Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, ở các chùa Khmer Tây Ninh, ngoài các học sinh tham gia các lớp học Khmer theo định kỳ, các học sinh đặc biệt khác là các sadi thường trú tại chùa sẽ được đào tạo một cách nghiêm cẩn.
Một lớp học tại chùa Khedol.
Tiếng nói, chữ viết là tài sản vô cùng quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, nó vừa là niềm tự hào vừa là phần hồn cốt bản sắc của dân tộc. Người Khmer Tây Ninh cũng vậy, là một dân tộc có nền văn hoá riêng, ngôn ngữ riêng, cho nên việc dạy - học tiếng Khmer ở các ngôi chùa lâu nay là hết sức quan trọng và ý nghĩa, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và những giá trị văn hoá đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình từ bao đời nay.
Theo thống kê năm 2019, Tây Ninh có 7.565 người Khmer đang sinh sống. Địa bàn cư trú của dân tộc này hiện nay chủ yếu tập trung thành từng làng ở các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh. Vì thiếu giáo viên, việc học sinh tiểu học người dân tộc Khmer được học tiếng Khmer rất hạn chế.
Do đó, công việc hệ trọng này từ lâu nay được các sư sãi đảm nhiệm là chính. Ngôi chùa cũng là trường học, nơi đây, con em đồng bào dân tộc Khmer được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình một cách bài bản; ngoài ra còn được tiếp thu đạo đức, kinh kệ giáo lý nhà Phật và vốn văn hoá để làm bệ đỡ, hành trang bước đời.
Ngôn ngữ Khmer bao gồm tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói là phương tiện giao tiếp trong cộng đồng, nó có đặc tính riêng và khác nhiều so với các dân tộc khác. Tiếng Khmer có đơn âm và đa âm, nhưng song âm giữ vai trò quan trọng nhất. Để ghi âm tiếng nói của mình, tổ tiên người Khmer đã tạo ra hệ thống ký hiệu đặc biệt để lưu giữ những tư tưởng, tình cảm và những thành tựu văn hoá, văn minh… được gọi là aksor Khmer .
Chữ Khmer xuất phát từ chữ Pallava, một biến thể của chữ Grantha mà nguyên thuỷ là chữ Brahmi ở Ấn Độ. Về phương diện lịch sử, người Khmer có chữ viết khoảng từ thế kỷ I - III, cho đến nay đã trải qua mười một lần cải cách để hoàn thiện. Chữ Khmer hiện tại gồm có 33 phụ âm và chân chữ, trong đó có 15 phụ âm giọng O, 18 phụ âm giọng Ô và 7 phụ âm bổ sung; về nguyên âm có 20 nguyên âm đơn, 4 nguyên âm ghép (24 nguyên âm này đọc thành 45 âm tuỳ theo ghép với phụ âm giọng O hay giọng Ô) và 9 nguyên âm độc lập.
Về đặc điểm, chữ Khmer có thân chữ, chân chữ, giày chữ, tóc chữ, nón chữ và gạch bụng. Ngoài ra còn một số dấu phụ khác tham gia vào cấu tạo chữ. Đây là hệ thống chữ cái chính thức dùng để viết tiếng Khmer và chép kinh Phật giáo Nam tông tiếng Pali trong các nghi lễ Phật giáo Theravada. Sở dĩ chữ Khmer có quá nhiều ký tự như vậy là vì trong tiếng Khmer có rất nhiều từ gốc tiếng Phạn.
Đó là tiếng Săn Sakrit theo chân các đạo sĩ Bà-la-môn vào Chân Lạp giai đoạn tiền Phật giáo, và tiếng Pali theo chân các tăng lữ vào vương quốc cổ này khi các quốc vương bắt đầu cải đạo cho đến khi Phật giáo thành quốc giáo.
