Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thứ ba: 22:45 ngày 11/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá bày bán tại căn-tin của một trường học.

Với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15.4 - 15.5), nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thực hành trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp và người dân trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Kiểm soát chặt mối nguy ô nhiễm thực phẩm

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tây Ninh, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 10 người mắc, không có tử vong. Nguyên nhân ngộ độc do ăn thực phẩm chế biến trước cổng trường. Chi cục triển khai 2 đợt kiểm tra trọng điểm dịp tết nguyên đán và lễ hội xuân núi Bà năm 2023, Tháng hành động vì ATTP. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra chuyên ngành, giám sát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...

Bà Trần Thị Ngọc Nương- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, công tác giám sát ATVSTP tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh được triển khai chặt chẽ. Trong 70 mẫu thực phẩm xét nghiệm, có 56 mẫu đạt kết quả, 14 mẫu không đạt (chiếm 20%).

Nước đá dùng liền là nhóm có tỷ lệ không đạt cao nhất (80%), 3 chỉ tiêu có số lượng mẫu không đạt cao nhất như P.aeruginosa (60%), Hypoclorid (37,5%) và Coliforms (22,2%). Cơ sở dịch vụ ăn uống do ngành Y tế, chính quyền địa phương quản lý, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đạt 94,7%; 30 cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 162.218.000 đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 7 cơ sở.

Có 2 hình thức dịch vụ ăn uống tại bếp ăn tập thể ở các đơn vị, doanh nghiệp là bếp ăn tập thể ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống (chiếm 80%) và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên (chiếm 20%).

Qua đợt thanh tra, kiểm tra, hầu hết các cơ sở, công ty sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống có ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATTP như nguồn nước bảo đảm chất lượng, người lao động được kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP, trang bị đồ bảo hộ lao động đầy đủ... “Đối với các sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm đã thực hiện việc công bố sản phẩm và duy trì kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ, việc ghi nhãn sản phẩm đúng theo hồ sơ đã công bố”- bà Nương cho biết.

Nói không với sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Còn nhiều lỗi vi phạm

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm việc thực hiện ATVSTP, tỉnh chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, quảng cáo thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. Trên thực tế, nguy cơ không bảo đảm ATTP vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.

Thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP, trong 4.671 cơ sở thanh tra, kiểm tra trên toàn tỉnh, đoàn liên ngành phát hiện 720 cơ sở vi phạm. Trong đó, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thường vi phạm các quy định về điều kiện con người (khám sức khoẻ), quy trình, chế độ vệ sinh khu vực chứa đựng, kho bảo quản, quy định lưu mẫu và kiểm thực ba bước, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm, người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Bà Trần Thị Ngọc Nương cho biết thêm, công tác bảo đảm ATTP đang đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, tình trạng thực phẩm lậu, thực phẩm không an toàn; tình trạng lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc.

Thức ăn nhanh bày bán cho học sinh tại cổng trường học.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng với đó, an ninh, ATTP là vấn đề cấp bách, lâu dài. Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về quy mô, phương thức hoạt động; sự phối hợp của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được tăng cường…

Mục tiêu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm để tạo sự lan toả mạnh mẽ và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ATTP, nâng cao năng lực phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chiếm số lượng lớn tại Tây Ninh.

Theo bà Trần Thị Ngọc Nương, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động vì ATTP còn là điểm nhấn trong năm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm.

Hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn… “Vệ sinh ATTP là vấn đề nóng diễn ra hằng ngày, hằng giờ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”- bà Nương nhấn mạnh.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh