Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực rất lớn của Chính phủ và quyết tâm rất cao của Thủ tướng
Thứ tư: 20:05 ngày 27/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo TS Nguyễn Đình Cung, phải nhìn lại bối cảnh rất khó khăn khi bắt đầu nhiệm kỳ này mới thấy được nỗ lực thay đổi rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, với quyết tâm chính trị rất cao của Thủ tướng trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng kết luận Hội nghị với doanh nghiệp, ngày 17/5/2017. - Ảnh: VGP

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về những định hướng lớn, những đổi mới trong cách thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2017.

Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trong năm 2017?

TS Nguyễn Đình Cung: Phải nói rằng nhiệm kỳ mới của Chính phủ được bắt đầu trong một thời điểm rất khó khăn. Tuy rằng khủng hoảng đã qua, kinh tế vĩ mô đã ổn định dần và ngày càng vững chắc hơn nhưng có nhiều yếu tố rất không thuận lợi.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn trong đà đi xuống, tuy rằng vẫn tương đối cao. Kết quả của chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa có nhiều dấu hiệu thay đổi, ví dụ tăng trưởng của năm 2015 ở mức cao nhưng nhìn chung phụ thuộc chủ yếu vào khai thác thêm tài nguyên như dầu hay than đá.

Đặc biệt, thiên tai, hạn hán ở khu vực ĐBSCL và cả dải miền Trung, kết hợp với sự cố môi trường biển dẫn tới nông nghiệp, thủy sản và một mức độ nào đó là du lịch, giảm sút nghiêm trọng.

Hàng loạt dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, không chỉ là 12 dự án của ngành công thương, bị đắp chiếu. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn xấu chưa được giải quyết căn bản.

Bên ngoài, xu hướng phơi phới của hội nhập kinh tế quốc tế có chiều hướng chùng lại khi Hoa Kỳ có những điều chỉnh chính sách. Do đó, xu hướng hội nhập của Việt Nam và đặc biệt là việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, châu Âu không thuận lắm.

Trong khi đó, xã hội rất kỳ vọng vào Chính phủ mới với những khuôn mặt mới.

Chúng ta phải nhìn lại hoàn cảnh khách quan như vậy mới thấy được những nỗ lực thay đổi rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và ở mức độ nào đó của các địa phương. Trong đó, có những thay đổi tạo ra khác biệt, ảnh hưởng lâu dài và trên cơ sở thay đổi đó có thể dự đoán những diễn biến tương lai.

Quyết tâm chính trị rất cao của Thủ tướng

Vậy ông đánh giá như thế nào về những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ - nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả đạt được?

TS Nguyễn Đình Cung: Đầu tiên, phải nói rằng Thủ tướng có một quyết tâm chính trị rất cao là phải hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu không thể chần chừ là “năm nay khó lắm, không làm được”, dù mục tiêu đặt ra cũng không phải thấp, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP. Phải đánh giá cao quyết tâm này, nếu người đứng đầu rụt rè thì không thể đạt được mục tiêu GDP và như thế nhiều mục tiêu khác cũng không đạt được.

Thứ hai, trong điều hành, Thủ tướng đã điều hành vừa theo chiều rộng, vừa chỉ đạo điểm. Diện rộng là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo điểm là nhìn nhận vào những ngành nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào có tiềm năng tăng trưởng thì trực tiếp chỉ đạo, huy động hết tiềm năng. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng bắt đầu chú ý tới những vướng mắc cụ thể của các văn bản, sự chần chừ, trì trệ hay trì hoãn của một vài Bộ, chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy, triển khai. Tức là vừa đẩy, vừa kéo.

Vì thế, các ngành tăng trưởng tương đối đều nhưng có những ngành, những dự án đưa vào vận hành sớm hơn, khai thác tốt hơn tiềm năng. Cùng với đó, Chính phủ cũng không quên tái cơ cấu nền kinh tế, dù cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh chính là nền tảng quan trọng nhất của tái cơ cấu.

Trong việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ chọn những điểm để chỉ đạo khá quyết liệt như việc bán vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk. Để làm được việc này, Chính phủ, Thủ tướng không chỉ chỉ đạo sự vụ mà còn phải soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các phương án, thực hiện một cách minh bạch theo cơ chế thị trường. Hiện nay, khi có những chần chừ, do dự trong cải cách, thì thương vụ Sabeco phải được đánh giá rất cao ở tính quyết liệt, quyết tâm thực hiện, thực hiện bằng được một cách minh bạch theo cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước.

Việc xử lý nợ xấu cũng bắt đầu có dấu hiệu tích cực với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. VAMC đã tích cực hơn, xây dựng thị trường nợ tốt hơn, với việc đưa ra bán đấu giá tòa nhà Saigon One Tower.

Trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất nhiệt huyết, chỉ đạo quyết liệt trong tìm kiếm cách thức mới tổ chức sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm sản phẩm mới…, tức là rất hành động.

Tất cả những kết quả đó tạo thực tiễn tốt cho các định hướng tiếp theo.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đã có chuyển biến mạnh mẽ từ các Bộ.

Tổ công tác của Thủ tướng và chuyển động mạnh từ các Bộ

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một khâu đột phá. Nhiệm vụ này đã được triển khai ra sao trong năm qua?

