Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nói thêm về chùa Long Thọ Chính điện chùa Long Thọ cũ
Thứ tư: 09:15 ngày 27/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong bài “Chuyện chùa Long Thọ” (đăng trên số báo ngày 20.9.2017) có thể biết được lai lịch chùa Long Thọ (xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) buổi “sơ sinh” là ở giữa đồng bưng vào cuối thế kỷ 18, và được dời về khu đất giồng thuộc ấp Long Phú ngày nay vào giữa thế kỷ 19, sau khi định danh chính thức thôn làng.

Chính điện chùa Long Thọ cũ.

Lại vượt qua một thế kỷ nữa với nhiều cuộc chiến trùng trùng gươm giáo, đạn bom, để tới thập kỷ 70 của thế kỷ 20 mới định hình như hôm nay ta thấy. Hàng cây sao mới trồng khoảng năm 1940 đã thành cổ thụ vẫn mượt mà cường tráng. Chỉ có ngôi chùa cũ như lún xuống, già đi dưới lớp ngói nâu.

Kể từ khi có các ni cô thuộc hệ phái ni giới khất sĩ về đây nhận trụ trì chùa, cảnh chùa Long Thọ mới có thêm sự tốt tươi mới mẻ. Như con đường từ cổng vào chùa đã láng xi măng, rồi sân trước, lối sau tất cả sạch bong, quang quẻ. Như để thêm phần vừa mới, vừa bảo vệ ngôi chùa cũ cũng đã tới thời xập xệ, các cô còn dựng thêm trước thềm chùa một chiếc vỏ ca. Cũng là tôn, sắt sơ sài thôi nhưng có phần xinh, gọn với mái tôn giả màu ngói đỏ.

Có lẽ cái sự cố gắng níu giữ tuổi thọ cho chùa Long Thọ này đã được nhiều vị mạnh thường quân biết tới. Vậy nên vào tháng 3.2017, chùa đã được phép khởi công xây mới. Khuôn viên còn rộng rãi nên chùa mới cất về bên trái ngôi chùa cũ với thềm cao, nền rộng gấp đến cả mấy lần ngôi cũ. Các ni cô cho biết, sau khi chùa mới xây xong, mới dỡ bỏ chùa cũ để xây tiếp ngôi nhà giảng cùng các ngôi phụ trợ. Vậy là trước sau gì cũng sẽ mất đi một cảnh chùa xưa.

Long Thọ- chùa nghèo thì ai cũng biết. Ngay từ thời hoà thượng Thiện Tín trụ trì (1940-1961), các nhà sư đã xới đất, lật cỏ trên rẫy ruộng, vườn chùa để tự lo cho bản thân và sắm sửa hương hoa, nhang đèn thờ Phật. Thượng toạ Tịnh Châu còn nhớ: “Sư phụ làm kinh tế nhà chùa như trồng khoai lang, mì, mua mía ép đường rồi trữ lúa, thuốc lá… bán cho lái buôn”. Các thế hệ trụ trì về sau cũng theo gương sư phụ để tự trồng vườn, làm ruộng, tự túc bữa chay, không luỵ phiền phật tử trong vùng.

Long Thọ còn là ngôi chùa kháng chiến suốt hai thời chống Pháp, đánh Mỹ. Cũng vì thế, người nhà chùa cũng chịu nhiều đau thương mất mát. Như câu chuyện về ni sư Thích nữ Diệu Lâm, thế danh là Võ Thị Nhàn. Ni sư quy y tại chùa Thiền Lâm- Gò Kén từ năm 1933.

Ðến năm 1943, ni sư sang tu hành, làm thường trụ chùa Long Thọ. Cũng tại nơi này, bà tham gia Nông hội đỏ. Người dân trong vùng còn gọi ni sư là bà thầy, vì bà chữa bệnh cho nhiều người bằng thuốc nam rất hay. Qua các buổi đi chợ bán thuốc mà bà tham gia làm giao liên, tiếp tế cho cán bộ cách mạng.

Một ngày tháng 12.1947, ni sư gánh thuốc, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ trong căn cứ Bàu Lu- Chuối Nước thì bị Pháp phục bắt. Chiều hôm ấy chúng đem bắn và bêu đầu ở đình Long Khánh (theo lời kể của ông Năm Trinh- Ban Quý tế đình Long Giang. Ông Năm lúc ấy đã tham gia vận tải lương thực cho cách mạng và thường xuyên qua lại chùa Long Thọ).