Thực trạng ở Tây Ninh hiện nay, người Khmer đa phần nói được tiếng, nhưng viết được chữ Khmer thì tỷ lệ rất ít. Nguyên nhân là chương trình giáo dục tiếng dân tộc chưa được phủ khắp các địa bàn. Ở những nơi người Khmer sống tập trung đông, chương trình tiếng Khmer bậc tiểu học cũng không được thường xuyên, liên tục vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Từ trước đến nay, những làng nào có ngôi chùa thì làng đó có lợi thế trong việc học ngôn ngữ dân tộc, các vị sư sãi tổ chức các lớp học rất bài bản nghiêm túc như chùa Kà Ốt dạy cho con em các làng Kà Ốt, Tầm Phô, Suối Dầm; chùa Khedol dạy cho con em ấp Thạnh Đông; chùa Chung Ruk dạy cho con em ấp Hoà Đông A; chùa Svay dạy cho con em ấp Bến Cừ… ngoài ra những làng không có chùa thì có vị già làng, achar hoặc những người từng đi tu mở lớp dạy vào các dịp hè mà thôi, những lớp kiểu này chỉ dừng lại ở dạng xoá mù, chứ chưa thể từng bước nâng cao theo hệ thống được.
Nhưng có một câu hỏi đặt ra là hiện nay con em dân tộc Khmer học tiếng, chữ Khmer để làm gì? Xin khẳng định rằng, ngoài vấn đề đã nói ở trên, tiếng Khmer vừa là tiếng dân tộc vừa là một ngoại ngữ thông dụng ở Nam bộ, loại ngôn ngữ này không những được sử dụng với mục đích giao tiếp, bảo tồn văn hoá cổ truyền trong nội bộ các phum sóc Khmer, mà còn dùng để ngoại giao mọi mặt với nhân dân nước bạn Campuchia, nhất là những địa phương có chung đường biên giới. Tiếng Khmer giúp cho người dân hai nước dễ dàng giao tiếp trong việc trao đổi, mua bán, phát triển kinh tế từ bao đời nay.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng từ mấy mươi năm nay, các lớp Khmer được tổ chức trong chùa vẫn được sự quan tâm đặc biệt của bà con. Ngoài việc học chữ phổ thông, trẻ em người Khmer còn dành thời gian để học tiếng mẹ đẻ của mình.
Tại chùa, con em đồng bào Khmer không chỉ học tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hoá của dân tộc Khmer, mà còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác. Vì thế, các lớp học trong chùa được duy trì và ngày càng có nhiều học sinh tham gia các lớp học. Các mạnh thường quân, các phật tử trong các làng xã, phum sóc ủng hộ nhà chùa bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập… để thầy và trò yên tâm dạy - học.
Ngoài sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn lâu nay, các sư đảm nhiệm công việc dạy học còn sử dụng những quyển kinh Phật bằng tiếng Pali để thuyết giảng, như một phương pháp học đạo nhằm giúp học sinh thấm nhuần tinh thần đạo đức, cách ứng xử trong mọi phương diện của cuộc sống.
Hiện nay, ở các chùa Khmer Tây Ninh, ngoài các học sinh tham gia các lớp học Khmer theo định kỳ, các học sinh đặc biệt khác là các sadi thường trú tại chùa sẽ được đào tạo một cách nghiêm cẩn.
Tại đây, các sư nhỏ phải học và giữ gìn giới luật hết sức khắt khe để thân tâm trong sạch, tinh tấn tu học. Ngoài học chữ Khmer, các sư phải học thông thạo tiếng Pali và Săn Sakrit để tham cứu liễu nghĩa kinh Phật. Bên cạnh việc học kinh, chữ, các sadi còn học các nghề khác như vẽ tranh bích hoạ, làm hoa văn, tạc đúc tượng…
Các sadi tu học tại chùa tuỳ theo thời gian dài ngắn khác nhau, sau đó hoàn tục hoà nhập vào cuộc sống đời thường, hoặc học tiếp lên các bậc học cao hơn. Điều đặc biệt là những ai đã được nhà chùa đào tạo sau khi trở về với thôn làng đều là những người được bà con quý trọng, tin yêu, có cuộc sống đạo đức tốt đẹp.
Đào Thái Sơn