TS Nguyễn Đình Cung: Ngân hàng Thế giới đã đánh giá năm ngoái Việt Nam tăng 9 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh, năm nay tăng 13 bậc, trong 2 năm tăng 23 bậc. Kết quả này chưa bao giờ có. Tất nhiên đây là kết quả của cả một quá trình, nhưng chưa bao giờ như trong thời gian qua khi tại tất cả các cuộc họp, các hội nghị, các sự kiện, Thủ tướng đều có thông điệp về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Không khi nào mà Nghị quyết hằng tháng của Chính phủ đều đề cập tới vấn đề này. Có mấy Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh.

Đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng rất nhiều các báo cáo độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CIEM làm tài liệu tham khảo và ra quyết định. Có những quyết định rất cụ thể, như phải bỏ cho được từ 1/3-1/2 điều kiện kinh doanh hiện có, bỏ 1/2 số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.

Phải nói rằng năm ngoái, những người như tôi rất lo lắng khi Thủ tướng hành động rất mạnh nhưng ở dưới chậm chuyển động. Nhưng sang năm 2017, có thể thấy các Bộ trưởng đã thấm thía, có chuyển biến rõ nét, không chỉ ở một bộ.

Trong cách thức điều hành, một điểm rất nổi bật là việc Thủ tướng thành lập Tổ công tác, đã đóng vai trò như cánh tay nối dài, truyền đạt thông tin chỉ đạo từ cuộc họp của Chính phủ đến các Bộ, để các Bộ không quên những chỉ đạo của Thủ tướng.

Qua các cuộc kiểm tra của Tổ công tác, làm tốt thì Thủ tướng khen, làm chưa tốt thì Thủ tướng nhắc nhở. Tổ cũng mời báo chí tham gia rất đông đảo, tạo sức ép dư luận rất lớn với hoạt động của các Bộ. Hoạt động của Tổ công tác rất có tác dụng và phần lớn các Bộ đã thay đổi.

Đầu tiên phải đánh giá cao Bộ Công Thương – đóng vai trò quan trọng của người đi đầu, mà đã làm tương đối nhiều. Rồi sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng rất quyết liệt, Bộ Khoa học và Công nghệ trước đây đứng xa cải cách thì nay cũng đã thay đổi. Bộ Y tế có lúc như chần chừ nhưng cuối cùng cũng phải vào cuộc cải cách.

Rất nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể từ văn bản pháp luật đã được giải quyết, hàng loạt văn bản khác đang được sửa đổi. Điều quan trọng, sự thay đổi này là tự thân, xuất phát từ việc thay đổi tư duy, xuất phát từ động lực của các Bộ, do đó sẽ là thay đổi bền vững.

Đấy là điểm khác biệt rất lớn của năm 2017, của nhiệm kỳ này và với xu thế như thế thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu các Bộ chuyển động nhanh và mạnh như thế thì địa phương chưa được như vậy. Ví dụ Thủ tướng chỉ đạo chỉ thanh tra kiểm tra doanh nghiệp 1 lần nhưng doanh nghiệp vẫn kêu nhiều về tình trạng vô lý trong một ngày phải tiếp 3-4 đoàn kiểm tra.  

Nhìn tổng thể lại, trong điều hành, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt, vừa tạo động lực, vừa tạo sức ép, vừa tạo sức ép hành chính, vừa sức ép dư luận xã hội. Chính phủ đã có những giải pháp căn cơ hơn.

Điểm then chốt để cải cách trong thời gian tới

Theo ông, trong thời gian tới, định hướng cải cách cần tập trung vào vấn đề nào như là khâu đột phá quan trọng nhất?

TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới phải chú trọng tới việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất. Muốn xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, chúng ta đã có thị trường hàng hóa dịch vụ tương đối phát triển, được đánh giá khá cao theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhưng thị trường các nhân tố sản xuất thì còn kém phát triển. Các thị trường này phải được phát triển để đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ nguồn lực có hiệu quả, thay thế cho cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng xin - cho, chạy chọt

Đại hội XII và nghị quyết Trung ương đã nói rất nhiều lần là phải phát triển thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp để thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Các nghị quyết cũng yêu cầu phát triển thị trường tài chính cho hài hòa, cân bằng hơn và theo tôi, cần một sự đánh giá toàn diện hơn về thị trường tài chính hiện nay, nhận diện những chỗ méo mó, có sự can thiệp  hành chính, từ đó thay đổi, cải cách theo hướng thị trường hơn. Thị trường tín dụng cũng vậy.

Trong thị trường lao động hiện nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến yếu tố xã hội, chẳng hạn như việc tăng lương. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra thể chế, môi trường để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn, tạo ra nhiều công ăn việc làm, như thế thì sẽ bảo vệ được tất cả mọi người lao động chứ không chỉ vài triệu người lao động trong khu vực chính thức.  

Nói kỹ hơn về thị trường quyền sử dụng đất. Nút thắt của tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay nằm ở việc sử dụng ruộng đất. Một đánh giá gần đây của một công ty Nhật Bản làm tư vấn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nếu chúng ta thúc đẩy được thị trường quyền sử dụng đất thì GDP có thể tăng thêm 1,5% mỗi năm trong nhiều năm, như năm nay tăng trưởng GDP 6,7% thì có thể đạt 8,2%.

Phải xây dựng cơ chế để quyền sử dụng đất dễ dàng được chuyển nhượng, tức là vốn hóa được tài sản này, chuyển hóa đất thành tiền. Theo tôi, việc đổi mới này nên để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm vì họ có động lực để làm, động lực để phát huy tiềm năng đất đai, phát triển nông nghiệp. Từ đó, giải phóng nguồn tài nguyên cực kỳ tiềm năng là đất đai.

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục