Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Châu Thành:
Nỗi lo ngập úng cánh đồng bưng Dôi Da
Thứ bảy: 07:03 ngày 24/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc vấn đề khó thoát nước đối với bưng Dôi Da và những cánh đồng có liên quan, cần thiết phải tái khởi động dự án đào kênh Dôi Da; đối với những đoạn mương dự án không đi qua cũng rất cần cải tạo lại nhằm khơi thông dòng chảy.

Vừa qua, Báo Tây Ninh nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Chim (ngụ ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành), đính kèm theo đơn còn có một danh sách với hơn 50 hộ dân đồng ký tên.

Nội dung đơn phản ánh vấn đề có một công ty lập trang trại nuôi heo và khai thác đất san lấp gây cản trở dòng chảy bưng Dôi Da. Gần đây, công ty này còn tiến hành khai thác cát, nguy cơ gây sạt lở đất đai nông nghiệp của bà con.

Ông Chim cho biết con mương này không phát huy hiệu quả thoát nước vào mùa mưa.

Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN

Theo đơn, các hộ dân trên hiện đang sinh sống và canh tác nông nghiệp gần khu vực khai thác đất san lấp và cát (ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) của Công ty TNHH Hải Đăng Khoa; cũng có hộ đất đai cách xa đó nhưng đến mùa mưa cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng.

Hằng năm, vào mùa mưa, một lượng nước lớn từ phía bên Campuchia đổ về các khu vực Bàu Năng, Bàu Dài, Bàu Đưng, Đường Quỷnh (thuộc địa bàn huyện Bến Cầu) rồi chảy dồn xuống bưng Dôi Da, nguồn nước khổng lồ này sau đó thoát ra sông Vàm Cỏ.

“Thế nhưng, từ khi ông Đỗ Văn Khía (Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng Khoa) lập trang trại nuôi heo, xây dựng tường gạch chắn ngang bưng Dôi Da với chiều ngang khoảng 150m, dọc theo bưng hơn 200m, khiến cho dòng chảy chính xuống bưng gần như bị tê liệt hoàn toàn. Thêm nữa, phía trên trại heo là khu mỏ khai thác đất san lấp, hiện trường lộ rõ cảnh “băm nát” một đoạn bưng bởi những hầm sâu và các dãy đất đổ cao, thấp, ngang, dọc, gây cản trở dòng chảy thật sự”, ông Chim trình bày.

Sở dĩ có dòng chảy chính và dòng chảy phụ, như ông Chim cho biết, bởi trên thực tế ông Khía vẫn chừa ra một con mương chiều ngang khoảng 3m cặp bên bưng Dôi Da để thoát nước. Tuy nhiên, ông Chim cho rằng con mương này thoát nước không hiệu quả mà chỉ giữ vai trò… phụ.

Ông Trần Văn Tấn, một trong những hộ dân có tên trong đơn nêu ý kiến: “Mương này nằm ở địa thế cao hơn lòng chảo của bưng Dôi Da, có thể nói là trên “bờ bưng”. Trước khi có trại heo, vào mùa mưa nước tại khu vực này thuận theo địa hình đổ dồn xuống vùng trũng của lòng bưng rồi thoát đi nhanh chóng, hiện nay phải đợi đến khi nước tràn lên tận “bờ bưng” rồi mới lập lờ thoát qua mương thì cả vùng phía trên trại heo vẫn bị ngập úng”.

Ông Chim và ông Tấn còn lo lắng trong mùa mưa sắp tới tình hình ngập úng sẽ nghiêm trọng hơn, vì vừa qua, ông Khía đã cho xe tải đổ đất lấp luôn đoạn mương khá dài. Ngoài ra, thời gian gần đây, tình hình khai thác cát tại mỏ đất của ông Khía cũng là một vấn đề đáng lo ngại về nguy cơ lâu dài sẽ gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân. Mặt khác, hằng ngày có rất nhiều xe tải nặng ra vào khu mỏ làm cho đường giao thông nông thôn nhanh chóng xuống cấp và tràn ngập bụi đường.

Trên đây là ý kiến phản ánh của ông Chim và một số bà con. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế vào ngày 21.3, chúng tôi thấy còn có nhiều vấn đề cần nhìn nhận một cách khách quan hơn.

“CÔNG TY KHÔNG LÀM SAI”

Đó là ý kiến của ông Đỗ Văn Khía. Theo ông Lâm Tấn Thủ- Chủ tịch MTTQ xã Long Vĩnh, nguyên cán bộ địa chính xã: “Trước khi có trại heo và mỏ đất, khu vực này toàn là bưng nước sâu nhưng đều có chủ. Do bưng quanh năm đọng nước và cỏ dại mọc dày nên bà con canh tác nông nghiệp không hiệu quả, nhiều người đã sang nhượng lại đất bưng cho ông Khía (trong đó có ông Chim).

Sau khi mua đất bưng, ông Khía mới xin phép lập trại nuôi heo và khai thác mỏ đất, đồng thời đổ đất làm đường rộng thoáng cho người dân lưu thông qua lại thuận tiện hai bên bưng Dôi Da. Ông Khía cải tạo bưng sâu để làm kinh tế nhưng vẫn chừa đất làm mương thoát nước”.

Thực tế, quả đúng là có một trang trại nuôi heo (theo quan sát thực tế cho thấy có thể đã ngưng hoạt động từ lâu) chắn ngang gần trọn lòng bưng Dôi Da, phía trên là khu mỏ khai thác đất san lấp và cát, bên cạnh đó có con mương với bề rộng hơn 2m.

Nhiều đoạn mương hầu như đã bị bồi lắng, cỏ dại phủ dày, xem ra khó thoát nước hiệu quả. Vị trí con mương có độ cao không quá chênh lệch so với lòng bưng, nếu mương được đào sâu và khơi rộng vẫn có thể thoát nước tốt cho toàn khu vực.

Ngoài ra, quan sát theo mương từ trại heo lên khu vực Bàu Đưng, Đường Quỷnh, hay ngược xuống hướng sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi nhận thấy nhiều đoạn mương đã bị bồi lắng gần như hoàn toàn. Thực trạng này có thể là nguyên nhân chính gây khó thoát nước cho bưng Dôi Da và các cánh đồng liên quan.

Do đó, bà con cần có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề khó thoát nước của bưng Dôi Da, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho trại heo hay khu mỏ khai thác đất của ông Khía. Bà con cũng dễ dàng nhận thấy, cái gốc của vấn đề là mương thoát nước đã xuống cấp nghiêm trọng.

Về trại heo, ngày 10.4.2015, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 749 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trại chăn nuôi heo công nghiệp, kết hợp nuôi trồng thuỷ sản do DNTN Hải Đăng Khoa làm chủ dự án.

Đối với mỏ khai thác đất san lấp, ngày 14.7.2017, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1603 cho Công ty TNHH Hải Đăng Khoa, khai thác đất san lấp bằng phương pháp lộ thiên. Theo đó, khu vực khai thác hơn 8,5 ha, trữ lượng khai thác 335.041,46m3, mức sâu khai thác thấp nhất 7m, công suất 70.000m3/năm, thời hạn khai thác 5 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép.

Ngày 9.3.2018, UBND tỉnh có Quyết định số 641 về việc điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản số 1603 nêu trên. Cụ thể, cho phép Công ty TNHH Hải Đăng Khoa khai thác khoáng sản vật liệu san lấp (đất san lấp, cát san lấp) tại mỏ vật liệu san lấp ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; với trữ lượng khai thác 335.041,46m3 vật liệu san lấp đến mức sâu 7m, trong đó cát san lấp là 92.086,1m3, đất san lấp 262.955,36m3.

Từ cơ sở trên, cho thấy những hoạt động kinh tế của ông Khía tại khu vực mà ông Chim và một số bà con đang phản ánh đều có giấy phép. Riêng việc ông Khía cho xe tải đổ đất lấp mương thoát nước như ông Chim trình bày là có thật.

Giải thích về việc làm này, ông Đỗ Văn Khía cho hay: “Con mương nằm trong phạm vi đất của tôi đã mua, tôi cần lấp mương đắp bờ bao để bơm nước ra mới có thể khai thác khoáng sản được. Nếu dự án đào kênh Dôi Da có đi qua, tôi sẵn sàng hợp tác đào lại mương để đơn vị thi công lắp đặt cống thoát nước. Hiện tại, để khai thác khoáng sản, tôi buộc phải đắp bờ bơm nước.

Riêng việc lập trang trại nuôi heo và đổ đất ngang, dọc… cũng nằm trong phạm vi tôi được phép sử dụng. Chẳng lẽ tôi mua đất chỉ để bỏ hoang?”. Theo Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành, nhiều năm trước đã có dự án cải tạo, đào mới kênh Dôi Da, nhưng vì bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (đền bù đất cho dân) nên dự án tạm ngưng lại cho đến nay.

CHÍNH QUYỀN VÀ NGÀNH CHỨC NĂNG NÓI GÌ ?

Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành đều cho biết cũng mới nhận được đơn của ông Chim cùng nhiều hộ dân ký tên trong danh sách đính kèm và sẽ sớm phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra thực tế để có hướng giải quyết.

Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh lưu ý, trước đó ông Chim cũng đã từng có đơn phản ánh với nội dung tương tự, tuy nhiên đến khi chính quyền địa phương đi xác minh những người dân có tên trong đơn thì phát hiện chỉ số ít hộ là có đất bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng, một số hộ do nể nang nhau mà ký vào đơn, số còn lại không rõ đơn muốn phản ánh vấn đề gì.

Về nội dung đơn phản ánh hằng ngày có nhiều xe tải nặng ra vào khu mỏ làm cho đường giao thông nông thôn xuống cấp và gây bụi đường: qua xác minh một số hộ dân sống cặp hai bên đường đất sỏi phún vào khu mỏ, mọi người đều xác nhận ông Khía có cho xe tưới nước hạn chế bụi 3 lần/ngày.

Tuy nhiên bà con cũng góp ý, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nên tăng số lần tưới nước. “Một số con đường sỏi phún tại địa phương được làm cùng thời điểm với con đường này đã bị hư hỏng nhiều. Phải thừa nhận rằng đường vào khu mỏ cũng nhờ có ông Khía thường xuyên cho máy đổ đất và cào bằng mới còn đi được như hiện nay”, một hộ dân cho biết.

Thực tế, nếu chạy xe mô tô trên con đường đang đề cập có bị sốc, do lúc vừa tưới xong nước xe tải nặng chạy qua xới lớp đất dẻo lên làm cho mặt đường không liền lạc, nhưng không đáng kể.

Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc vấn đề khó thoát nước đối với bưng Dôi Da và những cánh đồng có liên quan, cần thiết phải tái khởi động dự án đào kênh Dôi Da; đối với những đoạn mương dự án không đi qua cũng rất cần cải tạo lại nhằm khơi thông dòng chảy.

Trong lúc chờ dự án triển khai, giữa ông Khía cùng ông Chim và một số bà con rất cần có tiếng nói chung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hạn chế đến mức thấp nhất có thể tình trạng ngập úng tại khu vực này. Mùa mưa đang đến gần, các bên cần có sự đồng thuận và có chuẩn bị trước.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục