Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nói dễ, làm mới khó
Thứ hai: 08:49 ngày 16/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như có lần đã trình bày, dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, không riêng gì quốc gia nào, là câu chuyện trăm năm, không hề đơn giản.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài viết dưới hình thức “tâm thư”, tác giả nguyên là một cán bộ cấp cao. Nội dung bức thư (rất dài) đề nghị lãnh đạo Đảng “đổi mới chính trị”.

Xét cho đến cùng và nói một cách khái quát, vị cựu quan chức cấp cao đòi thay đổi chế độ chính trị hiện nay ở nước ta, dù người này không nói thẳng ra nhưng nội dung bức “tâm thư” cho thấy điều đó. Như có lần đã trình bày, dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, không riêng gì quốc gia nào, là câu chuyện trăm năm, không hề đơn giản.

“Hội chứng về hưu nói hay”

Trước hết cần nhắc lại, đầu tháng 12.2021, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hội nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Quy định 37 về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương trong toàn Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Toàn cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tại điểm cầu phòng họp Diên Hồng, toà nhà Quốc hội, ngày 9.12.2021

Tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, các số liệu cho thấy, từ năm 2016-2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Cụ thể, về suy thoái tư tưởng chính trị, có 8.281 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất (6.838 đảng viên) “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”. 477 đảng viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.

Về suy thoái đạo đức, lối sống, có 15.101 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất (7.692 đảng viên) “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”. 2.216 đảng viên “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chỉ tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc.

Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động 1.623 đảng viên “tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”.

Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có 1.722 đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều nhất (1.626 đảng viên) là số đảng viên “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật cùa Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Những thông tin nêu trên cho thấy, hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, lần đầu tiên được Ban Bí thư công bố công khai, nêu cụ thể, chỉ mặt đặt tên, không còn nói theo kiểu chung chung.

Nội dung bức “tâm thư” của vị cựu quan chức, rõ ràng có dấu hiệu “tự diễn biến, tự chuyển hoá”: đảng viên nói, viết trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Tôn trọng quy luật khách quan

Tư tưởng về nhà nước pháp quyền là một giá trị quý báu của nhân loại được hình thành từ thời xa xưa, trong quan điểm của các nhà tư tưởng như Socrate (469-399 Tr.CN), Aristoteles (384-322 Tr.CN), Cicero (l06-43 Tr.CN).

Sau đó, tư tưởng về nhà nước pháp quyền được các nhà chính trị và pháp lý như John Locke (1632 - 1704), Montesquieu (1698 - 1755), Jean-Jacques Rousseau (1712 - 1778), Immanuel Kant (1724 - 1804), Hegel (1770 - 1831)… phát triển như một thế giới quan pháp lý mới, đó là thế giới quan chống lại sự chuyên quyền, đặc quyền, tình trạng vô pháp luật, khẳng định mạnh mẽ những tư tưởng nhân đạo, các nguyên tắc tự do bình đẳng. Đây chính là nội dung cốt lõi của học thuyết nhà nước pháp quyền.

Khái niệm nhà nước pháp quyền, theo các nhà nghiên cứu, nguyên nghĩa của từ này là thuật ngữ “The Rule of Law”, được hiểu là sự tối thượng của pháp luật. Một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế XHCN, kỷ luật, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” là yếu tố cốt lõi của nhà nước pháp quyền và là điều kiện để xây dựng XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Như từng đề cập, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp lâu dài, vấn đề này đã từng được đề cập qua nhiều kỳ đại hội Đảng, gần đây nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ nội hàm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài. Quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền là “kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.

Theo Giáo sư Tạ Ngọc Tấn (Hội đồng Lý luận Trung ương) đến giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là người vận dụng chủ nghĩa Marx- Lenin một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để giải quyết những nhiệm vụ to lớn của cách mạng Việt Nam, đánh đổ những đế quốc lớn, những kẻ thù hung bạo để giành độc lập, tự do cho dân tộc, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Điều hiển nhiên và không thể chối cãi là, dù được hiểu theo nghĩa nào, chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy luật về sự phát triển của sản xuất xã hội.

Vào thời điểm ra đời của học thuyết này, những tác giả của chủ nghĩa Marx- Lenin đã phê phán chủ nghĩa tư bản, chỉ ra bản chất bóc lột, tính quy luật trong sự tồn tại và phát triển của nó. Sự phê phán đó là sâu sắc và phản ánh đúng bản chất của thực tiễn xã hội đương thời.

Đó là điều đã được thực tế kiểm nghiệm, được hầu hết các nhà nghiên cứu xã hội thừa nhận cho dù họ theo xu hướng chính trị nào. Từ sự phê phán chủ nghĩa tư bản đương thời, từ phát hiện tính quy luật của lịch sử xã hội loài người và từ cả thái độ nhân văn trước hiện thực tăm tối về sự thống khổ của người lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, Marx-Engels dự báo về một xã hội tương lai như một tất yếu lịch sử sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.

Những gì chủ nghĩa tư bản hiện đại đang thể hiện vẫn không ra ngoài tính quy luật mà chủ nghĩa Marx-Lenin đã chỉ ra, càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin.

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, một mặt tăng thêm tiềm lực cho chủ nghĩa tư bản; mặt khác càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình xã hội hoá của lực lượng sản xuất, dẫn đến những thay đổi chóng mặt về quy mô, tính chất của quan hệ sở hữu, quản lý, điều hành sản xuất và phân phối của cải xã hội.

Đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá, bao vây cấm vận hàng chục năm, xây dựng đất nước không thể nôn nóng, bất chấp thực tế khách quan. Hơn ai hết, vị cựu quan chức thừa biết: nói dễ, làm mới khó.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục