BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ đầu ra cho nông sản 

Cập nhật ngày: 02/08/2021 - 00:08

BTN - Việc tỉnh lập điểm giao, nhận tạm thời để đưa nông sản đi Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ và ngược lại đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, nhiều thương lái Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh chọn địa điểm này để giao, nhận nông sản, góp phần giảm chi phí vận chuyển.

Ðiểm giao, nhận nông sản tạm thời do tỉnh thiết lập tại thị xã Trảng Bàng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn các tỉnh, thành phía Nam đều triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối nông sản lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh (nơi tiêu thụ chính của nông dân Tây Ninh và một số tỉnh, thành khác thông qua thương lái) tạm ngưng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Thời gian qua, tỉnh cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ nông sản để giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Tiêu thụ nông sản mùa dịch, khó khăn chồng chất

Có một thực tế phải chấp nhận, thời điểm này, toàn hệ thống chính trị đang “căng mình”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm mục tiêu ổn định sản xuất. Ðây là nhiệm vụ đầy thách thức, rất cần sự ủng hộ của người dân trong việc thực hiện chủ trương phòng, chống dịch của tỉnh, chia sẻ những khó khăn để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua phản ánh từ nông dân và nắm bắt tình hình địa phương, do ảnh hưởng của dịch Covid, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối và tiêu thụ. Cụ thể, mãng cầu 822 tấn, khoai sọ 300 tấn, bắp 87 tấn, đậu đũa 5 tấn, măng 4 tấn, bầu 5,8 tấn, cải bẹ 12 tấn, cam xoàn, cam sành và quýt đường 100 tấn, nhãn xuồng 48 tấn, nhãn da bò 324 tấn, rau kèo nèo 675 tấn, thịt trâu, bò giết mổ khoảng 2 tấn/ngày… không có nơi tiêu thụ, trong khi nhu cầu trong tỉnh không nhiều. Và, trong tình hình dịch bệnh, không chỉ riêng gì Tây Ninh, các tỉnh, thành khác cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT, trước đây nông sản chủ yếu bán qua thương lái ở các chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận. Khi dịch bệnh xảy ra, các chợ này tạm ngưng hoạt động, việc vận chuyển nông sản của tỉnh đi tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận gặp khó khăn do chi phí tăng, thời gian vận chuyển không thuận lợi…

Bên cạnh đó, thời gian đầu xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng tích trữ thực phẩm dẫn đến tình trạng giá tăng cao, nông sản khan hiếm giả. Thời gian sau đó, hàng hoá tồn đọng, ùn ứ, thương lái không bán được nên không tiếp tục thu mua của nông dân; khâu vận chuyển khó khăn, chậm do phải khai báo y tế tại các chốt kiểm dịch; nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng giảm…

Theo một thương lái, chợ đầu mối cầu K13 không chỉ tập kết nông sản của riêng huyện Dương Minh Châu mà còn của các địa phương khác. Từ chợ đầu mối cầu K13, nông sản được thương lái vận chuyển đi Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận tiêu thụ, chỉ khoảng 30% nông sản tiêu thụ trong tỉnh. Khi chợ nông sản cầu K13 và các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động, việc thông thương không thuận lợi như trước, chỉ còn một số ít thương lái đi thu gom nông sản vận chuyển bằng xe tải đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành bán cho các đối tác quen thuộc.

Riêng thương lái trong tỉnh, nông dân tự thu hoạch rồi chở bằng xe mô tô bán cho thương lái. Thương lái mua lẻ của nông dân, chất lên xe ba gác hoặc xe tải loại nhỏ, đưa về các chợ truyền thống trong tỉnh tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, đây là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành. Ngành Nông nghiệp nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh, thành tìm giải pháp để đưa nông sản tỉnh nhà đi tiêu thụ.

Sức mua giảm mạnh

Khảo sát các chợ truyền thống lớn trong tỉnh như chợ Long Hoa, thị xã Hoà Thành, chợ phường 3, TP. Tây Ninh, các mặt hàng nông sản như rau, quả đều không tăng giá nhiều so với trước. Thế nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi chợ, số lượng nông sản bán về chợ truyền thống cũng không nhiều. Có tăng giá là một số mặt hàng đến từ các tỉnh, thành khác như rau, củ có nguồn gốc ở Ðà Lạt.

