BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nỗi lo tăng lương 

Cập nhật ngày: 11/10/2022 - 10:33

Nghe thì có vẻ nghịch lý, thế nhưng việc người lao động, công chức, viên chức lo lắng khi được tăng lương không phải là chuyện bây giờ mới thấy. Bởi mỗi lần tăng lương thì giá cả thị trường lại leo thang, thậm chí lương chưa tăng mà giá đã “đón đầu” và số tiền tăng không đủ bù trượt giá.

Tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, cho ý kiến đối với tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước, lương của công chức, viên chức, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu...

Đây là tín hiệu rất đáng mừng, thế nhưng nhiều người được hưởng lương lại buồn vui xen lẫn, bởi bao năm qua “giá-lương” cứ vờn đuổi nhau. Lương thì luôn chạy theo giá. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp cầm lương mới trên tay thì giá các mặt hàng đã tăng vọt.

Dẫn chứng là hơn 3 tháng qua, kể từ khi tăng lương tối thiểu vùng, đời sống một bộ phận người lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể trước “bão giá”. Bởi thế mới xuất hiện câu nói vui nhưng chất chứa nỗi niềm trăn trở: “Lương tăng thực nhưng vẫn không vực được giá”.

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn 

Thực tiễn những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực...

Thế nhưng, dù chính sách tiền lương đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn còn không ít bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là thực trạng “bão giá”, vấn nạn người bán hàng “té nước theo mưa” lợi dụng việc tăng lương để đẩy giá lên cao.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta trải qua quãng thời gian dài tập trung mọi nguồn lực chống chọi với đại dịch Covid-19, áp lực cân đối ngân sách để tăng lương là rất lớn. Chủ trương tăng lương thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống người lao động, cán bộ, công chức, viên chức..., tạo động lực quan trọng phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, phát triển thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đóng vai trò then chốt.
Cùng với thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ở góc độ còn lại, người lao động, người hưởng lương cần thấu suốt quan điểm, chủ trương đúng đắn cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực thi chính sách tiền lương, lộ trình tăng lương, đồng hành với những khó khăn của đất nước, cùng chung tay kiềm chế lạm phát, bình ổn hàng hóa cùng các dịch vụ thiết yếu.

Nguồn qdnd