rệt, có hiệu quả trong một thời gian nhất định, kiên quyết không để giẫm chân tại chỗ hoặc làm cho tình hình xấu thêm.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26, Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp, các ngành phải có sự hợp tác chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, không ỷ lại, thụ động, tắc trách, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… Phải bám sát yêu cầu sản xuất và đời sống hằng ngày của nhân dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm cho địa phương, cơ sở tự chủ tốt hơn trong sản xuất, kinh doanh theo hướng xoá bao cấp, tăng cường hạch toán kinh doanh XHCN.

Cuối tháng 12.1989, Tỉnh uỷ mở hội nghị đánh giá tình hình năm 1989 và đề ra mục tiêu, giải pháp cần tập trung lãnh đạo thực hiện trong năm 1990 – năm cuối của nhiệm kỳ nhằm tạo tiền đề thuận lợi tiến tới Đại hội Đảng bộ lần thứ V (nhiệm kỳ 1991 – 1995).

Tỉnh uỷ một số việc trọng tâm tập trung thực hiện trong năm 1990, trong đó nhấn mạnh việc cần tiếp tục ổn định vững chắc việc điều chỉnh tư liệu sản xuất và lao động một cách hợp lý, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá nhiều thành phần gắn với tổ chức thị trường và lưu thông hàng hoá. Đẩy mạnh công tác xuất nhâp khẩu. Tăng cường tìm hiểu thị trường và tổ chức thị trường cả hai khu vực, tiêu thụ ổn định các sản phẩm chủ yếu của địa phương.

Đẩy mạnh việc củng cố kinh tế quốc doanh, khôi phục vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế. Tổ chức khảo sát đánh giá đúng thực chất tình hình kinh tế tập thể. Củng cố và xây dựng lại kinh tế hợp tác theo hướng đa dạng hoá về hình thức tổ chức và trình độ. Tổ chức tốt công ăn việc làm cho người lao động. Huy động nhiều nguồn vốn bên trong và bên ngoài để đầu tư phát triển.

Chấn chỉnh lại một bước công tác xây dựng cơ bản. Huy động nhiều nguồn vốn của các thành phần kinh tế (cả đầu tư nước ngoài) để mở rộng quy mô cơ sở vật chất kỹ thuật. Đầu tư mạnh cho thuỷ lợi, nông, lâm nghiệp, chế biến nông sản. Mở thêm đất mới, ngành nghề mới để thu hút lao động…

BTN

* Bài viết sử dụng tư liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cung cấp và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005).