Một tiểu thương kinh doanh nông sản có quy mô lớn ở chợ Long Hoa cho biết, thời gian qua, có một số thông tin cho rằng, lợi dụng tình hình dịch bệnh, tiểu thương tăng giá nông sản. Theo tiểu thương này, tình trạng trên có xảy ra, nhưng phải nhìn nhận từ nhiều khía cạnh.

Khi chuẩn bị áp dụng giãn cách xã hội, theo tâm lý đám đông, người dân kéo nhau đi mua rau, củ về trữ nên xảy ra tình trạng “cầu vượt cung” bất thường. Thời điểm đó, thương lái không kịp vận chuyển nông sản về để bán cho các tiểu thương tại các chợ truyền thống nên giá rau, củ… có tăng chút ít so với ngày thường. Sau đó, mọi chuyện trở lại bình thường.

Theo tiểu thương chợ Long Hoa, thực tế, chỉ có các loại rau, củ là đặc sản ở các địa phương khác tăng giá, do chi phí vận chuyển tăng, tài xế phải làm thủ tục kiểm tra y tế mới được vận chuyển, thời gian vận chuyển kéo dài hơn dẫn đến một số mặt hàng rau, củ dễ hư hỏng.

Một doanh nghiệp vận chuyển hàng nông sản từ Ðà Lạt về Tây Ninh cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí cho việc xét nghiệm Covid-19 cho tài xế, phụ xe… nhưng không vì thế mà doanh nghiệp đẩy giá vận chuyển lên cao, chỉ tăng ở mức phù hợp với việc tình hình hiện nay.

Ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, lực lượng QLTT rất quan tâm đến các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ tăng giá các mặt hàng, trong đó có nông sản. Ông Long cũng thường xuyên khảo sát, giá cả vẫn ổn định.

Thương lái vận chuyển nông sản trong tỉnh bằng xe mô tô theo hình thức nhỏ lẻ về chợ Long Hoa (thị xã Hoà Thành) bán cho tiểu thương.

Tìm thêm giải pháp ðể hỗ trợ ðầu ra nông sản

Việc tỉnh lập điểm giao, nhận tạm thời để đưa nông sản đi Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ và ngược lại đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, nhiều thương lái Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh chọn địa điểm này để giao, nhận nông sản, góp phần giảm chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, ngành GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông sản lưu thông đi các tỉnh và ngược lại bằng việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy nhận diện “luồng xanh”, nên thời gian qua, hầu như không chuyện xe vận chuyển nông sản ùn ứ tại các cửa ngõ vào tỉnh.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng rau, củ, quả ngành Nông nghiệp hỗ trợ tiêu thụ khoảng 210 tấn nông sản (chưa kể số lượng do các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ tiêu thụ), trong đó có khoảng 8 tấn nông sản rau ăn lá- rau ăn quả (dền, mồng, tơi, cải, bầu, bí, khổ qua, đậu bắp, dưa leo...) măng, bắp, bí đỏ… và 200 tấn khoai môn trên địa bàn thị xã Hoà Thành (200/300 tấn).

Ðối với một số loại nông sản chưa tiêu thụ được, chủ yếu là mãng cầu và nhãn, Sở NN&PTNT kết hợp với Bưu điện tỉnh đề nghị Tổng cục Bưu điện hỗ trợ tiêu thụ ở 63 tỉnh, thành

Ðối với các sản phẩm từ động vật, tính đến ngày 31.7, trên bàn tỉnh tồn đọng 1.008.722 con gà công nghiệp, trọng lượng 2.422.345kg đã đến lứa xuất bán nhưng không bán được khiến giá bán giảm mạnh.

Từ thực tế đó, Sở NN&PTNT gửi văn bản đến Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các khu, cụm công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, các siêu thị, hệ thống phân phối nông sản trên địa bản tỉnh… đề nghị hỗ trợ tiêu thụ.

Sở còn triển khai các kênh kết nối khác như đưa lên trang website của Sở, website tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT… cũng như thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan nỗ lực tìm giải pháp hiệu quả để có đầu ra cho nông sản tỉnh nhà trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Tấn Hưng