Cho đến trước năm 2003, phía sau chùa vẫn còn ngôi mộ của ni sư. Ðệ tử của người đã đắp tấm bia xi măng, khắc chìm những hàng chữ: “Liệt sĩ Võ Thị Nhàn/ 1906-1947/ Từ trần 29.10 năm Ðinh Hợi”.

Ðến năm 1961, khi thiền sư Thiện Tín “thâu thần, nhập diệt”, các đệ tử kế tục thầy vẫn giữ theo ý thầy “một tấc không đi, một ly không rời”, cương quyết không vào ấp chiến lược, dù ngôi đình đã bị địch cưỡng bức dời đi.

Năm 2003, thượng toạ Thích Tịnh Châu mới vận động được chút ít tiền về xây tháp tổ gọi là Bảo Châu tháp cho sư thầy Thiện Tín và xây một Bảo đồng cho ni sư Diệu Lâm- Võ Thị Nhàn. Từ đây, Long Thọ có thêm hai bảo tháp tôn thờ các vị tiền bối có công với đạo pháp và dân tộc, góp thêm cho cảnh chùa nghèo vài bóng cũ hình xưa.

Thật may mắn là bây giờ chùa mới đang xây dựng thì vẫn còn nguyên vẹn cả chùa cũ và những ngôi bảo tháp. Trong khuôn viên có thêm một điện thờ Quán Thế Âm Bồ tát. Một người dân Long Khánh mới hiến tặng cho chùa một pho tượng Phật bà cao hơn 4m. Tượng được tạc từ nguyên một bộ gốc và thân cây gỗ xà cừ.

Phật bà không còn cầm cành lá cây rải nước cam lồ mà lại cầm cây chổi lá dừa như muốn quét đi những rác rưởi trên trần thế. Bên chùa cũ chỉ có nền được lót thêm gạch men, còn mọi thứ khác vẫn như xưa. Chỉ khác là dưới bàn tay chăm chỉ của các ni cô, tất cả đã đều tinh tươm sạch sẽ. Bộ cột tứ trụ lại ngời ngời bóng đỏ. Tường bao quét vôi vàng, mái ngói móc trầm nâu trên những rui mè gỗ. Tất cả như được khoác lên bộ áo nâu sồng mới và sạch sẽ. Chợt giật mình mà nghĩ, rồi những hình ảnh này có còn không, khi chùa mới đã xây xong?

Ở Tây Ninh, những ngôi chùa kiến trúc đình chùa Nam bộ như Long Thọ đã bắt đầu hiếm thấy. Chỉ còn có thể kể tới trên ngón một bàn tay, như chùa An Phước trong khuôn viên Dinh Ông- An Thạnh, Bến Cầu; hay chùa Phước Lưu, chùa Hội Phước Hoà ở Trảng Bàng...

Bởi lẽ nhiều chùa khi xây mới đã dỡ bỏ đi chùa cũ. Như Hiệp Long, Thiền Lâm cổ ở TP Tây Ninh; Phước Thành, Tịnh Thành ở Trảng Bàng; Thanh Lâm ở Gò Dầu và nhiều ngôi chùa khác nữa. Những ngôi này nay đã lầu cao cửa kính, ngói màu chính điện ngời ngời sáng sủa. Nhưng cũng vì thế mà những ngôi chùa mới đã làm mất đi phần nào cái hồn cốt của những ngôi chùa cổ, đã từng in dấu ấn vào lòng người Việt suốt cả ngàn năm.

Giả dụ rồi đây, khách du lịch tới Tây Ninh, muốn hỏi tìm một ngôi chùa kiểu Nam bộ xưa thì cũng khó trả lời. Chẳng lẽ chỉ tả bằng lời? Rằng chùa có số lẻ gian, 3 hay 5 nóc với cấu trúc cột tròn xoay quanh bộ cột 4 cây gọi là tứ trụ. Trên mái thường là ngói âm dương hay ngói móc xuôi chảy 4 mặt giống hình bánh ít…v.v…

Khuôn viên chùa Long Thọ rộng tới 1,2 ha, có nhiều cây cổ thụ, chợt nghĩ có lẽ cũng nên giữ lại ngôi chùa cũ, dù mai này chùa mới đã xây xong. Nó như chứng tích của suốt chiều dài hơn 200 năm thời mở đất lập làng trên miền đất Ngũ long. Lại như một tượng đài ca ngợi đức hy sinh cao cả không chỉ của các vị tu hành, mà của cả nhiều thế hệ người dân Long Khánh.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục