Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nơi giáo viên mầm non thể hiện tài năng 

Cập nhật ngày: 07/05/2018 - 15:06

BTN - Bằng sự khéo léo của mình, giáo viên mầm non đã tạo nên những bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi đẹp, mang tính giáo dục cao kích thích sự hứng thú, ham hiểu biết và thích khám phá, nâng cao sự phát triển nhận thức của trẻ độ tuổi mầm non.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Ngọc Hải trao thưởng cho thí sinh đoạt giải cao.

Nhằm khuyến khích các đơn vị cũng như giáo viên trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục bậc học mầm non có hiệu quả, đồng thời tạo sân chơi cho cán bộ quản lý, giáo viên giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý và chăm sóc, giáo dục trẻ, Sở GD-ÐT Tây Ninh đã phát động và tổ chức các hội thi ở bậc học này. Sau thời gian phát động, vừa qua, Sở GD-ÐT đã tổ chức trao giải cho thí sinh dự thi.

Hội thi tuyển chọn sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy có 100 sản phẩm dự thi, trong đó, huyện, thành phố có sản phẩm dự thi nhiều nhất là thành phố Tây Ninh và Hoà Thành. Hội thi được tổ chức dưới hình thức tác giả trình bày sản phẩm trước ban giám khảo theo nội dung bảng thuyết minh tối đa 10 phút và trả lời một số câu hỏi liên quan đến nội dung sản phẩm.

Theo nhận xét của ban tổ chức hội thi, các sản phẩm dự thi được thiết kế dưới dạng bài trình chiếu, bài giảng điện tử, trò chơi tương tác dễ sử dụng, nội dung gần gũi với trẻ, phù hợp với địa phương; có chủ động của giáo viên và trẻ trong quá trình tổ chức hoạt động, mô tả được toàn bộ những hoạt động có ứng dụng CNTT trong quá trình giảng dạy học.

Các trò chơi có sự tương tác giữa cô và trẻ, rất sáng tạo, kích thích tư duy của trẻ và mang lại hiệu quả giáo dục cao. Một số giáo viên thể hiện sự chuyên nghiệp trong kỹ thuật thiết kế và xử lý hình ảnh, âm thanh, liên kết các kho tài nguyên phong phú, tạo các hiệu ứng cho hình ảnh đa dạng. Kết quả, ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất và các giải Nhì, Ba.

Ðối với hội thi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở GD-ÐT cho biết, đây là hội thi lần đầu tiên tổ chức nhưng các huyện, thành phố đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt.

Ngành đã chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung cải tạo môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học để tham gia hội thi.

Căn cứ tiêu chí về môi trường giáo dục và tiêu chí về tổ chức các hoạt động giáo dục, phòng GD-ÐT huyện, thành phố tổ chức đánh giá trực tiếp tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn và tổng kết hội thi, tuyên dương các đơn vị tiêu biểu.

Sau đó, mỗi huyện, thành phố chọn 3 đơn vị xuất sắc nhất để ghi hình video, có thuyết minh (gọi là sản phẩm dự thi), thời lượng mỗi sản phẩm không quá 30 phút, gửi sản phẩm dự thi cấp tỉnh về Sở GD-ÐT. Kết quả, có 24/28 sản phẩm đoạt giải, gồm ba giải Nhất, 10 giải Nhì và 11 giải Ba.

Sở GD-ÐT đã chọn 3 bộ sản phẩm của Phòng GD-ÐT thành phố Tây Ninh, Hoà Thành và Tân Biên để đại diện tham gia hội thi do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức vào tháng 5.2018.

Hội thi thứ ba là hội thi sử dụng thiết bị công nghệ được cấp và đồ dùng dạy học, đồ chơi tự làm. Thông tin tại lễ tổng kết cho biết, năm học 2017-2018, bậc học mầm non được cấp hơn 60 ti vi tương tác. Ðây là thiết bị công nghệ hiện đại, cô và trẻ thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng của ti vi.

Nhằm khuyến khích các đơn vị được cấp khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết bị trên, Sở GD-ÐT  phối hợp Công ty NSJ hướng dẫn giáo viên sử dụng và tổ chức phần thi này.

Dù thời gian tiếp cận thiết bị ngắn nhưng giáo viên tham gia đã có sự nhạy bén, sáng tạo, sử dụng tương đối tốt các tính năng của ti vi tương tác. Nội dung thiết kế bài giảng điện tử, trò chơi tương tác tập trung ở lĩnh vực phát triển ngôn ngữ (kể chuyện, làm quen chữ cái) và lĩnh vực phát triển nhận thức (làm quen với toán, giáo dục kỹ năng sống, khám phá xã hội, khám phá khoa học).

Tuỳ theo đặc trưng của từng lĩnh vực, giáo viên đã khai thác tốt thế mạnh của bài giảng, đặc biệt là khai thác kiến thức có hiệu quả từ các hình ảnh, đoạn video, trò chơi tương tác tạo được sự hứng thú cho trẻ. Kết quả có 29 giáo viên đoạt giải/33 giáo viên tham gia, trong đó có 3 giải Nhất, 12 giải Nhì và 14 giải Ba.

Riêng phần thi tự làm đồ dùng dạy học, năm nay có 93 bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi của 9 huyện, thành phố tham gia. Kết quả có 60 sản phẩm đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 18 giải Nhì 18 và 39 giải Ba.

Ðánh giá về phần thi này, ban tổ chức cho biết, một số huyện, thành phố có sự thiết kế và đầu tư sản phẩm công phu, sáng tạo trong tạo hình, phối hợp màu sắc, chất liệu đa dạng và phong phú. Sản phẩm dạy học được thiết kế từ nguyên vật liệu phế thải dễ tìm như bìa cứng, thùng carton, giấy báo, lon, nắp chai nhựa, vỏ hộp sữa, hũ yaourt, vỏ sò, các loại hạt, cành cây, lá cây khô, các loại que...

Bằng sự khéo léo của mình, giáo viên mầm non đã tạo nên những bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi đẹp, mang tính giáo dục cao kích thích sự hứng thú, ham hiểu biết và thích khám phá, nâng cao sự phát triển nhận thức của trẻ độ tuổi mầm non. Sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn đánh giá về tính mới, tính sáng tạo, khoa học, thực tiễn, tính sư phạm, tính thẩm mỹ; hình thức đa dạng mang tính giáo dục cao, phù hợp với chương trình giáo dục mầm non.

Những hội thi dành cho bậc học mầm non vừa được tổ chức có quy mô lớn, giành được sự quan tâm, hưởng ứng của giáo viên mầm non. Ðược biết, nhiều tổ chức, đơn vị đã tài trợ cho cuộc thi này, số tiền trao thưởng lên đến hàng chục triệu đồng.

Ð.V.T