Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại sao Bác Hồ lại chuyển về nhà 48 Hàng Ngang để viết Tuyên ngôn Độc lập? Cô hướng dẫn viên đặt câu hỏi cho du khách đồng thời tiết lộ, trước khi ở nhà 48 Hàng Ngang, Bác Hồ đã ở tại một ngôi nhà phía ngoại thành Hà Nội…
Tuyệt đối bí mật
Đầu tháng 8/2020, chúng tôi trở lại căn nhà số 48 Hàng Ngang – Di tích lịch sử nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, di tích khá vắng vẻ, dù trước đó, tấp nập khách ra vào. Ngay tầng 1, có rất nhiều hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác.
Ngay cửa vào, bên tay trái là hình ảnh khá lớn, trang trọng của ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ và gia đình - chủ nhân của căn nhà 48 Hàng Ngang. Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phóng viên Tiền Phong được “ưu tiên” riêng một hướng dẫn viên du lịch tên Hiền – người của Ban quản lý di tích – làm nhiệm vụ giới thiệu về ngôi nhà. Chị Hiền bảo, ngôi nhà vẫn y nguyên như nó vốn có từ vài chục năm trước. Chỉ riêng tầng 1, Ban quản lý chuyển thành phòng trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cầu thang, hành lang, nền gạch, sàn gỗ, cửa kính… hầu như còn nguyên vẹn.
Chúng tôi lên tầng 2, nơi ăn ở, sinh hoạt của Bác Hồ 75 năm trước. Một căn phòng rộng kê bốn chiếc ghế bành to, bên cạnh mỗi ghế có một chiếc nhỏ hơn. Ở giữa là một chiếc bàn khá thấp. Tấm biển đề “Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách”. Phía góc phòng, có một chiếc ghế dài, nơi các đồng chí bảo vệ ngồi. Phòng lớn thông với một phòng nhỏ. Trong phòng nhỏ có một chiếc bàn tròn, nơi Bác Hồ khởi thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Bên cạnh, có một chiếc giường nhỏ, căng bằng vải trắng.
Mỗi lúc nghỉ ngơi, Bác thường nằm trên chiếc giường đơn giản này. Cửa sổ làm bằng kính vẫn được giữ nguyên. Thảm cũng còn nguyên vẹn. Ban quản lý di tích đã cố gắng giữ lại toàn bộ hiện vật theo đúng vị trí trước đây, để lưu giữ lịch sử. Phần cửa hướng ra phố Hàng Ngang được phủ kín bằng rèm…
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang hiện tại. Ảnh: PV.
“Trước khi về đây, Bác Hồ ở nhà cụ Nguyễn Thị An, bây giờ là đường An Dương Vương (quận Tây Hồ). Giờ ngôi nhà đó cũng là di tích lịch sử cách mạng. Bước chân đầu tiên của Người khi về Hà Nội là tại khu nhà cụ An chứ không phải nhà 48 Hàng Ngang này. Bác ở nhà cụ Nguyễn Thị An từ ngày 23 - 25/8. Sau đó cuối giờ chiều ngày 25/8, Bác chuyển từ nhà cụ An sang nhà 48 Hàng Ngang và viết bản Tuyên ngôn Độc lập”, chị Hiền giới thiệu. Rồi chị bảo, lẽ dĩ nhiên, điều gì cũng có lý do của nó.
Dù cả hai nơi đều là di tích lịch sử cách mạng, đều là cơ sở kháng chiến của Mặt trận Việt Minh trong suốt thời kỳ 1941- 1945, nhưng khu nhà 48 Hàng Ngang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể che mắt được quân địch lúc bấy giờ. Để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay cả ông bà Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ cũng không biết người đến ở nhà mình là ai. Chỉ khi họ được mời tham dự buổi lễ đặc biệt ngày 2/9, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập thì bà Hoàng Thị Minh Hồ mới nhận ra rằng người đọc trên lễ đài là người ở nhà mình, là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Theo ông Công Ngọc Dũng, sáng 25/8, các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến báo cáo kết quả tổng khởi nghĩa, rồi chờ đến chiều thì đón Bác về 48 Hàng Ngang.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Đây là căn nhà Bác Hồ từng ở từ ngày 23/8 – 25/8/1945. Tiếp chúng tôi là ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ Nguyễn Thị An. Ông Dũng sinh năm 1962, nên mọi câu chuyện về việc Bác Hồ từng ở nhà mình chỉ được nghe lại từ bà nội và bố. Ngôi nhà 5 gian vẫn còn giữ được vẻ cổ kính từ ngày xưa. Trong nhà, gian chính giữa có một chiếc sập gỗ, qua thời gian đã bị “hao mòn” vài chỗ, là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi khi ở đây. Bên gian phải có một bộ bàn ghế cổ, chạm trổ khá đẹp. Ông Dũng bảo, dù đã cố gắng gìn giữ nguyên trạng, nhưng một số chỗ vẫn phải sửa chữa để đảm bảo không bị hư hại.
Bác Hồ trong lần về chúc Tết nhân dân xã Phú Thượng năm 1957. Ảnh: tư liệu
Ông Dũng kể, ông nội của ông, tức chồng cụ Nguyễn Thị An vốn là Chánh Tổng nên nhà có điều kiện. Dù thế, các cụ được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng từ năm 1942. Mãi sau này khi chuyện Cụ Hồ từng đến ở nhà bị tiết lộ thì cơ sở bí mật này mới “bị lộ”. Ông Dũng bảo, nghe các cụ kể lại, hồi đó, Bác Hồ đi từ Tân Trào về, đi bằng đường bộ, đường thủy… dừng lại tại bến đò Hải Bối bên Đông Anh rồi được sự phân công của bà Lê Thị Thanh (một cán bộ cách mạng) và ông Hoàng Tùng, một phụ nữ người làng chở Bác qua sông, đưa về nhà cụ An.
Hỏi, tại sao Bác Hồ đang ở đây lại chuyển về 48 Hàng Ngang, ông Dũng lắc đầu, bảo chắc là do bố trí của T.Ư Đảng, dù ở nhà ông an ninh cũng được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Khi Bác Hồ đến, khi Bác Hồ chuyển đi, chẳng ai biết cụ thể đó là ai. “Chỉ đến khi đi dự lễ Tuyên ngôn Độc lập thì mọi người mới biết đó là Bác Hồ”, ông Dũng chia sẻ thêm. Ông Dũng bảo, hồi đó, bố của ông - ông Công Ngọc Kha đã tham gia cách mạng từ lâu, được giao nhiệm vụ trực tiếp phục vụ cho Bác, cùng với mẹ là bà Nguyễn Thị An lo ăn uống, bảo vệ cho Bác. Ngoài ra, ông Kha còn bố trí các anh em bảo vệ vòng ngoài.
Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất
Chị Hiền, không giấu được vẻ hứng khởi, bảo: Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất. Theo chị, hồi đó, ông Trường Chinh chỉ nói với ông Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ là xin thêm một phòng để cho mấy cụ đến chơi, chứ không nói là ai và có mấy người về. Trong con mắt của ông Bô, bà Hồ, cũng chỉ nghĩ rằng họ những người dưới quê lên chơi.
Ban đầu, Bác ở tầng 3 tòa nhà, nhưng Bác vốn không quen làm việc nơi vắng lặng, thiếu hơi người, nên sau 2 ngày Bác chuyển xuống phòng tầng 2. Từ đó, toàn bộ tầng 2 của tòa nhà dành cho Bác chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập. “Bên cạnh phòng làm việc của Bác có phòng họp. Những khi phải họp muộn, nhiều đồng chí còn nằm ngay trên ghế để ngủ”, chị Hiền nói. Vì thế, trên tầng 2, phía dãy ghế sát tường, có tấm biển đề: Những khi vì làm việc quá khuya không kịp về cơ sở, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nằm ngủ tại đây.
Nói mãi, chị Hiền mới giải thích nguyên nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang được lựa chọn. Ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ là nhà đại tư sản. Nếu nói về điều kiện thì thuộc dạng nhất nhì Hà Nội lúc bấy giờ. Chẳng thế mà sau này, trong tuần lễ vàng tháng 9/1945, nhà ông bà đã ủng hộ tới 5.000 lượng vàng cho Chính phủ.
Căn nhà 48 Hàng Ngang, vào những năm 1940 thuộc diện cao tầng nhất ở Hà Nội, từ tầng 2, tầng 3 có thể bao quát được toàn bộ xung quanh. Nếu có “biến”, các đồng chí có thể thoát hiểm sang nóc những ngôi nhà bên cạnh. Thứ nữa, ngày xưa, tầng 1 của ngôi nhà 48 Hàng Ngang là cửa hàng tơ lụa Phúc Lợi, thuộc diện lớn nhất Hà Nội, kẻ ra người vào tấp nập. “Những kẻ mật thám, những kẻ săn tin không phân biệt được đâu là khách, đâu là cán bộ cách mạng. Nơi đông đúc nhất lại an toàn nhất. Ngôi nhà này hội tụ đủ những yếu tố bí mật cho Bác và các đồng chí khác”, chị Hiền nói thêm.
Ông Công Ngọc Dũng đang ấp ủ ra một bộ sách, trong đó có in bài viết của bố ông - ông Công Ngọc Kha, về những kỷ niệm trong những ngày Bác Hồ ở tại số 6 ngõ 319 An Dương Vương với mong muốn lưu giữ cho con cháu đời sau.
Nguồn TPO